Thuốc bảo vệ thực vật từ cây của đậu của sinh viên Bách khoa

0
82

Vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau quả đang là mối đe dọa lớn với sức khỏe con người. Vậy làm thế nào để có nguồn rau sạch thực sự an toàn với sức khỏe con người? Là những sinh viên ngành Hóa học, lại đều sinh ra trong những gia đình nông thôn, hơn ai hết nhóm sinh viên đến từ Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐHBK Hà Nội hiểu được tác hại của thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học gây ra con người như thế nào. Xuất phát từ những trăn trở đó, các bạn đã tiến hành nghiên cứu một loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, an toàn tuyệt đối với cuộc sống con người.

ẢNH HƯỞNG DƯ LƯỢNG THUỐC BVTV ĐẾN SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Theo các tài liệu trên thế giới, thuốc BVTV và dư lượng thuốc luôn được coi là mối quan tâm về sức khỏe của xã hội và có liên quan đến hàng loạt dịch bệnh cũng như rối loạn trong cơ thể con người. Nhiều loại thuốc hóa học có thể gây ngộ độc cấp tính hay như các bệnh mãn tính có liên quan đến sinh sản, hoạt động thần kinh và ung thư. Nhiều người dân Mỹ đã mang trong người một lượng hóa chất BVTV khá lớn mà con đường chủ yếu là thông qua việc sử dụng các loại nông sản có chứa dư lượng thuốc BVTV.

Số liệu điều tra của Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Mỹ năm 2016 cho biết, trung bình mỗi trẻ em Mỹ từ 6 – 13 tuổi mang trong cơ thể lượng hóa chất BVTV gấp 4 lần mức có thể chấp nhận. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan giữa thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và các vấn đề sức khỏe như ung thư, chứng tăng động giảm chú ý và các rối loạn thần kinh; đặc biệt, nếu tiếp xúc nhiều sẽ gây suy yếu hệ miễn dịch. Một số bác sĩ cũng cảnh báo rằng, sự tăng trưởng của não bộ trẻ em có thể bị tổn thương do thuốc trừ sâu trong thực phẩm. Theo WHO, ước tính hàng năm trên thế giới có khoảng 3 triệu trường hợp nhiễm độc cấp tính nghiêm trọng, tử vong 22.000 người và 772.000 trường hợp tổn thương mạn tính do tiếp xúc dài ngày với thuốc BVTV.

CÁNH ĐỒNG TUỔI THƠ KHÔNG TRONG LÀNH

Hiện nay, để đối phó với sâu bệnh và bảo vệ sản xuất, người nông dân vẫn chủ yếu dựa vào biện pháp sử dụng thuốc hóa học. Biện pháp này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất, môi trường nông nghiệp mà đang gây ra khó khăn lớn cho công tác giám sát dư lượng thuốc trong nông sản gây nên. Hạn chế của thuốc hóa học trong BVTV là độ độc cao, thời gian cách ly dài, do đó khó tuân thủ được thời gian cách ly. Trong khi đó, việc kiểm soát dư lượng thuốc hóa học nói riêng và thuốc BVTV nói chung trong nông sản là rất khó khăn. Hơn nữa, nếu quản lý dư lượng thuốc thông qua kiểm tra các mẫu nông sản thì chi phí phân tích rất cao, không có tính khả thi khi triển khai trên diện rộng, đặc biệt là với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún như hiện nay.

Các thành viên trong nhóm đều sinh ra trong các gia đình làm nông, nên hiểu rõ về tác hại của thuốc trừ sâu hóa học. Phan Như Ngọc – Trưởng nhóm nghiên cứu trăn trở: “Ngày còn nhỏ em đã chứng kiến một sự việc hết sức đau lòng có liên quan đến thuốc BVTV hóa học. Em có một người bạn, một lần theo mẹ ra đồng phụ thuốc trừ sâu, do không hiểu biết nên vô tình tiếp xúc trực tiếp với lượng thuốc có độc tố khá cao mà mẹ để lại trên bờ ruộng. Thật may mắn là bạn giữ được mạng sống nhưng di chứng để lại là bạn phải ngồi xe lăn suốt đời. Và nỗi ám ảnh của tuổi thơ khi mỗi lần đạp xe qua cánh đồng nồng nặc mùi thuốc trừ sâu, khiến bản thân em nhiễm bệnh viêm xoang mãn tính. Những hình ảnh ấy khiến em – một cô sinh viên chuyên ngành Hóa học ấp ủ mong ước sẽ nghiên cứu ra một loại thuốc trừ sâu thực sự an toàn với con người. Vì thế, em với các bạn có cùng đam mê xây dụng đề tài: Thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, với mong muốn sẽ góp phần mang đến một sản phẩm nông nghiệp an toàn cho môi trường và người nông dân, đồng thời bảo vệ những người thân yêu xung quanh mình”.

VÀ SẢN PHẨM ROTENON 10%

Sau khi lựa chọn nhiều nguyên liệu, Phan Như Ngọc và những người bạn của mình nhận thấy ở nhiều vùng quê, nông dân chuyên trồng cây củ đậu, sau khi đã thu hoạch củ, còn thừa lại rất nhiều thân, lá. Đây chính là nguyên liệu chính trong nghiên cứu của nhóm. “Thân, lá và hạt cây củ đậu có chứa thành phần rotenone (một hợp chất có nhiều trong hạt cây củ đậu, cây thuốc cá, cây dây mật… có tác động đến hệ hô hấp gây ngạt cho côn trùng, dẫn đến chết), trong đó hạt chứa hàm lượng từ 0.5-1%. Nếu người dân chỉ trồng để lấy củ đậu ăn mà bỏ đi phần còn lại thì rất lãng phí. Do đó, nhóm chúng em đã tận dụng phế phẩm này (chủ yếu là từ hạt và lá), sau khi đã loại bỏ những lá già, sâu, hỏng, nhóm tiến hành cao chiết với mục tiêu tách rotenone. Hiện tại, nhóm đã tiến hành nghiên cứu, xác định lại cấu trúc và thu được rote- none tinh khiết. Tiếp đó pha loãng rotenone với tá dược để tạo thành dạng dung dịch, sử dụng dung dịch đó trên một số cá thể sâu bệnh trên cây trồng như lúa, các loại rau… nhóm nhận thấy sản phẩm rotenon 10% có đặc điểm dễ bị phân hủy trong môi trường nên không gây dư lượng thuốc trong cây trồng. Đồng thời, thuốc tác dụng nhanh với côn trùng gây chết trong thời gian ngắn. Thuốc ở dạng hòa tan trong nước nên thuận tiện cho người nông dân sử dụng” – Phan Như Ngọc cho biết.

“Được đóng góp cho cộng đồng, cho quê hương là khao khát cháy bỏng và cũng là trách nhiệm của những sinh viên công nghệ như chúng em. Nhóm hy vọng sẽ đưa được sản phẩm ra thị trường, tạo thành một hướng đi mới, một thói quen tốt cho mọi người – đặc biệt là nông dân, thay thế cho các chất hóa học độc hại; từ đó góp phần nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao chất lượng cuộc sống con người”. Mong muốn của Phan Như Ngọc và nhóm nghiên cứu sinh viên đến từ Viện Kỹ thuật hóa học – Trường ĐHBK Hà Nội rất cần sự chung tay hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp để ươm mầm những khát khao cống hiến của giới trẻ.

ƯU ĐIỂM NỔI BẬT CỦA THUỐC BVTV ROTENON 10%

  • Sản phẩm an toàn tuyệt đối với nông sản và sức khỏe con người
  • Phân huỷ nhanh, không gây dư lượng thuốc tồn dư trong cây trồng, bảo vệ môi trường
  • Có tác dụng nhanh với côn trùng chích hút, không lo bị rửa trôi khi trời mưa
  • Diệt được đa dạng các loài côn trùng gây hại

Sáng Nguyễn
Ảnh: minh họa

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here