“AI Club là ngôi nhà chung cho tất cả các bạn sinh viên có niềm đam mê với trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên 4.0”. Đó là khẳng định của TS Đinh Viết Sang – Chủ nhiệm CLB AI Club thuộc Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐHBK Hà Nội.
KỶ NGUYÊN CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI)
Các ứng dụng về AI trong thế giới thực đang ngày một nhiều hơn và rơi vào những lĩnh vực ít ai ngờ đến. Ví dụ mạnh mẽ nhất cho làn sóng AI thời đại 4.0 là việc AI đã giành chiến thắng trong môn cờ vây trong một cuộc thi với con người. Đó là cách mà 4 kỹ sư lập trình hầu như không biết tí gì về tiếng Nhật, nhưng chỉ trong vài tháng đã tạo ra được một phần mềm có thể giải mã được chữ viết tay của thứ tiếng này với độ chính xác lên đến 98,66%.
Mới đây, hãng thông tấn Reuters dẫn lời tổng thống Nga Putin trong một buổi nói chuyện với sinh viên: “Trí tuệ nhân tạo là tương lai, không chỉ đối với nước Nga mà còn với toàn nhân loại… Nó mang đến các cơ hội to lớn nhưng đồng thời cả những nguy cơ khó đoán trước. Bất kỳ ai trở thành người đi đầu trong lĩnh vực này sẽ bá chủ thế giới”. Điều đó cho thấy trí tuệ nhân tạo đã mở ra một kỷ nguyên mới trong thế giới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đứng trước thực tiễn đầy sôi động đó, AI Club ra đời để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của sinh viên CNTT.
TS Đinh Viết Sang, Bí thư Liên Chi đoàn Viện CNTT&TT, Chủ nhiệm CLB: “CLB được thành lập theo quyết định số 114/QĐ-ĐHBK-KH- CN ngày 1/6/2017 nhằm hỗ trợ sinh viên nghiên cứu chuyên sâu cũng như tạo ra các sản phẩm sáng tạo có ý tưởng độc đáo, các hoạt động nền để tăng cường khả năng nghiên cứu của sinh viên, đồng thời tạo ra những sản phẩm CNTT phục vụ cho xã hội. CLB ra đời với mục đích xây dựng một môi trường nghiên cứu năng động về AI dành cho sinh viên Viện CNTT&TT”. CLB có một cán bộ là Chủ nhiệm, hai Phó Chủ nhiệm là nằm trong BCH Liên Chi đoàn, trực thuộc Chi đoàn cán bộ của Viện, dưới sự điều hành trực tiếp từ Đảng ủy và Ban lãnh đạo Viện.
KHÔNG GIAN SÁNG TẠO AI CỦA SINH VIÊN BÁCH KHOA
“Định hướng hoạt động của CLB là triển khai các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về các chủ đề quan trọng, và là xu hướng hiện nay như dữ liệu lớn (big data), hệ lưu trữ phân tán, xử lý dữ liệu phân tán; điện toán đám mây (cloud computing), trong đó nghiên cứu hiệu năng cao như tính toán lưới, tính toán phân tán, lập trình trên các đồ họa đa dụng GPU và một hướng đang được chú trọng nghiên cứu hiện nay là khoa học dữ liệu (data science) với chủ đề liên quan đến học máy, khai phá dữ liệu, thị giác máy tính, nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… Chúng tôi hi vọng có thể áp dụng những kết quả nghiên cứu trí tuệ nhân tạo kết hợp với IoT để áp dụng vào các bài toán thực tế, góp phần tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội” – TS Đinh Viết Sang cho biết.
Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, AI Club cũng tổ chức các buổi đào tạo về kỹ năng mềm, những kiến thức về khởi nghiệp, sáng tạo để trang bị cho các sinh viên hành trang cần thiết cho công việc sau này. Dự kiến, AI Club sẽ tổ chức định kỳ sinh hoạt theo các chuyên đề nhằm mục đích để trao đổi định hướng công nghệ, trao đổi về mặt chuyên môn, tích lũy thêm kinh nghiệm, giải quyết các bài toán thực tế.
Bài toán đầu tiên của AI Club là đề tài: Hệ thống nhận diện khuôn mặt BK-Face, “Ý tưởng ra đời của BK- Face xuất phát từ các nhu cầu thực tế của các cơ quan, doanh nghiệp. BK-Face có thể áp dụng trong các bài toán về quản lý và bảo mật thông tin. Với những tính năng nổi bật như: Phát hiện khuôn mặt, đưa ra những dự đoán các thông tin về cảm xúc, giới tính, độ tuổi của khuôn mặt đó; Xác minh hai bức ảnh cho trước có phải thuộc cùng một người hay không và nhận diện khuôn mặt từ đó tra cứu thông tin về một người thông qua cơ sở dữ liệu thông qua ảnh chụp của người đó. Những tính năng này đem đến tiềm năng ứng dụng rất to lớn, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến bảo mật an ninh, kinh doanh, quản lý”. Trần Trung Hiếu, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Lê Trần Bảo Cương – Phó Chủ nhiệm CLB hào hứng: “AI Club không chỉ trau dồi cho các bạn sinh viên kiến thức về trí tuệ nhân tạo mà còn tạo môi trường rèn luyện kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh. Tại đây, các bạn sẽ tham gia các nhóm để trực tiếp triển khai các đề tài từ việc hình thành ý tưởng, thu thập tài liệu, phân công nhiệm vụ và bảo vệ đề tài. Đặc biệt tất cả những bước đó, CLB khuyến khích các bạn sử dụng tiếng Anh”.
Xin được mượn lời của GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường phát biểu trong Lễ tổng kết hoạt động sinh viên NCKH và Sáng tạo năm 2017 để kết thúc bài viết này như một quyết tâm mạnh mẽ của Trường ĐHBK Hà Nội trong công tác phát triển sân chơi khoa học cho sinh viên: “Thành công hay thất bại của NCKH trong sinh viên chính là quyết tâm và lòng đam mê của chính các bạn. Hôm nay, khi đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, các bạn có thể tham gia thực hiện những dự án nhỏ, những công trình gắn với kiến thức trên lớp hay cuộc sống hàng ngày, ngày mai sau khi tốt nghiệp các bạn có thể vận dụng những kiến thức đó để xây dựng, phát triển những công trình, dự án lớn đem lại những giá trị lớn lao cho bản thân và xã hội. Trường ĐHBK Hà Nội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các bạn phát huy hết những tiềm năng khoa học để làm được những điều đó”.
Bài & ảnh: Sáng Nguyễn