Với phương châm “học tập, sáng tạo gắn liền với thực tế”, trong những năm gần đây, Trường ĐHBK Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc thi khoa học dành cho sinh viên như: Tháng sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo, Khởi nghiệp sáng tạo Việt – Đức, Sáng tạo trẻ Bách khoa. Thông qua các cuộc thi này, sinh viên không những chủ động hơn trong học tập, hình thành phương pháp và tư duy, cách thức phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề mà còn là môi trường tốt để trau dồi các kỹ năng như giao tiếp, cách làm việc nhóm, thuyết trình – thuyết phục, quản lý thời gian, quản lý dự án… Năm 2017 khép lại với nhiều thành công của các cuộc thi khoa học sinh viên, nhiều đề tài được phát triển thành những ý tưởng khởi nghiệp. Cùng nhìn lại các thành công ấy, phóng viên Đặc san Bách khoa Hà Nội đã gặp gỡ “người trong cuộc” để nghe chia sẻ về những “cái được” khi họ tham gia các cuộc thi trên.
“NCKH là sự trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa”
Đó là chia sẻ của sinh viên Nguyễn Văn Hiệp – lớp Kỹ thuật Cơ khí động lực 1 K58. Với đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống tự động cấp phôi trong dây chuyền sản xuất đồ dùng inox cho nhà bếp”, nhóm nghiên cứu do Hiệp làm trưởng nhóm đã xuất sắc giành giải Nhất tháng sinh viên NCKH và sáng tạo năm học 2016-2017. Hiệp cho biết: “Có được kết quả đó là chuỗi ngày mà các thành viên trong nhóm mệt mài nghiên cứu, thiết kế mô hình. Đã có không ít lần thử nghiệm không thành công, nhưng dưới sự chỉ bảo tận tình của thầy hướng dẫn cùng sự kiên trì, quyết tâm, đồng lòng của các thành viên, đề tài đã đạt được kết quả tốt. Cuộc thi này là sự trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa, đồng thời giúp em tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và là hành trang tốt để em chuẩn bị cho đồ án tốt nghiệp. Theo em, khi áp dụng các kiến thức đã học trên lớp vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thực tế, chúng ta cần quan tâm đến rất nhiều vấn đề khác nhau. Chẳng hạn, thiết kế làm sao không chỉ đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật mà còn phải phù hợp với công nghệ chế tạo trong nước, lắp ráp, bảo dưỡng, phải tính đến tối ưu bài toán kinh tế cho doanh nghiệp”.
“Là nhóm trưởng nên em đã tự rèn luyện cho mình nhiều kỹ năng mềm như cách làm việc nhóm, sắp xếp công việc phù hợp với từng thành viên. Trong nghiên cứu, bất đồng quan điểm giữa các thành viên trong nhóm là điều không tránh khỏi, vì vậy, người trưởng nhóm cần thống nhất ý kiến vì mục tiêu chung. Nhóm trưởng như là chất keo, kết dính các khối gỗ lại với nhau thành một con thuyền. Con thuyền sẽ vượt sóng ra khơi hay sẽ bị chìm nơi đáy biển, phụ thuộc nhiều vào sự đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong nhóm” – chàng trai sinh viên năm cuối Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ.
“Tự tin – Mạnh dạn – Rèn luyện kỹ năng mềm”
Đó là những “cái được” mà Phan Như Ngọc – lớp Hóa học K60 có được khi lần đầu tiên tham gia một cuộc thi khoa học sinh viên. Năm 2017, lần đầu tiên Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa và nhanh chóng trở thành “thỏi nam châm” thu hút các ứng viên tham gia, trong đó có cô gái nhỏ nhắn Phan Như Ngọc. “Vốn là người rụt rè nên lần đầu tiên tham gia cuộc thi khoa học, quả thực em khá “run”. Nhưng rồi, qua các vòng thi đã giúp em tự tin và mạnh dạn hơn rất nhiều khi em đề xuất, đưa ra ý tưởng của bản thân, viết đề án và tự tin đứng lên thuyết trình, phản biện trước đám đông. Thực sự, đối với cá nhân em, tham gia cuộc thi này là một sự thành công rất lớn” – Ngọc tâm sự.
Chia sẻ về những kỷ niệm tham gia cuộc thi, Ngọc kể: “Những buổi tập huấn đầy hứng thú và bổ ích của thầy cô giúp em rèn luyện thêm nhiều kỹ năng. Chẳng hạn, qua buổi trình bày đề tài tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tạo cơ hội cho em được giao lưu với các bạn khác nhóm, khác trường. Qua đó, em thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình, học tập sự năng động và tự tin từ các bạn. Không những vậy, tham gia cuộc thi này đã giúp em tích lũy nhiều kinh nghiệm về tư duy bán hàng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình và trình bày ý tưởng, tăng cường kỹ năng giao tiếp. Những bài học và kinh nghiệm này đã giúp em có một môi trường thực hành tốt, tạo tiền đề cho em sẵn sàng trở thành những kỹ sư tương lai”.
“Cùng với làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra vô cùng sôi động trên cả nước, vì vậy, tham gia cuộc thi này sẽ tạo đà để em phát triển thêm nhiều hướng nghiên cứu, giúp em có thêm cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, nhà tư vấn khởi nghiệp giàu kinh nghiệm” – Trưởng nhóm EC – đội giành giải Nhì cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2017 – Phan Như Ngọc chia sẻ.
“Nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp”
Đã trở thành cuộc thi thường niên và nhận được sự tham gia của đông đảo sinh viên, cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Việt – Đức đã trở thành “thương hiệu” riêng của Bách khoa. Bước qua cuộc thi này đã có không ít đề tài khởi nghiệp thành công. Nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp từ khá sớm là lý do mà Trịnh Nam Thái – lớp Chương trình tiên tiến – Kỹ thuật Y sinh K58 đăng ký tham gia. “Cuộc thi đã rèn luyện cho em nhiều kỹ năng để có thể khởi nghiệp thành công, đó là sự đam mê khoa học, xây dựng nhóm với những thành viên cùng chí hướng, tìm kiếm sự hỗ trợ của các đơn vị khởi nghiệp. Bên cạnh đó, kỹ năng viết đề án, thuyết trình, làm việc nhóm cùng với sự nỗ lực của bản thân là những yếu tố không thể thiếu để thành công. Những kỹ năng này, em đã rèn luyện được khi tham gia cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Việt – Đức năm 2017” – Thái cho biết.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, Trịnh Nam Thái bật mí: “Sắp tới em cố gắng hoàn thành chương trình học tốt nghiệp đúng hạn, sau đó em sẽ thử sức mình trong các cuộc thi về khởi nghiệp khác”.
Quá trình học tập đại học không chỉ là khoảng thời gian sinh viên thu lượm kiến thức, hình thành tư duy khoa học mà hơn thế đây là khoảng thời gian để các bạn khám phá và chinh phục bản thân. Tham gia các cuộc thi khoa học sinh viên sẽ giúp bạn thực hiện điều đó. Các cuộc thi này sẽ là nơi đào tạo các startup, là cầu nối giữa nhà đầu tư và sinh viên. Sinh viên đem đến những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, có niềm đam mê và sức trẻ để thực hiện các ý tưởng đó. Vì vậy, Trường ĐHBK Hà Nội sẽ luôn tạo điều kiện và đồng hành cùng sinh viên.
Năm 2017, các cuộc thi khoa học sinh viên đã trở thành một sân chơi bổ ích dành cho các bạn đam mê nghiên cứu, mỗi năm chất lượng các cuộc thi được nâng cao và thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên. Chẳng hạn như: Tháng Sinh viên NCKH và sáng tạo thu hút sự tham gia của 22 Khoa, Viện với 367 công trình của sinh viên tham gia, trong đó có 190 báo cáo được lựa chọn thuyết trình trước Hội đồng, 177 báo cáo trình bày dưới dạng poster tại 21 phân ban chuyên môn. Lần đầu tiên được tổ chức, cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa đã nhận được gần 80 ý tưởng với sự tham gia của 255 sinh viên thuộc gần 20 lĩnh vực chuyên môn. Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 04 giải Khuyến khích cho những ý tưởng xuất sắc. Đối với cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Việt – Đức, Ban Tổ chức nhận được hơn 60 đề tài từ 40 đội thi gửi về. Sau 02 vòng thi Ý tưởng và Thuyết trình, 05 đội thi xuất sắc nhất thuyết phục được Ban Giám khảo lọt vào đêm Chung kết. |
Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi