Chỉ với các vật liệu đơn giản, các em nhỏ và học sinh có thể chế tạo nhiều loại rô-bốt khác nhau, làm những trò chơi vui nhộn, tìm tòi nguyên liệu thực hành thí nghiệm khoa học hay xem những clip hướng dẫn khoa học. Tất cả xuất phát từ niềm đam mê khoa học và ý tưởng khởi nghiệp hoàn toàn mới trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi giáo dục cho trẻ em của Nhóm Táy máy tò mò gồm 8 thành viên là sinh viên, cựu sinh viên của Trường ĐHBK Hà Nội và ĐH Ngoại thương Hà Nội.
TÁO BẠO KHỞI NGHIỆP TRONG LĨNH VỰC ĐẦY CẠNH TRANH
Thị trường đồ chơi vốn rất đa dạng, phong phú nhưng các bạn trẻ đã lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực đầy cạnh tranh và khó khăn này. Xuất phát từ thực tế, một số lớp khoa học khá nhàm chán và không có thực hành, đồng thời còn thiếu những bộ đồ chơi mang tính giáo dục bổ ích tại Việt Nam hiện nay, Nhóm nảy ra ý định xây dựng “Táy máy tò mò” (TMTM), một dự án truyền thông mang tính giáo dục với mong muốn tìm hiểu và đem khoa học, sáng tạo đến với mọi lứa tuổi. Đến nay, Nhóm đã có 8 thành viên, trong đó 5 thành viên đến từ Trường ĐHBK Hà Nội gồm Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Việt Hùng (K57, Viện Cơ khí), Dương Tùng Lâm, Nguyễn Vũ Trung (K59, Viện Điện), Thân Trà My (K61, Viện Điện tử – Viễn thông) phụ trách mảng kỹ thuật phát triển sản phẩm và Nguyễn Anh Tuấn, Lương Trung Tiến đến từ Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đồng sáng lập, phụ trách mảng kinh doanh thương mại.
TMTM đã giải quyết bài toán thực tiễn và cho ra đời những bộ đồ chơi giáo dục vừa ý nghĩa vừa cho trải nghiệm thực hành, đồng thời mang lại kiến thức bổ ích. Đằng sau những trò chơi đó thực ra là những bài học vật lý rất sinh động, dễ hiểu và hài hước. “Các em học sinh sẽ có cảm giác đang chơi chứ không phải đang học, cũng như có được những kiến thức khoa học và công nghệ” – Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Sản phẩm của Nhóm TMTM là các dụng cụ nguyên liệu để trẻ em có thể tự thực hành thí nghiệm khoa học hay tự lắp ghép chế tạo rô-bốt (các con vật ngộ nghĩnh, rô- bốt thủy lực), sách hướng dẫn kiến thức khoa học được thể hiện dưới dạng truyện tranh, các video trực tuyến hướng dẫn chi tiết và cung cấp kiến thức trên youtube.
KHI CÔNG NGHỆ KẾT HỢP VỚI THƯƠNG MẠI
Để có thể thương mại hóa sản phẩm ra thị trường, ngoài mảng kinh doanh và tiếp thị cần có sự kết hợp với nghiên cứu phát triển sản phẩm khoa học và công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực sản phẩm đồ chơi có tính giáo dục khoa học – kĩ thuật cao. Giải thích về lý do đến với Dự án, Nguyễn Đức Trung cho biết: “Em ngẫu nhiên biết đến Dự án này qua một người quen giới thiệu. Để quãng đời sinh viên có thêm những trải nghiệm qua việc áp dụng kiến thức vào thực tế, em quyết định làm một điều gì khác biệt và có ích là khởi nghiệp cùng các bạn sinh viên đến từ những trường khác”.
Phòng làm việc của các bạn trẻ chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông cùng với những trang thiết bị thí nghiệm đơn giản. Tại đây, họ cùng nhau họp nhóm, trao đổi, thực hành, không ngừng nghiên cứu, tìm tòi để cho ra đời những sản phẩm chất lượng. Nhóm định hướng đưa ra thị trường các sản phẩm lắp ghép để các em học sinh có thể đọc hướng dẫn, lắp ráp thành những đồ chơi tí hon. Tiếp theo, Nhóm viết truyện và các em lắp theo những nhân vật trong truyện. Do vậy, “công việc hàng ngày của nhóm kỹ thuật là sử dụng các phần mềm hỗ trợ vẽ, dựng 2D, 3D (AutoCad, SolidWork…), mô phỏng và dựng lại các miếng ghép đồ chơi trên máy tính. Cái khó là bạn phải tưởng tượng sản phẩm thật sẽ bán bằng việc áp dụng mô hình 3D. Điều này đòi hỏi sự chính xác tỉ mỉ, không phải làm một lần là được ngay mà cần chỉnh sửa nhiều lần, hoàn thiện các tính năng” – Nguyễn Đức Trung chia sẻ.
Sau đó, các sản phẩm sẽ được phân phối qua các kênh bán hàng tại “góc khoa học” và “xưởng sáng chế” của nhà sách, thương mại điện tử mạnh mẽ trên các kênh truyền thông, ứng dụng các bộ thực hành thí nghiệm cho học sinh và giáo viên (thí điểm tại trường THCS Vinschool và trường THCS Nguyễn Siêu). Với những nỗ lực của Nhóm, đồng thời kết hợp hiệu quả giữa công nghệ và thương mại, Dự án đã thu được một số kết quả khả quan, nhận được sự đón nhận và quan tâm của đông đảo trẻ em và phụ huynh.
TRƯỞNG THÀNH TỪ NHỮNG “VẤP NGÔ
Một trong những kỷ niệm để lại ấn tượng sâu sắc cho các thành viên trong Nhóm là sản xuất đồ chơi Tết Đinh Dậu (2017), khởi đầu bằng chú rô-bốt gà trống tự lắp ráp. “Thời điểm Nhóm bắt tay làm là vào cuối năm vô cùng bận rộn, khi hầu như các thành viên đều đang trong đợt thi cuối kì Không chỉ đơn giản in ấn đóng gói là xong, cả Nhóm đều cố gắng hoàn tất mọi công việc từ kĩ thuật đến thiết kế logo sản phẩm, truyền thông… để kịp bán gần 100 sản phẩm chỉ hai ngày trước Tết Nguyên đán (28 âm lịch). Rất may mắn, sản phẩm nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người” – Nguyễn Đức Trung chia sẻ – “Điều mà TMTM mang lại cho các em không chỉ là hiểu được môi trường làm việc rất khác với nghiên cứu mà còn là cách thích nghi với hoàn cảnh mà mỗi người phải đối mặt để tìm ra con đường đi của chính mình. Điểm mạnh của Nhóm là hầu như các bạn đều còn trẻ, thuộc thế hệ 9X nên rất năng động và sáng tạo”.
Khi được hỏi tại sao các em quyết định khởi nghiệp khi còn là sinh viên? Những thành viên đến từ Trường ĐHBK Hà Nội nói rằng: “Như bất cứ một bạn trẻ nhiệt huyết và đam mê kĩ thuật, trải nghiệm khởi nghiệp tại một Dự án hoàn toàn mới là cơ hội để Nhóm hiểu được môi trường làm việc rất khác với nghiên cứu mà còn là cách thích nghi với hoàn cảnh để mỗi người tìm ra con đường đi của chính mình. Kể cả khi gặp khó khăn, chúng em nghĩ có vấp ngã thì mới trưởng thành”.
Trong một xã hội mà công việc và sự nghiệp có thể thay đổi với tốc độ như tên lửa như hiện nay, Nhóm khẳng định, Nhóm mặc dù start-up về công nghệ không hề đơn giản nhưng tin rằng một ngày nào đó giáo dục khoa học không còn khô khan mang nặng lý thuyết. Dự kiến năm 2017, Nhóm sẽ đưa ra nhiều sản phẩm đồ chơi giáo dục hữu ích. Đối với những bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp, Nhóm cũng chia sẻ: “Nếu bạn đã có ý tưởng cần mạnh dạn theo đuổi, những gì mình tin tưởng và đam mê sẽ đem lại kết quả”.
Một số thông tin nổi bật của Dự án
Giành giải thưởng là chuyến thăm quan tới Thung lũng Silicon tại Mỹ (trị giá 10.000 đô la Mỹ)
Thu hút nhiều lượt theo dõi và xem trên các trang mạng xã hội:
Youtube: 3 triệu lượt xem, 50.000 lượt đăng kí theo dõi
Facebook: hơn 16.000 người theo dõi
Tổ chức các sự kiện, buổi dã ngoại mang tính khoa học cho thiếu nhi tại công ty Ford, FPT, Uber…
Hoàng Anh
Ảnh: nhân vật cung cấp