Trở về thiên nhiên với dung dịch tẩy rửa từ quả bồ hòn

0
112
Cây Bồ Hòn - Sapindus Saponaria. Ảnh: Theo: "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Sáng Nguyễn

Ảnh: nhân vật cung cấp

“Từ hàng trăm năm nay, người Việt đã có thói quen dùng quả bồ hòn để giặt quần áo, gội đầu, chất tẩy rửa hay làm thuốc trị bệnh… Nhịp sống hiện đại khiến quả bồ hòn dần bị lãng quên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt vụ bê bối về thực phẩm bẩn, chất tẩy rửa hóa học có khả năng gây ung thư, ô nhiễm môi trường khiến người ta giật mình. Nhiều người đã quay về với quả bồ hòn như trở về với mảnh tâm hồn đã từng đánh mất, dân giã mà an toàn” – Dương Thị Thơm – Trưởng nhóm sinh viên thực hiện đề tài “Nghiên cứu chiết tách chất hoạt động bề mặt từ quả bồ hòn và ứng dụng làm chất giặt tẩy” đến từ Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang, Trường ĐHBK Hà Nội chia sẻ.

TỪ NHU CẦU CỦA DOANH NGHIỆP

Trong cuộc sống hằng ngày, các chất tẩy rửa được xem như là người bạn đồng hành của con người, nhưng liệu đây có phải là những người bạn tốt đúng nghĩa? Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những sản phẩm tẩy rửa được sử dụng để giặt quần áo, rửa bát đĩa, lau nhà, tắm rửa… có nhiều độc tố rất nguy hiểm. Bởi những hóa chất này thường có chất benzene sulfonate, (phốt phát gốc ankin khó phân giải). Sau khi sử dụng, các chất này không tự phân hủy mà hòa lẫn trong nước, điều này gây tác động xấu cho môi trường khi được thải ra ngoài và hơn cả là ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Mặc khác, các loại chất tẩy rửa trên thị trường hiện nay thường chứa những hóa chất độc hại cho con người. Có không ít các sản phẩm được quảng cáo chiết suất từ thiên nhiên, không gây hại nhưng thực tế cho thấy thành phần chủ yếu của các loại sản phẩm này vẫn là hóa chất. Khi người sử dụng tiếp xúc với các hóa chất này thường xuyên sẽ gây kích thích niêm mạc, da, khí quản… đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư da, đặc biệt với đối tượng sử dụng là trẻ em.

Với định hướng trở thành thương hiệu thời trang trẻ em hàng đầu Việt Nam vào năm 2020, Công ty cổ phần thời trang K’s closet cần phát triển một chất hoạt động bề mặt thân thiện môi trường để làm chất giặt tẩy các sản phẩm thời trang sinh thái cho trẻ em. Vậy là đề bài đã có, nhưng làm thế nào để tối ưu hóa các câu hỏi như: Nguồn nguyên liệu nào vừa dồi dào lại phải thực sự thiên nhiên? Loại nguyên liệu đó phải đảm bảo công dụng giặt tẩy một cách tối đa? Bên cạnh đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp còn phải duy trì và phát triển nguồn nguyên liệu một cách bền vững? Quá nhiều câu hỏi được đặt ra cho một nhóm nghiên cứu với 100% thành viên là… sinh viên.

Qua khảo cứu tài liệu trong nước và quốc tế, Nhóm nhận thấy trước khi có các hóa chất tẩy rửa công nghiệp, quả bồ hòn (tên khoa học Sapindus Mukorossi) đã được sử dụng làm chất tẩy rửa gia dụng rất hiệu quả. Do có chứa hợp chất sap- onin, một chất hoạt động bề mặt không độc hại, an toàn tuyệt đối với sức khỏe con người thậm chí cả làn da nhạy cảm nhất như trẻ sơ sinh, đồng thời có khả năng phân hủy sinh học, bởi những gì đến từ tự nhiên sẽ vẹn nguyên về với tự nhiên. Chính từ những tìm hiểu đó, quả bồ hòn chính là nguyên liệu được lựa chọn của đa số người sử dụng. Hơn nữa, Việt Nam là một trong các nước có diện tích trồng cây bồ hòn lớn và quả bồ hòn chứa hàm lượng saponin rất cao.

Dương Thị Thơm tâm đắc chia sẻ: “Vậy là vấn đề nguồn nguyên liệu được giải quyết. Tiếp đó, Nhóm đã tiến hành nghiên cứu chiết tách saponin từ quả bồ hòn để làm chất giặt tẩy sinh thái cho các sản phẩm may cao cấp, vừa giải được bài toán từ Công ty cổ phần thời trang K’s closet lại vừa mở ra cơ hội cho đồng bào miền núi tăng thêm một phần thu nhập từ việc trồng bồ hòn và khuyến khích trồng rừng, đúng là “một công đôi việc””. …

ĐẾN SẢN PHẨM NƯỚC GIẶT TỰ NHIÊN BK-ECO

Cây bồ hòn được trồng ở khắp các tỉnh miền Bắc nước ta, có nơi trồng làm cây bóng mát quanh nhà. Trước đây vào vụ người ta còn thu mua xuất khẩu, hằng năm có thể thu tới 20-30 tấn quả, chủ yếu tại những tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Tây, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang. Thịt quả chứa 18% saponizit gọi là sapindus saponozit (C41H61O13), khi phơi khô sẽ thu được là một thứ bột vô định hình, màu trắng.

Quy trình thực hiện chiết suất saponin từ quả bồ hòn được thực hiện như sau: Quả bồ hòn sau khi thu hoạch có thể phơi khô, tán bột, với môi trường công nghiệp có thể sử dụng máy để ninh chiết (30 phút), sau đó lọc lấy nước để chiết xuất hết saponin từ quả.

Nhóm đã tiến hành thử nghiệm bằng quy trình trên đối với bồ hòn dạng quả và dạng bột, kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng saponin thu được bằng phương pháp ninh chiết bồ hòn dạng quả thu được nhiều hơn bồ hòn dạng bột. Từ những thực nghiệm kết hợp với quan sát kết quả thu được từ những thử nghiệm trên các sản phẩm của K’s Closet cho thấy, sử dụng chất hoạt động bề mặt saponin chiết được làm chất giặt cho vải bông dệt thoi theo các phương án giặt khác nhau và hiệu quả giặt được đánh giá thông qua việc xác định độ co, độ rủ và độ mao dẫn của vải lần lượt theo các tiêu chuẩn TCVN 1755-86 (quy định sự thay đổi kích thước co hoặc giãn sau khi giặt), NF G07-109 và AATCC 198-2011 (dùng để thử nghiệm độ bền màu, đánh giá nhuộm màu, in hóa hoặc các loại sợi khác và mức độ bền màu của vải). Kết quả cho thấy vải giặt bằng saponin chiết từ bồ hòn dạng quả có độ mao dẫn và độ rủ cao hơn các phương án giặt khác.

Ngoài ra, Nhóm cũng đã nghiên cứu sử dụng saponin làm chất ngấm cho quá trình nấu vải bông dệt thoi và so sánh với chất ngấm công nghiệp Navotan WMS. Thông qua việc xác định độ co, độ rủ và độ mao dẫn của vải sau nấu cho thấy với mức sử dụng 2g/l saponin trong đơn công nghệ nấu vải bông cho hiệu quả tốt, có thể thay thế chất ngấm tổng hợp. Chất giặt chiết từ quả bồ hòn Việt Nam đã được áp dụng để giặt các sản phẩm may của công ty K’s Closet ở quy mô công nghiệp bước đầu được doanh nghiệp đánh giá khả quan với tên gọi BK – ECO. Trong tương lai, ở các nghiên cứu tiếp theo, Nhóm sẽ tập trung nâng cao hiệu năng, độ ổn định, khả năng chống muỗi của sản phẩm giặt tẩy sinh thái này.

Nhịp sống hiện đại, hối hả đã khiến con người lãng quên nhiều thứ, trong đó có một loại quả thần kì như quả bồ hòn. Chỉ đến khi cảm nhận thấy sức khỏe của mình đang bị đe dọa bởi các loại chất tẩy rửa công ng- hiệp, người ta mới nhớ hóa ra ngay từ xa xưa ông bà ta đã dùng những nguyên liệu “thật sự thiên nhiên”. Cây bồ hòn vẫn còn ở quanh vùng sinh sống của mọi người và quả vẫn rụng mỗi khi đến mùa. Nguồn nguyên liệu quý giá này nếu được tận dụng để sản xuất thứ nước tẩy rửa với vô vàn công dụng sẽ kiến mọi người có thể sống với những điều tưởng đã mất đi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here