Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi): Nhiều đổi mới mang tính đột phá

0
124

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) (sửa đổi) đã chính thức được thông qua. Luật gồm 6 Chương, 60 Điều đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động CGCN.

SỬA ĐỔI LUẬT CGCN: YÊU CẦU CẤP THIẾT

Lần đầu tiên, Luật CGCN được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lúc đó rất thấp (chưa đạt mức 700 USD), tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Trong 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thông qua hoạt động CGCN, một số ngành, lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, tự động hóa và vật liệu mới đã tiếp nhận và làm chủ những công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay, bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường.

Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội trong nước cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác quản lý công nghệ, thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.

Luật CGCN sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; có nội dung thậm chí đã lạc hậu, chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN. Xuất phát từ thực tế đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật CGCN là yêu cầu cấp thiết để tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và CGCN phục vụ phát triển đất nước và bền vững trong bối cảnh mới.

ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT CGCN (SỬA ĐỔI) NĂM 2017

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật CGCN là về phát triển thị trường KH&CN. Hàng loạt biện pháp được đưa ra theo hướng tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó, các tổ chức trung gian được quan tâm, hỗ trợ để thực hiện vai trò kết nối giữa bên cung và bên cầu công nghệ như: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian; Nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học…

Thứ hai, đối với việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Luật đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Có thể kể đến như: Giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động KH&CN với tổ chức ứng dụng… Với cơ chế hỗ trợ trên sẽ góp phần khuyến khích các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu những vấn đề mang tính ứng dụng cao hay những đề tài mang tính đột phá, đổi mới công nghệ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, điểm mới này sẽ là cơ sở quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp; giữa nhà khoa học với doanh nghiệp.

Thứ ba, hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp cũng được Luật khuyến khích và hỗ trợ. Cụ thể, Luật tạo ra cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.

Thứ tư, để thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, Luật đã dành 1 Điều quy định về hoạt động này, trong đó quy định phương thức, hình thức, loại hình chuyển giao công nghệ đặc thù trong nông nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ năm, nhằm ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, Luật được bổ sung một chương (Chương II với 8 Điều) quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, có ý kiến về công nghệ. Luật quy định ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong nội dung văn bản thẩm định dự án đầu tư khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, trong Chương này cũng có một điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, CGCN, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư.

Thứ sáu, Luật cũng quy định rõ việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, ngăn chặn, hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam cũng như ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá trong hoạt động CGCN. Điều này thể hiện ở các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý chuyển giao công nghệ.

Cơ chế bắt buộc đăng ký CGCN là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam đã tạo nên một bộ lọc để cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát nhằm ngăn chặn việc gian lận, chuyển giá qua hoạt động CGCN, đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước cũng có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Có thể nói, Luật CGCN (sửa đổi) đã kế thừa được những nội dung tiến bộ của Luật CGCN 2006, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Qua đó, thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018.

Vũ Thơm (tổng hợp)
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here