- DINALI THUSHANGA JAYASINGHE – Sinh viên người Sri Lanka K62 – Viện Điện tử Viễn thông: Ấn tượng về ngôi nhà ấm áp tình thân
“Tôi đến Việt Nam qua Chương trình học bổng của Chính phủ Việt Nam và quyết định chọn Bách khoa Hà Nội là điểm đến của 5 năm đại học. Vì sống xa quê nên tôi thường xuyên về nhà khi có kỳ nghỉ dài. Năm 2018, thay vì về Sri Lanka nghỉ Tết, tôi đã dành thời gian ăn Tết Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết sau 2 năm ở Việt Nam. Một cái Tết thật đáng nhớ!
Mới đầu, bản thân tôi khá lưỡng lự, một phần vì nhớ gia đình, một phần vì không biết mình nên dành thời gian 2 tuần ở đây như thế nào. Thật may mắn, Hà – bạn nữ cùng lớp duy nhất của tôi – đã mời tôi về thành phố Điện Biên Phủ để ăn Tết cùng gia đình cô ấy. Và hành trình của chúng tôi bắt đầu từ đó.
Từ Hà Nội về Điện Biên Phủ mất khoảng 10 tiếng đi ô tô. Nói thật, tôi cảm thấy hơi mệt mỏi sau chuyến xe vì chân của tôi… quá dài so với ghế nằm. Nhưng tất cả những vất vả đường trường đều tan biến sau khi đặt chân đến nhà Hà. Gia đình bạn niềm nở đón tiếp tôi, khiến tôi cảm thấy như một thành viên trong nhà vậy. Đôi lúc, tôi cứ ngỡ mình đang ở Sri Lanka, bên người thân trong gia đình sau một năm học dài, được bố mẹ và anh trai chăm sóc, chiều chuộng!
Tôi nhận ra Tết ở Việt Nam và ở Sri Lanka cũng có rất nhiều điểm tương đồng, từ việc lau dọn nhà cửa, mua sắm đồ đạc và quần áo mới… đến việc đi chúc Tết họ hàng, thầy cô và bạn bè. Tết quả thực là thời điểm để mọi người sum họp và đoàn viên.
Có một điểm đặc biệt ở Tết Việt Nam khiến tôi rất ấn tượng, đó là lúc cả gia đình cùng gói bánh chưng. Tôi nhớ mãi hình ảnh mọi người quây quần bên nhau để tạo nên “những món quà Tết”. Thật thú vị là tôi cũng có “món quà” cho riêng mình. Vì tôi không ăn thịt lợn, mẹ Hà đã chuẩn bị nguyên liệu và hướng dẫn tôi gói một chiếc bánh chưng chay.
Tôi rất thích quan điểm của người Việt về những ngày đầu Tết: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”, thể hiện một quan điểm sống rất Á Đông xoay quanh chữ Hiếu và chữ Nghĩa. Vào những ngày này, ngôi nhà luôn rộn rã tiếng cười trong ấm áp tình thân. Mặc dù không nói cùng một ngôn ngữ, tôi có thể cảm nhận được sự trìu mến mà những con người nơi đây dành cho tôi. Từ thế hệ ông bà đến các em bé, khi nhìn thấy tôi ai cũng chào đón, nắm tay và chúc tôi năm mới vui vẻ. Tôi cảm thấy như mình là một phần của đại gia đình ấy.
Tôi đã dành hơn 2 tuần chào đón năm mới tại một nơi xa lạ, nhưng thật kỳ lạ tôi không hề cảm thấy nhớ nhà. Có lẽ tình cảm của mảnh đất và con người nơi đây đã ôm trọn tôi, cho tôi một cảm giác thân thuộc. Sang năm mới, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến đất nước xinh đẹp và thân thiện này. Tôi mong Trường ĐHBK Hà Nội sẽ ngày càng phát triển và nuôi dưỡng thêm nhiều nhân tài để đóng góp cho đất nước.”
TIẾN SĨ LEE OUSEB – Cán bộ người Hàn Quốc, GĐ Trung tâm NC&PT, Công ty TNHH Haesung Vina, Trường ĐHBK Hà Nội: Mong ở Bách khoa Hà Nội hơn 10 Tết nữa!
“Có nhiều quan điểm cho rằng Tết phải là thời khắc của pháo hoa, của sự rộn ràng, nhưng tôi không cho là như vậy. Đối với tôi, Tết là khoảng thời gian bình yên để nhìn lại một năm và chuẩn bị cho năm mới.
Tôi đến Việt Nam và làm việc ở Phòng Nghiên cứu này tại ĐHBK từ năm 2016, đã trải qua gần 4 năm tại đây. Tôi thấy Tết ở Việt Nam và “Seolla” (Tết Nguyên Đán) của người Hàn Quốc khá giống nhau, đều là thời khắc để đoàn tụ, là sự chuẩn bị cho những điều mới. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Heasung Vina có hơn mười người và họ đã trở thành gia đình của tôi.
Mỗi năm, trung tâm đều tổ chức tiệc chia tay năm cũ và chào đón năm mới. Chúng tôi dành thời gian ăn uống, nói chuyện và nói lên những mong muốn, nguyện vọng của mình trong tương lai. Tôi truyền đạt sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức cũng như những định hướng của trung tâm vào năm tới. Tôi thực sự hi vọng đồng nghiệp của mình sẽ ở lại lâu để cùng xây dựng trung tâm ngày càng vững vàng.
Vào những ngày Tết, khi tất cả đồng nghiệp của tôi về quê, tôi thường dành thời gian cho bản thân và làm bạn với những cuốn sách. Tôi thích sự yên lặng. Trong những dịp này, những người học tập và làm việc ở Hà Nội thường trở về quê hương, trả lại nơi đây nét trầm mặc vốn có. Đây là một hình ảnh khác của Hà Nội mà không phải ai cũng được chiêm ngưỡng, giống như Tết vậy!
Tết là khoảng thời gian lý tưởng để tôi nghiền ngẫm lại những thành tựu, cả những thất bại trong năm cũ, và suy nghĩ cho những phương hướng, mục tiêu mới của năm tiếp theo. Những giờ khắc trong Tết khiến lòng tôi lắng lại. Nếu như mỗi năm là một cuốn sách, năm mới là lời mở đầu, là tinh thần của những trang sách tiếp theo.
Sang năm mới, điều trên hết tôi mong muốn cho bản thân và cả gia đình là sức khoẻ. Việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển không phải là điều dễ dàng. Trong thời gian tới, chúng tôi có nhiều chính sách phát triển và mở rộng dự án. Tôi hi vọng có thể ở Bách khoa Hà Nội hơn 10 Tết nữa, cho đến khi nghỉ hưu để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp làm khoa học.”
Thu Hà (ghi)
Ảnh: Thu Hà – Duy Thành