Nhớ vị “Giáo sư nhân dân” Trường Bách khoa

LTS: Trường ĐHBK Hà Nội vừa kỷ niệm 63 năm thành lập. Những cựu sinh viên khóa I năm 1956 ngày nào giờ râu tóc đã bạc màu thời gian, nhưng nghĩ về thời đi học, nghĩ về những người thầy đã dạy mình đều như sống lại quãng đời thanh xuân tinh nghịch và tự hào thấy các hạt giống gieo trồng từ vườn hoa Bách khoa đều đã đâm chồi, nảy lộc, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế của đất nước. Cùng ôn lại những kỷ niệm và một số thành tựu của sinh viên, giảng viên Trường ĐHBK Hà Nội – như những bông hoa đẹp và lời chúc chân thành nhất tri ân thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

0
1285
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Xuân Chánh

Tối 21/10/2019, NGND Nguyễn Xuân Chánh qua đời ở tuổi 87 khi đang làm việc. Lúc đó trên bàn ông còn đầy trang viết, thư từ, lịch hẹn trao đổi… và bản thảo bài viết “Nhà thơ Tố Hữu tặng thơ đồng hương Quảng Điền” ông vừa viết xong. Ông là người lao động miệt mài đến phút cuối cùng của cuộc đời.

Người Việt Nam đầu tiên viết sách về in 3D

Khi 85 tuổi, NGND Nguyễn Xuân Chánh viết và xuất bản cuốn sách “Công nghệ in 3D” (2016). Trong buổi giới thiệu ra mắt cuốn sách, có mặt các kỹ sư vật lý, kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, họa sĩ, các nhà khoa học, các bác sĩ và sinh viên đủ các ngành nghề. Tên cuốn sách rất lạ, chỉ là “In”.

Một cuốn sách chỉ là “In” mà cả kỹ sư, bác sĩ, họa sĩ đều quan tâm chứng tỏ nó mới lạ và nó rộng đến thế nào. Bằng một vài cánh tay máy có thể xây (tức là in) cả một tòa nhà, xây một cây cầu mà không thừa ra một viên gạch hay một mẩu sắt! Nếu in trên giấy không được nhòe thì xây tòa nhà hay cây cầu bằng cách “in” không được vương vãi vật liệu.

Chân dung 3 chiều có thể làm (in) trong vài giờ, nếu tỷ lệ 1:1 thì khó nhận ra đây là bạn hay tượng của bạn! Tượng của bạn (3D) sẽ giống như ảnh (2D) của bạn vì đều do máy ảnh và máy in “phun” tạo ra. Ảnh màu do đầu phun mực màu lên giấy ảnh hai chiều, còn tượng của bạn do nhiều đầu phun “mực”, mực đó có thể là nhựa, sơn, bột vữa xi măng hay một chất liệu nào khác… tạo ra.

Khi khoa học máy tính phát triển, người ta có thể “in” cả ba chiều, không chỉ “in” bằng mực mà bằng nhiều chất liệu khác nhau. Không chỉ phun mà còn lắp, ghép để cuối cùng ra được một bức tượng, một tòa nhà hay một cây cầu! NGND. Nguyễn Xuân Chánh là người Việt đầu tiên giới thiệu, viết và xuất bản một cuốn sách về công nghệ in 3D tại Việt Nam.

Cứ tưởng “Công nghệ in 3D” là cuốn sách cuối của ông, nhưng không, ngay sau đó ông viết và là Trưởng ban Biên tập cuốn sách “GS, TSKH Vũ Đình Cự, Cả đời cống hiến” (2018). Hơn ai hết ông hiểu về GS. Cự vì ông làm việc cùng nhóm nghiên cứu phá bom từ trường GK 1 hồi 1972. Liên tiếp trong hai năm, ở tuổi gần 90, ông xuất bản hai cuốn sách đồ sộ. Ông viết rất nhiều, viết cho dòng họ, cho quê hương nhưng chủ yếu vẫn là viết cho lớp trẻ để lan tỏa kiến thức khoa học.

Có thể gặp ông trong cuốn “Vật lý hiện đại giữa đời thường”, “Vật lý – ứng dụng trong đời sống hiện đại”, các cuốn sách gắn vật lý và cuộc sống hàng ngày, viết bằng ngôn ngữ cho mọi người. Có thể thấy ông trong Tạp chí Vật lý ngày nay, Tạp chí của Hội Vật lý, Vật lý trẻ và nhiều nhiều nữa.

Chủ đề ông viết rất rộng, khi thì giải thích cái máy ảnh số, khi thì nói về công nghệ nano. Nhưng chủ đề nào ông cũng gắn với “đời thường”, viết cho mọi người đọc. Ông viết về khoa học, chẳng né tránh điều gì. Nói về động cơ nano, ông viết một chuyện rất “đời thường”!

Ông đặt câu hỏi vì sao tinh hoàn của động vật có vú đều đặt ngoài cơ thể? Ông không phải là nhà sinh vật học, sao ông lại quan tâm việc này? Hóa ra là ông muốn giải thích về động cơ nano sinh học. Do đặt ngoài cơ thể, nên các tế bào sinh sản giống đực có nhiệt độ chênh với nhiệt độ các tế bào sinh sản giống cái có trong cơ thể.

Khi vào cơ thể, sự chênh nhiệt độ đó (còn gọi là gradient nhiệt) định hướng cho hai loại tế bào hướng vào nhau tương tự như đầu tên lửa hồng ngoại của ta tìm thấy động cơ máy bay địch đang phát nhiệt. Đuôi của tế bào sinh sản giống đực ngoáy xoay như một động cơ nano, nhờ gradient nhiệt dẫn đường hướng thẳng tới đối tượng cần gặp và kết quả là loài giống được bảo tồn. Thật dễ hiểu và cũng thật vật lý!

Nhà thực nghiệm đại tài

NGND Nguyễn Xuân Chánh là nhà thực nghiệm đại tài. Có lần, khi không ai mở được một nút thủy tinh trong một máy chân không (rất quý khi đó) thì ông mở được! Ông sửa một thiết bị chân không cao áp và tạo ra được sóng điện tử giống như song nước. Chắc chắn ông là người Việt đầu tiên (ít nhất là ở miền Bắc) tạo ra được sóng tán xạ điện tử. Ông giữ một thiết bị do GS. Pines – nhà khoa học nổi tiếng hướng dẫn ông lúc học ở Liên Xô – tặng từ những năm 60 để đến năm 1975 làm ra một máy phát tia X tiêu điểm nhỏ, khác hẳn với các máy phát tia X thông thường khác…

Những chuyện như vậy khó kể hết. Không thể nói những việc ông làm được thực hiện khi đương chức hay đã nghỉ hưu vì ông không để cho não và đôi tay ngơi nghỉ. Năm 2018, ông còn tham gia tổ chức Hội nghị Olympic Vật lý Châu Á – Thái Bình dương tại Hà Nội. Ông là người khảng khái, nghiêm túc, đọc nhiều, xem nhiều, cảm giác ông luôn có một “big data” – một dữ liệu lớn trong đầu!

Nhiều người bảo đọc và viết là luyện cho trí não, trường hợp của NGDN Nguyễn Xuân Chánh thì quá đúng. Nhớ mãi lúc ông xướng hai câu kết bài thơ “Ông Đồ” của tác giả Vũ Đình Liên: “…Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Ông còn đùa và nói: “Bây giờ hồn chúng ta đang ở đây. Ai mà “hồn ở đâu bây giờ” đến trước thì người đi sau viết một bài!” Nhà giáo Nguyễn Xuân Chánh luôn tỏa ra tinh thần lạc quan như thế!

Nhà giáo Nguyễn Xuân Chánh học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 1956, ông trở thành giảng viên Vật lý trường ĐHBK Hà Nội dạy lứa sinh viên khóa 1. Ông viết chương trình đào tạo, viết sách giáo khoa Vật lý đại cương. Sau khi hoàn thành luận án TS tại Liên Xô trở về nước, ông tổ chức ngành học mới: Ngành Vật lý chất rắn, Kỹ sư vật lý tại ĐHBK HN. Ông là thành viên sáng lập, là Viện trưởng đầu tiên của Viện Vật lý Kỹ thuật – mô hình mà Trường ĐHBK Hà Nội hiện nay đang triển khai. Dấu ấn của ông cũng rất đậm nét trong Viện ITIMS.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Chánh là nhà sư phạm uyên bác nhưng ông chỉ nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ông đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Bách khoa, chủ trì nhiều công trình nghiên cứu, sáng chế khoa học. Trong lòng các học trò, đồng nghiệp, ông là vị “Giáo sư nhân dân” của ngành Vật lý Việt Nam.

Nguyễn Hoàng Nghị

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here