Tháng 11/2019, Trường ĐHBK Hà Nội đã có nhiều cuộc gặp mặt trò chuyện truyền cảm hứng từ các lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ quản lí, những người nổi tiếng. Những kết nối quý báu này đã giúp sinh viên trong Trường thêm tự tin, năng động và có thêm động lực trong học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp sau này.
Giải mã sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản
Ngày 13/11/2019, trong bầu không khí thân mật và gần gũi, Cựu Thủ tướng Nhật Bản – ông Hatoyama Yukio – đã có cuộc nói chuyện truyền cảm hứng cho cán bộ, sinh viên ĐHBK Hà Nội. Tại buổi nói chuyện, cựu Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama Yukio đã chia sẻ về đất nước Nhật Bản, dấu ấn trong cuộc sống và sự nghiệp của mình. Ông Hatoyama Yukio cho biết Nhật Bản phát triển đất nước bằng việc xây dựng tiềm lực kinh tế, khoa học kĩ thuật. Một trong những trụ cột để Nhật Bản có được sự phát triển thần kì trong những năm vừa qua là chú trọng vào khoa học – kĩ thuật. Theo ông Hatoyama, Việt Nam trong thời điểm hiện tại đang có những bước phát triển rất nhanh. Sự phát triển này một phần lớn dựa vào việc đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama Yukio mong rằng các sinh viên sẽ cố gắng học tập, trau dồi kiến thức và nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình. Ông hy vọng sinh viên ĐHBK Hà Nội – những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong tương lai – sẽ vận dụng kiến thức được học để xây dựng đất nước, xây dựng xã hội tốt hơn, mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Ngày 14/11/2019, sinh viên ĐHBK Hà Nội được đón và trò chuyện với Cố vấn Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản – G.S Mitsunobu KANO. Tại buổi nói chuyện G.S Kano đã chứng minh việc đổi mới khoa học kỹ thuật có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ông cũng giới thiệu những nỗ lực của Nhật Bản trong khoa học – kỹ thuật, ngoại giao và xu hướng của đổi mới khoa học – kỹ thuật trong lĩnh vực khoa học, đời sống, có tính đến sự tiến bộ của toàn cầu hóa. Nhật Bản đã và đang có những đóng góp đáng kể cho thế giới thông qua nhiều thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực này. Cố vấn Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đưa ra các kết quả nghiên cứu cơ bản mới nhất của Nhật Bản và các chính sách khoa học – kỹ thuật đổi mới hỗ trợ cho các nghiên cứu từ các ví dụ quen thuộc. Trong buổi diễn thuyết, sinh viên đã được tiếp nhận nhiều thông tin thú vị về đổi mới khoa học kỹ thuật (STI), các chính sách đổi mới KHCN tại Nhật, các dự án STI để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững, xã hội 5.0… Đây là những thông tin hữu ích giúp sinh viên có cái nhìn chính xác nhất về sự phát triển công nghệ trong thời đại mới.
Động lực giúp sinh viên thực hiện giấc mơ KHKT, truyền cảm hứng khởi nghiệp, sáng tạo
Ngày 22/11/2019, ông Cho Ji Tae – Tổng Giám đốc Công ty LG Innotek – có cuộc trò chuyện với sinh viên ĐHBK Hà Nội. Ông Cho cảm nhận: Các sinh viên của Trường rất thông minh. Công ty LG Innotek tự hào tuyển dụng được nhiều cựu sinh viên được đào tạo bài bản, trưởng thành từ ĐHBK Hà Nội. Tổng Giám đốc Cho Ji Tae đã chia sẻ về quá trình thành lập, các thành tựu đạt được cũng như những định hướng phát triển tương lai của LG Innotek; đồng thời nhấn mạnh với các sinh viên về sự phát triển của công nghệ mới. Theo Tổng Giám đốc Cho Ji Tae, sắp tới LG Innotek có kế hoạch xây dựng và vận hành một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam và một trong những đối tác đầu tiên mà LG Innotek mong muốn hợp tác là ĐHBK Hà Nội. Tiếp ông Cho Ji Tae, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội cho biết: “Chúng tôi cảm nhận được nhu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt từ Hàn Quốc đã dần dần muốn tuyển dụng sinh viên không chỉ có bằng cử nhân mà còn có bằng thạc sĩ. Chúng tôi cho rằng không có gì tốt bằng đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với doanh nghiệp. Đây là con đường đi tốt nhất cho sinh viên, chuẩn bị cho các em định hướng nghề nghiệp sau này”.
Ngày 18/11, “Cha đẻ” Flappy Bird Nguyễn Hà Đông cùng nhà sáng lập Got It Hùng Trần và Ngô Trung của Magestore đã có cuộc trò chuyện với sinh viên tại ĐHBK Hà Nội. “Cha đẻ” Flappy Bird Nguyễn Hà Đông khuyên các sinh viên không nên đánh đổi sự trưởng thành bằng những thành công ngắn hạn. Còn nhà sáng lập của Got It, ông Hùng Trần cho rằng, khởi nghiệp ở giai đoạn sinh viên không nhất thiết phải có công ty, sản phẩm tốt, giá trị lớn nhất là “tư duy kinh doanh” có được cho bản thân. Đó là thứ giúp sinh viên tiến xa khi đi làm hay khởi nghiệp về sau. Ông Ngô Trung, nhà sáng lập Magestore chia sẻ quá trình khởi nghiệp của ông cũng mất nhiều thời gian mày mò và khá vất vả. Bởi vậy, nhà sáng lập Magestore khuyên rằng sinh viên có thể làm việc và tham gia vào một startup để học hỏi cách thức người khác làm, rút ngắn được quãng thời gian đi đến đích. Trong cuộc trò chuyện gần ba giờ đồng hồ, các cựu sinh viên thành đạt không chỉ chia sẻ kinh nghiệm mà chính họ đang truyền cảm hứng cho sinh viên ĐHBK Hà Nội về tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo.
Ngọc Nam
Ảnh: Duy Thành – Tuấn Dũng