Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý các nhiệm vụ KHCN: Những kết quả bước đầu

0
98

 “Trước những yêu cầu cấp bách của tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện khi chính thức bước vào giai đoạn tự chủ, hoạt động KH&CN cần có những thay đổi mang tính “cách mạng” để bám sát hơn với tình hình thực tiễn” – GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội khẳng định tại Hội nghị tổng kết hoạt động KHCN của Trường tổ chức vào tháng 9 vừa qua.

NHỮNG TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG

Tháng 10 năm 2016, Trường ĐHBK Hà Nội chính thức nhận quyết định tự chủ toàn diện. Và KHCN chính là một trong những bài toán đầu tiên khi bước vào tự chủ. Với 17 Viện chuyên ngành, 8 Viện, 6 Trung tâm nghiên cứu, 115 nhóm nghiên cứu, có thể nói Trường có tiềm lực rất mạnh mẽ để phát triển KHCN.

Hiện nay, Trường có 11 đơn vị chính thức được giao tự chủ trong quản lý các nhiệm vụ KHCN đó là: Viện Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa; Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ; Viện Điện; Viện Nghiên cứu quốc tế MICA; Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm; Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông; Viện Điện tử Viễn thông; Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu; Viện Cơ khí động lực; Viện Kỹ thuật hóa học và Viện Vật lý kỹ thuật. Sau 2 năm triển khai (một số đơn vị thực hiện từ năm 2015), bước đầu các đơn vị được giao nhiệm vụ đều có những bước chuyển mình tích cực; đặc biệt là trong công tác khuyến khích, động viên các nhà khoa học chủ động nhận nhiệm vụ và chất lượng của sản phẩm khoa học. Trong năm 2016, 2017, 11 đơn vị này thực hiện 158 đề tài (Nhà nước, Bộ GD&ĐT, Sở/Ngành, NAFOSTED, Nghị định thư, Hợp tác).

Theo báo cáo của Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa trong giai đoạn được giao tự chủ, Viện đã công bố 43 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, 32 báo cáo hội nghị trong và ngoài nước. Theo đó, con số này tăng so với giai đoạn chưa được giao nhiệm vụ tự chủ.

Bên cạnh đó, việc hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cũng đạt được những kết quả tích cực. Về quản lý các nhiệm vụ KHCN, Viện đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển KHCN với đặc thù của đơn vị nhằm nhanh chóng tiếp cận nhu cầu xã hội. Đồng thời, Viện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch liên kết nghiên cứu với các cá nhân, đơn vị trong và ngoài Trường nhằm phát triển các lĩnh vực nghiên cứu mang tính liên ngành và từng bước hình thành các phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu. Với việc được giao hoàn toàn triển khai các nhiệm vụ nên Viện đã thực hiện việc giám sát đề tài nhằm đảm bảo khả năng thành công cao nhất cho các đề tài, dự án được thực hiện… Việc thực hiện quy chế tài chính, Viện đã chủ động trong việc thanh toán các nội dung thuê khoán chuyên môn, mua sắm vật tư trang thiết bị, xây dựng đội ngũ quản lý tài chính chuyên nghiệp, nhờ đó các nhà khoa học đã yên tâm tập trung với công tác chuyên môn.

Với đặc thù là đơn vị nghiên cứu chuyên môn, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) ngay sau khi chính thức được giao tự chủ (năm 2015), Viện đã trực tiếp chủ trì 16 đề tài Quỹ Nafosted, 8 đề tài cấp Nhà nước… góp phần rút ngắn thời gian và thủ tục thực hiện các nhiệm vụ. Chỉ tính trong năm học 2016 – 2017, Viện có số lượng bài báo khoa học trong danh mục ISI đã tăng gần gấp đôi so với năm học 2015 – 2016 (36 bài). Điều đáng mừng hơn cả là chất lượng các công trình công bố đã có sự nâng cao rõ rệt, nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao.

Đối với việc triển khai thực hiện phân cấp do Viện trưởng ký và giám sát giúp Viện nắm tình hình triển khai các nhiệm vụ do các nhà khoa học của Viện là chủ nhiệm, công tác giám sát tiến độ được khắc phục hoàn toàn. Các nội dung ủy quyền của Hiệu trưởng cho Viện trưởng đang được thực hiện khá thuận lợi và nhịp nhàng. Việc tương tác giữa chủ nhiệm đề tài với cán bộ được phân công quản lý dễ dàng, công tác thanh toán có nhiều thuận lợi và tiết kiệm thời gian…

Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ITIMS) là một trong những Viện nghiên cứu mạnh của Trường, chính thức nhận tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý các nhiệm vụ KHCN tháng 8/2016. Sau hơn một năm triển khai, các nhiệm vụ KHCN của Viện đã đạt được những thành quả rất đáng mừng.

Một trong những thành công lớn nhất là Viện đã tham gia đấu thầu thành công 01 nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước. Trong giai đoạn từ tháng 8/2016 đến nay, do được giao tự chủ về các hoạt động tham gia đề xuất, đấu thầu các nhiệm vụ KHCN, Viện đã làm tốt công tác giám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ từ các chủ nhiệm đề tài, qua đó góp phần tham mưu cho lãnh đạo Viện có những tư vấn, định hướng kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và đa dạng, hình thành các chương trình nghiên cứu chuyên sâu và dài hạn. Bên cạnh đó, việc được giao nhiệm vụ tự chủ tài chính đã giúp Viện tăng cường tìm kiếm các nguồn lực hợp tác khoa học, đặc biệt là hợp các với các doanh nghiệp nhằm mở rộng khả năng chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm khoa học đi vào thực tiễn đời sống.

MỘT SỐ NÚT THẮT CẦN GỠ BỎ

Bên cạnh những con số, tín hiệu đáng mừng ở hầu hết các đơn vị được giao tự chủ trong quản lý các nhiệm vụ KHCN, trong quá trình triển khai vẫn còn một số nút thắt cần khẩn trương gỡ bỏ.

Theo PGS Nguyễn Hữu Thanh – Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông, khó khăn lớn nhất khi các đơn vị tiến hành tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý các nhiệm vụ KHCN là thiếu nhân sự có chuyên môn về nghiệp vụ kế toán, đấu thầu… do lượng công việc phát sinh trong quá trình quản lý các đề tài, dự án tăng lên rất nhiều. “Đối với các đề tài, dự án do Trường quản lý, các chủ nhiệm đề tài đang rất vất vả trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị… thường phải trực tiếp làm việc với các đơn vị trực tiếp quản lý. Bên cạnh đó, công tác quản lý và lưu trữ thông tin cho các đề tài, dự án còn gặp nhiều khó khăn, mất thời gian cho việc kê khai thông tin do chưa nắm được quy trình chuẩn”.

Theo lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, một nút thắt nữa cần các đơn vị trong Trường cùng chung tay gỡ bỏ đó là, hoạt động phối hợp giữa các đơn vị trong Trường còn yếu, thể hiện qua việc chưa có nhiều đề tài, dự án lớn giải quyết các nhiệm vụ KHCN mang tính liên ngành. Trong khi đó, với tiềm lực mạnh mẽ về KHCN như Trường ĐHBK Hà Nội, việc chung tay giải quyết các nhiệm vụ đó là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Như vậy, lộ trình phát triển và đổi mới những rào cản, nút thắt trong quản lý các nhiệm vụ KHCN là không thể tránh khỏi; do vậy, rất cần sự chung sức, đồng lòng của toàn Trường.

Sáng Nguyễn
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here