Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ 5/8/1965, để tránh tổn thất mà vẫn đảm bảo công tác GD&ĐT, Nhà nước chủ trương cho các trường ĐH sơ tán về vùng ven đô. Thầy và trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định xây dựng khu C ở các bản dân tộc Tày Nùng thuộc 2 huyện Văn Lãng và Tràng Định tỉnh Lạng Sơn, ven sông Kỳ Cùng ở địa đầu Tổ quốc, lấy bí danh là Trường Văn hóa Hà Huy Tập, các khoa lấy bí danh là các H.
Đào tạo công nghệ Điện giữa núi rừng
Cán bộ, giảng viên và sinh viên vào rừng chặt tre đẵn gỗ, cắt tranh, tự tay xây dựng giảng đường, ký túc xá, văn phòng, náu mình kín đáo dưới tán cây rừng. Hai khoa Điện và Vô tuyến điện là một đơn vị lấy bí danh là H2, từ năm 1966 đóng tại các bản Nà Lình, Bản Sl’ào, Nà Làng, thuộc xã Quốc Việt ở bờ Nam sông Kỳ cùng, đến 1967 tiếp quản thêm bản Khâu Khiu ở bờ Bắc từ khoa Xây dựng cũ đã tách trường.
Năm 1968, khoa Toán Lý thành lập H8 cũng đóng cùng địa bàn với H2. Cơ sở vật chất sinh hoạt và học tập tuy có vất vả nhưng cũng tạm được. Khó khăn lớn nhất lúc đó là: Đào tạo những ngành kỹ thuật công nghệ liên quan đến Điện: Phát dẫn điện, Điện khí hóa XN, Vô tuyến điện, Máy tính, Vật lý v..v.. nhưng lại … không có điện: Đường điện lưới quốc gia và các trạm biến áp ở xa hàng chục km hoàn toàn không thể kết nối. Máy phát điện thì khoa có, trường có, chuyện vận hành, đồng thời cho sinh viên thực tập là quá đơn giản, vấn đề là nguồn năng lượng ở đâu?
Trong cái khó, ló cái khôn. Vài cựu sinh viên về công tác bên Tổng cục Đường sắt cho biết, xe lửa đang chuyển sang dùng đầu máy diesel nên một loạt đầu máy hơi nước Locomotive cũ thời Pháp hiện đã loại bỏ chờ thành sắt vụn. Dù có nhiều ý kiến chế diễu, mấy thầy khoa Điện mạnh dạn đề nghị thầy Trần Văn Tảo – khi đó là Tổng phụ trách H2 – đề xuất với Trường sang “xin”- và được “tặng” ngay một Lô-cô còn mới. Sau gần 2 tháng làm thủ tục, các thầy tháo dỡ, vận chuyển rồi lắp ráp trên một ngọn đồi thấp gần bản Nà Làng.
Tiếp đó, cán bộ và sinh viên cấp tập “thực tập tự nguyện” lắp máy phát, kéo đường dây về khu nhà học, H bộ và mấy nhà ở 2 bản Nà Làng và Bản S’lào, lắp một số thiết bị và bóng đèn, ngay trước Tết Đinh Mùi năm 1967 “nhà máy điện mini” của H2 bắt đầu phát điện.
Lễ hội… đóng cầu dao!
Tuy không có chủ trương nhưng trong buổi đóng cầu dao chính thức vận hành, tự phát thành một lễ hội long trọng, nhân dân trong gần 10 bản lân cận kéo nhau về vui mừng hát múa và lần đầu tiên nói vào cái “ống loa điện” cho cả xã nghe.
Cụ ké Quốc Trọng – người đảng viên già từ thời tiền khởi nghĩa – run run phát biểu: “Chúng mày thấy đấy, hàng trăm nghìn năm rồi, người Tày Nùng quê ta đã bao giờ sướng thế này chưa. Đảng đã cử mấy đứa thầy giáo và sinh viên Bách khoa mang ánh sáng về cho dân bản mình đấy…” Và ngọn đồi vô danh nọ từ đó được mang tên là “Đồi Lô cô”.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế: Thứ nhất, dù đã ngụy trang rất kỹ nhưng khi máy hơi nước vận hành thì khói bốc lên khá nhiều, vì sợ “lộ mục tiêu” nên chỉ phát điện từ chập tối trở đi, phục vụ sinh hoạt thì khá tốt nhưng cho học tập thì không đủ.
Thứ hai, chất đốt dùng củi gỗ, hiện thời củi khô trong rừng còn nhiều nhưng dùng mãi thì vài năm sau phải nghĩ đến nhiên liệu khác, mà vận chuyển than đá về đến đây không dễ. Tiếp tục mấy tháng sau, nhóm các thầy Đậu Đình San và Phan Kế Phúc hoàn thành đề tài “Thủy điện chuỗi” đưa ra thử nghiệm.
Sông Kỳ Cùng đoạn qua Nà Lình hơi thắt lại, rộng chỉ hơn 400m, nước chảy xiết. Chuỗi tua bin có sợi cáp xuyên qua, vắt lên hai đầu tời ở hai bờ sông, hạ xuống là phát điện, không cần chất đốt, môi trường sạch lại không ồn, có thể phát điện ngày đêm.
“Nhà máy thủy điện mini” khai trương: Cấp điện cho mấy phòng thí nghiệm, thực tập, cho H bộ và khu “Nhà 10 gian” – ký túc xá của cán bộ giảng viên và cho Hội trường gốc đa Nà Lình, gần 300 chỗ, nơi được cả khu C sử dụng cho các lễ hội toàn trường, Đêm đêm, dưới ánh đèn nê ông, hàng trăm sinh viên học tập trong hội trường, người già, trẻ em, trai gái trong bản ngồi ngoài hiên đan lát, chuyện trò.
Bách khoa Hà Nội trọn nghĩa vẹn tình
Sang năm 1969, các trường lần lượt rút về Hà Nội. Người Bách khoa luôn trọn tình trọn nghĩa, chỉ vài năm sau, thầy Hà Học Trạc – Ủy viên TW Đảng, nguyên Chủ nhiệm khoa Điện, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa – đã đứng ra vận động các cựu giảng viên, cán bộ và cựu sinh viên, đặc biệt với sự hỗ trợ của các cựu sinh viên ở Cục Điện lực Lạng Sơn, đã hoàn thành dự án kéo đường dây và lắp đặt 1 trạm biến áp 220KV cung cấp cho xã Quốc Việt.
Năm 1992, Nhà trường và xã cùng xây dựng một tấm bia với dòng lưu niệm: NƠI ĐÂY, THẦY VÀ TRÒ TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA ĐÃ SỐNG HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC, TRONG SỰ THƯƠNG YÊU ĐÙM BỌC CỦA NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC XÃ QUỐC VIỆT.
Năm 2014, khi con đường tuần tra biên giới được mở rộng, bia kỷ niệm bị lệch đổ, bà con địa phương đã kịp thời sửa chữa tạm và báo tin ngay một đại diện Cựu sinh viên H2 là Ngô Thế Long và một cựu sinh viên H8 là Nguyễn Đăng Hà. Hai anh Long, Hà bàn với thầy Thái Thanh Sơn, nguyên Tổng phụ trách H8, phát động một đợt quyên góp cá nhân để tôn tạo tấm bia kỷ niệm của Đại học Bách khoa tại xã Quốc Việt.
6 tháng sau, nhờ sự đóng góp từ nhiều phía: Cựu sinh viên Bách khoa góp tiền và thiết kế, chỉ đạo thi công, xã Quốc Việt cấp đất, nhân dân Bản S’lào, Nà Lình góp công, tấm bia kỷ niệm của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khiêm tốn nhưng uy nghiêm, đã được khánh thành
Tháng 10/2016, trong buổi lễ giản dị, mế Xâng – 91 tuổi – sờ tấm bia, xúc động nói với Chủ tịch xã, Bí thư bản và mấy cán bộ trẻ: -“Ngày cái Bách khoa chúng nó lên đây, bố mẹ chúng mày còn bé tí còn chúng mày chưa có, mấy chục năm rồi mà chúng nó vẫn nhớ đến dân bản mình, sống như vậy mới là tình là nghĩa Bách khoa đấy các con ạ”.
Thái Thanh Sơn