Sinh viên nghiên cứu, sáng tạo phục vụ cuộc sống

0
915
Đội BK CIM đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019

Cuối tháng 12/2019, sau 6 tháng tranh tài, 6 đội thi xuất sắc cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019” lần lượt trình bày trước Hội đồng Ban Giám khảo và hàng trăm khán giả sinh viên các trường ĐH. Kết quả chung cuộc: Đề án “Máy lấy tơ sen” của BK CIM đã giành giải thưởng cao nhất cuộc thi.

Sự kết hợp độc đáo…

Năm nay, Sáng tạo trẻ Bách khoa còn thu hút cả sinh viên những trường khối kinh tế như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương… và cả sự kết hợp của sinh viên các trường với nhau. Tại buổi chung kết, các đội thi không chỉ trình bày ý tưởng và các thông số kỹ thuật mà còn chứng minh tính ứng dụng cao của sản phẩm qua các phân tích về đối tượng sử dụng, chi phí và chiến lược phân phối sản phẩm. Theo GS. Đinh Văn Phong, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi sản phẩm không chỉ mang tính đặc thù mà thể hiện tính liên ngành.

Sinh viên Lương Đức Trung – thành viên của BK CIM, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: Tôi đam mê nghiên cứu, yêu thích kỹ thuật từ nhỏ. Trong một buổi tình cờ có cơ hội để nói chuyện và trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Kiên, thầy cảm nhận được đam mê của tôi nên đã cho phép tôi gia nhập Lab để học hỏi, sống đúng với đam mê và tạo điều kiện cho tôi đi thi, thể hiện bản thân.”

”Sáng tạo trẻ Bách khoa” là bệ phóng để đưa sản phẩm có thể “cất cánh” và vươn tới những hành trình mới. Đó là thương mại hóa sản phẩm, đưa đề án ra thị trường tiếp cận người dùng.

Đề tài giành giải Nhất – “Máy lấy tơ sen” được đánh giá là một dự án tiềm năng. Hiện nay việc dệt tơ sen gần như dừng sản xuất, thị trường đóng cửa bởi giá thành sản phẩm đắt đỏ, khâu sản xuất cầu kỳ và tất cả đều làm thủ công. Cả tập thể BK CIM đều quyết tâm không ngủ quên trên chiến thắng mà sẽ bắt tay vào hoàn thiện sản phẩm, triển khai và đưa ra thị trường.

bHealth – đội Á quân cuộc thi với dự án “Vòng đai theo dõi các chỉ số thiết yếu trong vận động”, cũng ấp ủ kế hoạch sẽ hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm. Không chỉ BK CIM hay bHealth, các dự án khác cũng được BGK đánh giá có tiềm năng thương mại hóa cao.

Hành trình gắn kết

Cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019” đã đưa những người trẻ sát lại gần với nhau. Suốt 6 tháng, các thành viên trong các đội thi đã cùng nhau hoàn thiện sản phẩm, cùng tham gia tập huấn, cùng báo cáo trước Hội đồng, và cuối cùng, các sinh viên cùng nhau tỏa sáng, cháy hết mình với ngọn lửa đam mê. “Sáng tạo trẻ là một trong những kỷ niệm đẹp nhất thời sinh viên của tôi. Sau này nhớ lại tôi sẽ rất vui và tự hào vì đã được tham gia sân chơi của đam mê khoa học này” – sinh viên Phạm Thành Nam nhóm bHealth không giấu được sự xúc động.

Với BK CIM và những cổ động viên, họ đã cùng nhau tạo nên một tập thể đoàn kết. Được biết, cả nhóm đã làm việc xuyên đêm, mang máy đến Hội trường lúc 5h sáng, trải qua những giây phút hồi hộp, kịch tính và rồi vỡ òa trong hạnh phúc. Còn với BK AEROSPORT, những gì họ làm được lớn hơn giải khuyến khích của cuộc thi nhiều lần. Cả đội đã khoác vai nhau cổ vũ nhiệt tình để làm nên bầu không khí “rực lửa” của trận chung kết. Đội cổ động xuất sắc nhất là thành quả hoàn toàn xứng đáng với các sinh viên tài năng.

Các đội thi dù về thứ hạng nào, cũng hoàn toàn có quyền tự hào bởi họ đã ở trong một tập thể gắn kết và đầy tình yêu thương. Quan trọng nhất, Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019 đã gắn kết những con người đam mê nghiên cứu khoa học. Trên sân khấu, các đội thi cạnh tranh khốc liệt, thi đấu sòng phẳng; nhưng khi thi xong, tất cả cùng ngồi lại chia sẻ cảm xúc, cùng định hướng cho tương lai.

Một trong những điểm khác biệt giữa Sáng tạo trẻ Bách khoa và các cuộc thi khác đó chính là sự gắn kết các “đối thủ” có cùng niềm đam mê, cùng khát vọng cống hiến cho xã hội. Chính điều này đã tạo nên thương hiệu và mang lại thành công cho cuộc thi.

GS.TS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội

Các sân chơi bổ ích cho sinh viên Bách khoa Hà Nội đều hướng đến mục tiêu giúp các sinh viên học tập, nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp. Thực tế, tính học tập và sáng tạo của sinh viên rất lớn nhưng khả năng hướng đến sản phẩm có tính ứng dụng lại chưa cao. Do vậy, cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa” đã ra đời. Trong suốt những năm qua, cuộc thi có những bước tiến rất dài. “Sáng tạo trẻ Bách khoa” đã lan tỏa ra các trường kỹ thuật khác. Sinh viên các trường khối kinh tế cũng đóng góp quan trọng vào kết quả nghiên cứu chung của cả đội, sản phẩm không mang tính đặc thù mà mang tính liên ngành. Bên cạnh đó, cuộc thi có sự góp mặt tích cực của doanh nghiệp với sự tài trợ ủng hộ toàn diện của VNPT. Ngoài hỗ trợ kinh phí, VNPT còn tham gia hội đồng thành viên, tham gia hướng dẫn. Đây là hai điểm sáng của cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019” – GS.TS ĐINH VĂN PHONG – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội.

Ngọc Hải

Ảnh: Duy Thành

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here