“Sáng tạo trẻ Bách khoa” là cuộc thi thường niên nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo trong sinh viên, kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực hướng tới việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực, các giải pháp quản lý đổi mới sáng tạo có tiềm năng khởi nghiệp.
Mở rộng đối tượng, chất lượng nâng cao
Tiếp nối thành công, Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019 đã có nhiều sự thay đổi mới lạ, hứa hẹn sẽ mang đến cho các sinh viên sân chơi bổ ích, lý thú và hiệu quả. Một trong những điểm đặc biệt ở chương trình năm nay đó là đối tượng dự thi được mở rộng. Theo đó, đối tượng tham gia là các đội thi với tối đa 5 thành viên là sinh viên/học viên cao học đến từ các trường ĐH, Học viện khối kỹ thuật trên cả nước; mỗi đội có tối thiểu 2 sinh viên/học viên hiện đang theo học tính đến hết tháng 12/2019
Với chủ đề “Smart up for life”, Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019 hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp, phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp và y tế. Đến nay, chương trình đã đi qua hơn nửa chặng đường. Suốt quá trình diễn ra cuộc thi, Ban Tổ chức đã ghi nhận và đánh giá cao rất nhiều đề tài với ý tưởng sáng tạo độc đáo, mới lạ và khả năng ứng dụng vào thực tiễn.
Phần thể hiện của các nhóm trong bài dự thi được Ban Giám khảo đánh giá cao. Đặc biệt bài báo cáo trước Hội đồng Ban Giám khảo trong vòng 2 thể hiện sự đầu tư về chuyên môn mà các nhóm đã dành cho ý tưởng sáng tạo của mình. Các sinh viên đã vận dụng các kiến thức được học trong trường, kết hợp với sự sáng tạo để tạo nên sản phẩm có tính mới, tính thực tiễn cao, nhiều tiềm năng phát triển. Có thể kể đến các đề tài:
+ Góp phần bảo vệ môi trường như: “Đèn tảo” thông minh giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà (đội BK ECO-TAOR); Chế tạo các sản phẩm nhựa sinh học cao cấp làm từ tảo (đội APLASTIC).
+ Giàu tính nhân văn như: Thiết bị cảnh báo hỗ trợ người lái bỏ quên trẻ em hoặc vật nuôi trong xe (đội VICTORY CONFIDENCE); Phao cứu sinh thông minh (đội BK-SFLOAT);Hệ thống đánh giá rối loạn thăng bằng ở người (đội BKMBALANCE)
+ Hỗ trợ, thay thế con người trong công việc phức tạp, nguy hiểm như: S.E.R (search and exploration robot) (đội A.I.V.N); Robot nhặt bóng tennis thông minh – “black hole” (đội BK AERO SPORT); Máy lấy tơ sen (đội BK CIM); Vòng đai theo dõi các chỉ số thiết yếu trong vận động (đội BHEALTH).
Trong thời gian sắp tới, các đội thi sẽ tiếp tục được tham gia các hoạt động đào tạo, hướng dẫn triển khai đề án với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các diễn giả có uy tín về sáng tạo và khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các đội sẽ được hỗ trợ kỹ thuật sâu hơn từ các chuyên gia cố vấn là các giảng viên, nhà khoa học, kỹ sư… đến từ các trường đại học, các trung tâm khởi nghiệp và đặc biệt là tập đoàn VNPT.
Khó khăn “thiếu nữ” và những trải nghiệm thú vị
Chia sẻ về những khó khăn khi tham gia chương trình, hầu hết các đội đều gặp phải vấn đề ở khâu hoàn thiện sản phẩm. Muốn hoàn thành sản phẩm, nhiều linh kiện các đội đều phải đặt mua với giá thành khá cao. Tuy nhiên các bạn tham gia đều đang còn là sinh viên với chi phí sinh hoạt ít ỏi, mỗi lần mua một trang thiết bị gì đấy, cả nhóm lại phải tích tiền ăn mì tôm cả tháng trời.
Đức Phi (đội BK AERO SPORT, dự án Robot nhặt bóng Tennis thông minh) hài hước cho biết: “Đặc thù là ngành kỹ thuật khô khan, cứng nhắc, nên đội của em lúc nào cũng trong tình trạng “thiếu nữ”, vừa ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của anh em, vừa thiếu nhân lực trong các vấn đề marketing, đối ngoại.”
Môi trường đại học xô bồ khiến cho các sinh viên hiện nay có rất ít cơ hội để tiếp xúc, nói chuyện cùng nhau, Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019 chính là chất xúc tác để các SV có thể chủ động chia sẻ, làm việc với nhau như một đội nhóm đích thực. Chính trong thời gian hoạt động chung như thế, các SV mới có thể có thêm cho mình thật nhiều những kỷ niệm quý giá của quãng đời sinh viên.
Kể về một câu chuyện vui trong lúc làm nghiên cứu, Phạm Hoàng (đội BK ECO-TAOR – “Đèn tảo” thông minh giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà) chia sẻ: “Trong khuôn viên chúng em thử nghiệm sản phẩm bỗng đâu xuất hiện 1 tổ ong mật, hôm nào đến cũng ngó vào xem hôm nay miếng mật đã lớn hơn hôm qua nhiều chưa? Ong chúa là con nào? Bao giờ thì thu hoạch được?… Cứ như những người chăm sóc ong thực thụ!!! Rồi bọn em còn háo hức chờ đến ngày thu hoạch, và câu chuyện về tổ ong cứ thế mà được cả nhóm bàn luận sôi nổi trong mỗi lần nói chuyện. Đến ngày lấy mật, do không có kinh nghiệm nên các thành viên trong nhóm đều bị ong đuổi, ong đốt cho sưng cả mặt mày, cả nhóm lại lăn ra cười với nhau, mọi người còn trêu nhau rằng bị đốt nhưng đổi lại mật ong nguyên chất thì cũng hời quá rồi!
Lê Ngọc Hải. Ảnh: CCPR