Cẩm Lệ

Ảnh: tư liệu & Cẩm Lệ

Tôi biết đến PGS Trần Tuấn Thanh, giảng viên Bộ môn Công nghệ chế tạo máy, Viện Cơ khí, Anh hùng lao động thời kỳ chống Mỹ cứu nước qua một số tư liệu lịch sử của Trường ĐHBK Hà Nội. Sau này, tôi có cơ hội được gặp trực tiếp và nghe ông chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề và câu chuyện về hành trình ra đời bộ đôi vòi phun cao áp của Trường ĐHBK Hà Nội.

PGS Trần Tuấn Thanh sinh năm 1933, xuất thân trong một gia đình nhà nho, tại vùng đất nổi tiếng hiếu học Nghệ An. Năm 1956, ông là lính biệt phái của D126, Bộ Tổng tham mưu vào học khóa 1 của Trường ĐHBK Hà Nội. Đến năm 1959, như những sinh viên xuất sắc khác, ông được đặc cách cử đi học tiếp đại học tại Liên Xô. Đến phút chót, do gặp sơ xuất về giấy tờ nên ông không đi được. Nhưng với tính cách chăm chỉ, cần cù và thành tích học tập xuất sắc, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Khoa Cơ khí (nay là Viện Cơ khí).

Năm 1969, ông được Trường cử đi thực tập tại Nhà máy chế tạo máy tính thuộc Cộng hòa Armenia (Liên Xô cũ). Tại đây, ông dồn hết mọi tâm sức vào việc học nâng cao trình độ cả về lý thuyết, thực hành. Ông còn dự một số chuyên đề nghiên cứu về cơ khí chính xác tại Đại học Bách khoa Yerevan (Armenia). Lúc đó, thầy Chủ nhiệm khoa muốn ông làm nghiên cứu sinh tại trường, song vì chưa nhận được ý kiến của ĐHBK Hà Nội nên ông không đồng ý.

Hết hạn thực tập, năm 1972, kỹ sư Trần Tuấn Thanh trở về nước. Đúng thời điểm này, do yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phó Thủ tướng Đỗ Mười chỉ thị thiết lập dây chuyền sản xuất bơm cao áp vòi phun; sau này thành lập thành đề tài cấp Nhà nước mang mã số N-03.76 do Ủy ban Khoa học Nhà nước ký quyết định. Nhiệm vụ đề tài là phải nghiên cứu chế tạo các bộ đôi siêu chính xác về vòi phun và bơm cao áp của động cơ diesel cho ôtô và xe tăng. Đây là đề tài cấp Nhà nước đầu tiên mà Trường ĐHBK Hà Nội được Uỷ ban Khoa học Nhà nước tin tưởng trực tiếp giao cho (theo công văn số 1817). Khác với động cơ xăng, động cơ diesel dùng nhiên liệu rẻ tiền hơn, hiệu suất làm việc lại cao hơn, nên được sử dụng rất rộng rãi ở nhiều loại hình thiết bị xe, máy. Bộ đôi này chính là “trái tim” của động cơ diesel. Ngày đó theo yêu cầu của chiến trường, hậu phương cần chi viện cho tiền tuyến những phụ tùng thay thế khi sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, mà viện trợ của nước bạn không thể đáp ứng đủ. Là trường công nghệ lớn nhất, ĐHBK Hà Nội được Chính phủ tin cậy trao nhiệm vụ phải nghiên cứu và chế tạo thành công “trái tim” của động cơ dùng cho ôtô vận tải nặng, xe bọc thép, xe tăng…

Việc thực hiện thành công đề tài này có ý nghĩa to lớn, không chỉ mở đầu cho việc kết hợp lý luận với thực tiễn mà còn đặt nền móng cho việc xây dựng một nền công nghệ cơ khí chính xác của Việt Nam. Đó là một vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề và là một thời kỳ đáng nhớ của Trường ĐHBK Hà Nội, Khoa Cơ khí và nhiều khoa khác. Phó Tiến sĩ Hà Nghiệp (Bộ môn Dao cắt) làm Chủ nhiệm đề tài trong thời gian đầu và PGS Trần Tuấn Thanh làm Phó Chủ nhiệm đề tài, chịu trách nhiệm lập đề cương thực hiện.

Được một thời gian ngắn, cấp trên rút ông Hà Nghiệp về Trung ương làm trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Duẩn, thôi hẳn việc giảng dạy, nghiên cứu. Lúc này, mọi việc triển khai đề tài đều do ông Trần Tuấn Thanh đảm nhiệm chính. Đây thực sự là một đề tài nghiên cứu lớn, mới mẻ, người chủ trì phải huy động được trí tuệ tập thể với nhiều ngành nghề khác nhau. Song, không phải ngay từ đầu nội bộ cán bộ khoa học của Trường đã có sự đồng thuận trong phương pháp nghiên cứu, triển khai. Kể đến đây, thầy Trần Tuấn Thanh xúc động chia sẻ, có một chuyện đáng nhớ khi xét duyệt đề cương. Đó là, GS.VS Trần Đại Nghĩa khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước chỉ hỏi một câu: Đo độ chính xác của bơm cao áp bằng cách gì? Cán bộ của Ủy ban báo cáo là, Trường ĐHBK Hà Nội dùng áp lực khí chuyển đổi hiển thị đến 1/1000mm, thì GS Trần Đại Nghĩa hiểu ngay đó là hướng đi đúng và vui vẻ ký duyệt.

Bộ đôi sản phẩm gồm một số chi tiết hợp thành và để chế tạo được mỗi chi tiết như vậy đều phải trải qua từ 50-60 nguyên công, đó là quá trình công nghệ phức tạp, chặt chẽ về thực hiện quy phạm kỹ thuật. Để làm được điều này, liên quan đến nhiều ngành nghề và chất xám của nhiều thầy, cô giáo các bộ môn. Từ đề tài chung, nảy sinh các đề tài nhánh, như: thiết kế, chế tạo loại lò nhiệt luyện riêng cho sản phẩm; phương pháp làm sạch sản phẩm bằng siêu âm; chế tạo loại bột mài cao cấp từ nguyên liệu trong nước để mài sản phẩm đạt độ bóng rất cao; nghiên cứu ứng dụng đo lường, kiểm tra sản phẩm đạt độ chính xác đến 1/1000mm…

Khi bắt đầu triển khai đề tài, dụng cụ và phương tiện để làm rất thô sơ, chỉ có một cái thước lá (thước làm bằng thép mỏng), trong khi đó yêu cầu về độ chính xác của sản phẩm đòi hỏi rất cao, lên tới 0,001 mm (1/1000 mm) và 0,0005 mm (0,5/1000 mm). Bộ đôi sản phẩm gồm một số chi tiết hợp thành và để chế tạo được mỗi chi tiết như vậy đều phải trải qua từ 50 – 60 nguyên công. Đó là cả quá trình công nghệ phức tạp, chặt chẽ về quy phạm kỹ thuật. Và để làm được điều này, PGS Trần Tuấn Thanh ngoài việc quán xuyến chung, ông cùng nhiều thầy cô và các cán bộ kĩ thuật của Nhà máy ô tô 3-2 đã phải dốc toàn tâm, toàn lực, toàn thời gian vào công việc. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, ý chí kiên cường và tinh thần vượt mọi khó khăn, chạy đua với thời gian của hàng trăm cán bộ (trong đó có tới 20 PTS, nhiều kỹ sư, cán bộ phục vụ… của các Khoa Cơ khí, Luyện kim, Hoá học, Nhà máy ô tô 3-2…) nên năm 1975, sản phẩm đã được ra đời và đến năm 1978 đề tài hoàn thành xuất sắc. PGS Lê Hoàng Việt – Phó Hiệu trưởng Trường lúc bấy giờ đã bàn giao dây chuyền cho Nhà máy 3-2 với hình thức chìa khóa trao tay. Ngay từ đầu, tại Nhà máy ôtô 3-2 (Bộ Giao thông Vận tải) đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhóm đề tài và lãnh đạo nhà máy, đào tạo được một bộ khung gồm các kỹ sư công nghệ và thợ bậc cao đồng bộ cho dây chuyền sản xuất loại sản phẩm này. Sau ngày nước nhà thống nhất, công nghệ chế tạo bộ cao áp vòi phun còn được triển khai đồng bộ ở Nhà máy phụ tùng số 3 (TP. Hồ Chí Minh) và các điểm phục hồi sản phẩm ở Nam Định, Khánh Hòa, Bình Định… Thành công của đề tài cũng là thành công của nền công nghệ cơ khí chính xác. Từ đây, ĐHBK Hà Nội còn mở rộng áp dụng việc sửa chữa, phục hồi cho các loại hình thiết bị khác, như việc phục hồi bơm thủy lực (còn phức tạp hơn bơm cao áp) cho máy phun bê tông làm hầm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; phục hồi động cơ thủy lực cho tàu cuốc của Công ty thủy lợi TP. Hồ Chí Minh; đã chế tạo thành công bộ đôi điều khí bằng khí nén dùng trong máy bay trực thăng…

                       PGS Trần Tuấn Thanh AHLĐ (bên trái) giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhớ về thời gian đó, PGS Trần Tuấn Thanh xúc động khi kể về những người đồng nghiệp đã sát cánh cùng ông để tạo ra một ê kíp làm việc ăn ý như: TS Nguyễn Tiến Thọ (Bộ môn Máy chính xác), người thiết kế, chế tạo hệ thống đo lường bằng khí nén; thầy Nguyễn Ngọc Uyên (Nguyên Bí thư Đảng ủy Trường, Khoa Luyện kim, nay là Viện KH&KT Vật liệu) tham gia toàn bộ quá trình nhiệt luyện; TS Phùng Tố Hằng (Khoa Luyện kim); hai Phó Giám đốc Nhà máy 3-2 là Nguyễn Tiến Khang và Trần Văn Thể… Ngoài ra, ông luôn dành một tình cảm đặc biệt và sự trân trọng của mình tới Ban lãnh đạo Trường thời kì đó là GS Phạm Đồng Điện – Nguyên Hiệu trưởng, GS Hà Học Trạc – Nguyên Hiệu trưởng, PGS Đỗ Văn Chừng – Nguyên Bí thư Đảng ủy Trường… Bởi, Ban lãnh đạo Trường đã “trao” cho ông cơ hội để thực hiện đề tài với nhiều tâm huyết. PGS Trần Tuấn Thanh là người chỉ đạo hiệu quả việc tập hợp tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và các phương án thực nghiệm, là người không kể ngày đêm đứng mũi chịu sào gánh vác mọi khó khăn về vật chất và tinh thần. Ông phải đương đầu với nhiều trở ngại to lớn để đưa đề tài đến thành công, đưa được vào sản xuất đại trà vòi phun bơm cao áp, làm giảm hẳn tình trạng khan hiếm một loại phụ tùng cao cấp đang hoàn toàn phải nhập ngoại, giảm hàng chục triệu đô la, cứu sống hàng vạn xe, máy phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải, thủy sản…

Đặc biệt, trong công tác giảng dạy, ông luôn tìm cách cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, đảm bảo tính khoa học, cơ bản, vững chắc, gắn với thực tiễn trong truyền đạt kiến thức, phát huy tính độc lập sáng tạo của sinh viên ngay trong quá trình học tập ở Trường. Chính vì vậy, hàng trăm sinh viên được ông dạy và hướng dẫn đều đạt kết quả cao và làm ra nhiều công trình có giá trị kỹ thuật. Trong số đó, nhiều người đã trở thành những chuyên gia giỏi, những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý có năng lực của các cơ sở đào tạo, sản xuất và nghiên cứu khoa học. Với ông, niềm vui là sự thành đạt của học trò. Với những đóng góp cụ thể về thiết kế quy trình công nghệ và những sáng kiến trong gia công cắt gọt kim loại, PGS Trần Tuấn Thanh đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo và năm 1981 được đi dự Hội nghị sáng kiến toàn quốc. Từ năm 1985, ông còn làm Chủ nhiệm Chương trình khoa học kỹ thuật trọng điểm cấp Nhà nước về cơ khí chính xác (mã số 52-01), Chủ nhiệm đề tài về thủy khí. Cuối năm 1985, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những đóng góp nổi bật trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trở thành Anh hùng Lao động đầu tiên của Trường ĐHBK Hà Nội Hà Nội.

Kết thúc câu chuyện về đề tài gắn liền với lịch sử của Trường ĐHBK Hà Nội và đất nước cũng như sự nghiệp “trồng người” với PGS Trần Tuấn Thanh, tôi nhận thấy niềm xúc động nghẹn ngào của ông chưa hết. Dẫu đã ngoài bát tuần nhưng những tâm huyết với nghề, với khoa học dường như vẫn còn “nóng” trong ông.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here