Trường ĐHBK Hà Nội với xu hướng IoT

0
160
TS Timothy Chou - Giảng viên ĐH Stanford trong buổi giao lưu tại Trường ĐHBK Hà Nội - Ảnh: internet

Trong những năm gần đây, một khái niệm mới trong lĩnh vực công nghệ được nhắc đến nhiều, đó là “Internet of Things” (IoT – vạn vật kết nối). Vậy IoT là cái gì, tại sao nó là xu hướng của công nghệ trong tương lai và Trường ĐHBK Hà Nội sẽ làm gì để bắp kịp xu hướng này?

IoT là sự kết nối giữa các thiết bị vật lý, phương tiện di chuyển, các toà nhà và nhiều loại máy móc, thiết bị khác thông qua các thiết bị điện tử, phần mềm, cảm biến, truyền động và kết nối mạng lưới cho phép các đối tượng có thể thu thập và trao đổi dữ liệu. Năm 2013, Dự án Global Stand- ards Initiative on Internet of Things (IoT-GSI) đã định nghĩa IoT là “cơ sở hạ tầng của xã hội thông tin”. IoT cho phép các đối tượng có thể được nhận biết và kiểm soát từ xa thông qua một hệ thống mạng, tạo cơ hội ứng dụng các hệ thống dựa trên nền tảng máy tính, nhờ đó cải thiện được năng suất, nâng cao tính chính xác và hiệu quả kinh tế bên cạnh việc giảm thiểu sự can thiệp của con người.

Chính vì vậy, IoT đã và đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ truyền thông, giám sát môi trường, quản lý cơ sở hạ tầng, chế tạo, quản lý năng lượng, cho đến y tế và chăm sóc sức khoẻ, tự động hoá quản trị các toà nhà và căn hộ, giao thông, quản lý đô thị… Tại Việt Nam, với tiềm năng sáng tạo trong lĩnh vực CNTT, các nhà khoa học trong nước đã bước đầu đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ mới liên quan đến internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo hay rô-bốt tự động… trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đặc biệt, ở Trường ĐHBK Hà Nội đã cho ra nhiều sản phẩm KHCN ứng dụng IoT như hệ thống giao tiếp bằng tiếng nói tương tác điều khiển thiết bị trong nhà, một loại của mô hình nhà thông minh; hay như phần mềm điều khiển các thiết bị trong phòng bằng điện thoại di động, rô-bốt tự hành…

Chia sẻ về định hướng nghiên cứu ứng dụng IoT tại Trường ĐHBK Hà Nội, PGS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, IoT là vấn đề rất hấp dẫn đối với các nhà khoa học. IoT là kết nối vận vật, trong đó kết nối tất cả các thiết bị từ các sensor xử lý trên các dữ liệu lớn để đưa vào ứng dụng khác nhau. Trường ĐHBK Hà Nội là trường ĐH đặc thù có nhiều Viện như Viện CNTT&TT, Viện ĐTVT, Viện Điện, Viện Cơ khí… với những ứng dụng khác nhau. Do vậy, IoT là thế mạnh của Trường khi chúng tôi có thể kết hợp các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau để mang lại ứng dụng trong lĩnh vực đó. Hiện tại, mỗi Viện có các nhóm nghiên cứu như Viện ĐTVT có nghiên cứu về kết nối internet trong nông nghiệp, Viện CNTT&TT nghiên cứu về kết nối in- ternet xử lý dữ liệu lớn kết hợp với thu phát các tín hiệu vệ tinh để ứng dụng vào trong đời sống như quản lý xe ô tô… Như vậy, ứng dụng IoT là cơ hội mở ra cho nhiều nhóm nghiên cứu và các chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau với kiến thức chuyên môn chuyên sâu kết hợp với nhau và đưa vào được ứng dụng phục vụ thực tế cuộc sống. Đây là định hướng phát triển được thế mạnh của Trường ĐHBK Hà Nội, mang lại những ứng dụng thực tế và hiệu quả”.

Nhóm phóng viên đã có một buổi thử nghiệm với căn phòng thông minh có thể giao tiếp bằng tiếng Việt tại Viện Nghiên cứu quốc tế MICA. Mọi thiết bị trong phòng đều được cài đặt để có thể tương tác hai chiều: nhận mệnh lệnh, thực hiện và trả lời. Hay thậm chí, người sử dụng không cần phải đưa ra mệnh lệnh điều khiển, tùy thuộc vào từng vị trí di chuyển của người dùng, các thiết bị trong phòng sẽ tự động phản hồi. Sau nhiều lần thử nghiệm, khả năng đáp ứng của hệ thống đã đạt tỷ lệ chính xác là trên 90%.

TS Đào Trung Kiên – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế MICA cho biết: “Chúng tôi định nghĩa thông minh ở khía cạnh là hệ thống có thể biết được nhu cầu của con người như thế nào một cách tự động. Ở đây chúng tôi cũng có các phòng nghiên cứu chuyên sâu về thị giác máy tính, tương tác bằng tiếng nói và môi trường cảm thụ thông minh. Chúng tôi đã tích hợp rất nhiều các loại cảm biến ở trong môi trường, thông qua các cảm biến đó chúng ta có thể biết được người dùng muốn gì. Không phải ra lệnh trực tiếp cho hệ thống nữa mà người dùng chỉ cần sinh hoạt như bình thường là hệ thống có thể tự nhận biết được nhu cầu như thế nào”.

Tuy nhiên, đối với những hệ thống thông minh thì vấn đề về an toàn, bảo mật luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Như đối với hệ thống xe tự lái, việc bảo mật thông tin vị trí cũng như lộ trình của xe vô cùng quan trọng. Xuất phát từ vấn đề này, nhóm nghiên cứu của TS Lã Thế Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Navis đã phát triển thành công hệ thống định vị vệ tinh độ chính xác cao, đạt từng cm, có khả năng chống phá sóng có tên gọi là Navis Star. Tín hiệu định vị sẽ được giám sát liên tục khi phát hiện ra thiết bị phá sóng, giả mạo tín hiệu, hệ thống sẽ ngay lập tức đưa ra cảnh báo và giải pháp khắc phục. Nhờ vậy, các kết quả định vị luôn được đảm bảo chính xác và an toàn.

TS Lã Thế Vinh cho biết: “Công nghiệp 4.0 có nghĩa là không thể thiếu được sự kết nối. Khi kết nối số lượng thiết bị lớn thì vấn đề an toàn bảo mật không thể không tính đến, do vậy nó chắc chắn tồn tại trong cuộc cách mạng đó. Riêng về lĩnh vực định vị trong cuộc cách mạng 4.0, các thiết bị hay rô-bốt muốn tự hành được thì phải biết được vị trí chính xác. Và hiện nay, chúng tôi đã có phối hợp nghiên cứu với các đơn vị làm về máy bay tự hành, xe tự hành và có những đề tài đang triển khai. Tôi hy vọng, khi đề tài kết thúc thì công nghệ mà chúng tôi làm ra sẽ được ứng dụng”.

Có thể thấy, một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà khoa học trong nước nhằm bắt kịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới chính là lĩnh vực CNTT. Đây cũng là lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực, trang thiết bị cũng như việc tiếp cận với những xu hướng công nghệ tiên tiến nhất.

Mới đây, ngày 3/5/2017, TS Timothy Chou – giảng viên ĐH Stanford cũng đã có buổi giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội về IoT. Đây cũng là một trong những hoạt động trong định hướng phát triển của Trường ĐHBK Hà Nội “tập trung khai thác và phát huy những thế mạnh cốt lõi trong đào tạo chất lượng cao, đào tạo trình độ cao và nghiên cứu mũi nhọn, ưu tiên một số lĩnh vực khoa học và công nghệ có vai trò then chốt đối với nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0”. Theo TS Timothy Chou, IoT sẽ tạo cơ hội rất lớn cho việc ứng dụng các hệ thống dựa trên nền tảng máy tính trong mọi lĩnh vực đời sống từ nông nghiệp, giáo dục đến y tế, nhờ đó cải thiện được năng suất, nâng cao tính chính xác và hiệu quả kinh tế bên cạnh việc giảm thiểu sự can thiệp của con người. Đây là một xu thế tất yếu trong tương lai, nhất là khi chúng ta đang bước vào kỉ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này với nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo, cùng tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin. Vấn đề cần đặt ra hiện nay đó chính là các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn ra cơ hội kết nối toàn cầu từ đó có phương án đầu tư sản xuất ra các sản phẩm IoT theo từng thế mạnh riêng của mỗi doanh nghiệp.

Chia sẻ về có tiềm năng của việc ứng dụng IoT ở Việt Nam, đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu trẻ, theo PGS Huỳnh Quyết Thắng: “IoT phù hợp với Việt Nam với những điểm mạnh sau. Thứ nhất, với IoT chúng ta không cần đầu tư nhiều như điện toán đám mây (cloud computing) không phải đầu tư nhiều với nền tảng là máy chủ. Thứ hai, IoT xuất phát từ cuộc sống. Khi chúng ta muốn ứng dụng CNTT và internet trong lĩnh vực nào đó thì bài toán đặt ra trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta có khả năng như thế nào. Thứ ba, với IoT, chúng ta có thể sử dụng và tiếp cận được với những kết quả nghiên cứu trên thế giới bởi vì hiện nay việc kết nối thông tin không còn là trở ngại. Đây chính là cơ hội để ứng dụng IoT thành công ở Việt Nam”.

Đặc biệt, để Việt Nam bắt kịp với xu hướng này, PGS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh: “Thứ nhất, chúng ta phải học hỏi từ kinh nghiệm các nước lớn. Điều đó giúp chúng ra rút ngắn thời gian rất nhiều. Thứ hai, chúng ta cần đầu tư vào con người. Ví dụ, hiện nay thay vì chúng ta phải outsourcing trong lĩnh vực CNTT thì chúng ta phải tập trung được các chuyên gia giỏi, nhà hoạch định chính sách tốt để đầu tư vào những nhóm nghiên cứu bắt kịp được với các kết quả tiên tiến trên thế giới để hình thành đội ngũ chuyên gia tốt có khả năng ứng dụng được. Thứ ba, những chuyên gia CNTT nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc ứng dụng CNTT nói chung và IoT nói riêng vào những bài toán thực tế ở Việt Nam như cảnh báo thiên tai, trong nông nghiệp….”.

Thành công trong nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ thông minh cũng là tiền đề để Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi đó, các lĩnh vực như tự động hóa, in 3D, hay công nghệ sinh học… cũng được tạo đà để phát triển. Các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ trong nước đang có cơ hội rất lớn để đón đầu làn sóng công nghệ này. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cái gì và làm thế nào để ứng dụng nó trong hoàn cảnh của Việt Nam sẽ vẫn là bài toán cụ thể đặt ra đối với từng đơn vị nghiên cứu.

Cẩm Lệ
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here