Năm 1958, Việt Nam bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế và cải tạo CNXH ở miền Bắc, trong đó đặt ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp. Để có nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước, cuối năm 1959, sau khi học hết năm thứ 3, các SV khóa I của Trường ĐHBK Hà Nội được ra trường.
Khi sinh viên năm 3 đứng trên bục giảng
Ở bộ môn Địa chất, Phan Trường Thị, Phạm Văn Tỵ, Hoàng Trọng Mai… là những người được chọn ở lại trường giảng dạy. GS. Phạm Văn Tỵ kể: “Chúng tôi được các thầy chọn để đào tạo làm giảng viên và giảng dạy cho các SV khóa sau này khi vừa học lên năm thứ 3 ĐH. Đó là một cơ hội học hỏi tốt”.
Được giữ lại làm giảng viên là một vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề. Phạm Văn Tỵ được chọn học và giảng dạy về địa chất công trình – một ngành mới mẻ đối với ông. “Khi học, chúng tôi được các thầy dạy nhiểu về địa chất thăm dò. Được cùng thầy Nguyễn Văn Chiển và các chuyên gia Liên Xô đi thực địa. Tôi chưa được học gì về địa chất công trình. Khi lập bộ môn Địa chất công trình, chỉ có 4 người tham gia giảng dạy là Nguyễn Kim Cương, Trần Hữu Nhân, Nguyễn Văn Tuấn và tôi. Trong đó thầy Nguyễn Kim Cương vừa học Thủy điện, Thủy lợi ở Trung Quốc về giảng dạy. Thầy Cương lên lớp cho chúng tôi khoảng 30 tiết, sau đó chúng tôi phải đọc các tài liệu và giảng dạy cho sinh viên khóa II trở đi”.
Tự trau dồi tri thức
Để có thể giảng dạy cho sinh viên khóa sau với kiến thức sau 3 năm đào tạo, lớp cán bộ giảng dạy này đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Bản thân các ông cũng chưa có nhiều kinh nghiệm và tri thức trong lĩnh vực mình giảng dạy.
Ngoài việc đọc các tài liệu tiếng Pháp, tiếng Nga do các thầy và các chuyên gia đưa cho thì phải đi thực địa học tập để về giảng dạy. Phan Trường Thị mang túi theo thầy Chiển đi thực địa cùng chuyên gia Liên Xô lên các vùng mỏ ở Lào Cai, Yên Bái thực địa; đạp xe sang Tổng Cục Địa chất gặp bà Nhemkova- khi đó đang công tác tại Việt Nam, học về Quang tinh học.
Còn Phạm Văn Tỵ cũng theo chuyên gia lên Công trường Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) để thực tập. Ông nhớ lại: Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến phương pháp thí nghiệm ngoài trời của chuyên gia Liên Xô. Đây là thí nghiệm ép nước để kiểm tra các thông số cho xây dựng đập thủy điện đầu tiên ở Việt Nam do một kỹ sư Liên Xô tổ chức, chỉ đạo. Dàn khoan để trên một cái phao lớn được làm từ các bè gỗ. Phương pháp này rất nguy hiểm nhưng trong điều kiện lúc đó thì người ta không thấy nguy hiểm và vẫn tiến hành. Nếu đang tiến hành mà có lũ và các bè nứa của đồng bào từ thượng nguồn trôi về thì có thể gây tai nạn.
Chuyến đi thực tế này cũng mang lại cho tôi những kiến thức mới về phương pháp tiến hành thí nghiệm của chuyên gia Liên Xô trên công trường”. Bên cạnh theo học các thầy về thực địa, các ông còn phải đọc nhiều tài liệu để soạn bài giảng.
Dù thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo tại Trường ĐHBK Hà Nội trong những ngày gian khó, phải làm thầy khi “chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức và tinh thần để giảng dạy”, như trái cây chưa đủ độ chín, nhưng đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, các ông đều đã trở thành những nhà khoa học uy tín trong ngành Địa chất công trình. Phan Trường Thị lại trở thành chuyên gia hàng đầu trong ngành Thạch học. Hai ông đều là những nhà khoa học uy tín, những nhà giáo mẫu mực, góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ học trò ngành Địa chất.
“Được giảng dạy là một niềm hạnh phúc của tôi. Trao đổi với học trò ở giảng đường hay đi thực địa cùng học trò luôn là niềm vui lớn.” GS. TSKH Phạm Văn Tỵ.
Bùi Minh Hào
(Nguồn: Trung tâm Di sản Các nhà khoa học Việt Nam)