Nhớ mùa xuân năm ấy…

Những ngày đầu xuân năm mới là dịp để mỗi người cùng nhìn lại một năm cũ đã qua, bồi hồi nhớ lại những ký ức đẹp về thời khắc xuân nhiều năm trước, cùng đó, mong ước những điều may mắn đến. Điều ấm lòng nhất sau những ngày đông giá lạnh chính là niềm hi vọng vào tương lai. Với mỗi con người gắn bó với Bách khoa Hà Nội, xuân mới 2020, bên cạnh cầu mong sức khỏe, an khang, thịnh vượng cho bản thân, gia đình, ai cũng mong ước ngôi trường mình gắn bó ngày càng phát triển, khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới.

0
70

Đó là dịp Xuân Đinh Mùi – 1967 – năm thứ hai Trường ĐHBK Hà Nội (nay là ĐHBK Hà Nội) sơ tán lên khu C ở miền núi phía Bắc, mang bí danh là Trường Văn hóa Hà Huy Tập. Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ 5/8/1965, Mỹ ném bom miền Bắc, ĐHBK cũng như các trường khác, ban đầu sơ tán về cơ sở tạm – gọi là khu B – ở vùng ven Hà Nội. Nhưng là trường kỹ thuật có phòng thí nghiệm, xưởng thực tập qui mô lớn, hoạt động ồn ào, không thể ‘giấu’ an toàn ở
vùng đồng bằng, vì thế sau đó ĐHBK phải chuyển lên ổn định ở khu C.

Trường Hà Huy Tập rải trên gần 30km dọc sông Kỳ Cùng. Các khoa lấy bí danh là các H.  Khoa Điện – VTĐ – là H2, đóng tại Bản Sl’ào, Nà Lình, từ Lũng Vài trên quốc lộ 4 rẽ về phía biên giới gần 15km. Năm 1968 Khoa Toán Lý thành lập cũng đóng tại Bản Sl’ào lấy tên là H8. Đã cuối tháng Chạp, Tết đến nơi rồi! Mùa này ở đây rất lạnh, trong các lán sinh viên và cán bộ, bếp lửa đốt củi gộc, gốc tre già rừng rực thâu đêm. Sắc Xuân đã phủ trắng các đồi hoa mơ, hoa mận, hơi xuân lạnh buốt thoảng hương thơm nhè nhẹ làm cho con người lâng
lâng. Các bến sông tấp nập với những chiếc mảng chở đầy măng, nấm, mộc nhĩ, hoa hồi,
mật ong… xuôi dòng Kỳ Cùng sang bên kia biên giới, đổi về hàng Tết. Người Tày, Nùng
có quan hệ lâu đời với người Choang bên kia, ngôn ngữ, phong tục gần giống nhau. Hai
bên qua lại đi chợ, ăn giỗ, dự cưới hỏi… chẳng có khái niệm gì về Visa, hộ chiếu cả!

Thầy, trò H2 (khoa Điện – VTĐ) về lại địa điểm trường xưa

Trời sang Xuân, dân lo Tết, vậy thì Trường Hà Huy Tập, H2 cũng phải chuẩn bị chứ! Mấy năm mới lên, chưa ổn định, nay H2 đã có cơ sở vật chất đàng hoàng nhất toàn khu C – hoàn toàn do thầy trò vào rừng chặt tre vầu, cắt cỏ, đánh tranh, tự tay thiết kế và dựng
nên: Hội trường dốc 250 chỗ, H bộ (văn phòng khoa) và sân khấu ngoài trời hoành tráng,
nhà 10 gian và nhà ăn tập thể bên bờ Kỳ Cùng.. với hàng chục lán – ký túc xá khá “tiện nghi” cho hơn 400 sinh viên nam nữ 3 khóa 9, 10, 11 Phát dẫn điện, Máy điện, Điện khí hóa xí nghiệp và Vô tuyến điện. Nổi bật là “Thủy điện chuỗi” do thầy San và thầy Phúc chủ
trì, thắp sáng đèn neon các hội trường, H bộ, nhà 10 gian là “Trạm phát điện Lô-cô”, là
một đầu máy hơi nước mà bên đường sắt đã thanh lý, các thầy Điện “xin” về, hì hụi chở lên
phục tu làm động lực phát điện chiếu sáng cho các lán sinh viên và cho một số nhà dân.
Giờ đây máy móc không còn nhưng dân vẫn gọi ngọn đồi xưa kia đặt trạm là đồi Lô cô.
Tự hào: Ánh sáng “văn minh” đầu tiên rọi đến vùng núi thâm u này phát ra từ quyết tâm là sáng kiến khắc phục khó khăn của thầy trò ĐHBK.

Ban phụ trách liên tịch của H2, do thầy Trần Văn Tảo làm Trưởng ban, quyết định Hội
Xuân hoành tráng với một “ĐẠI HỘI MỪNG CÔNG 2 năm xây dựng H2”. Ngoài thầy trò
chủ nhà, còn mời khách Hiệu bộ và các H, có cả đại biểu từ khu A lên, rồi đại biểu Huyện,
Xã và các bản. Số người tham dự Đại hội đến hơn 200, ngồi kín cả hội trường gốc đa Nà
Lình cờ hoa rực rỡ. Có điện nên Hội trường có mi-cờ-rô, bắc loa ra cả bên ngoài, lôi kéo
các ké, các mế và trẻ em rỗi việc trong các bản xúm xít, náo nức chưa từng có.

Khai mạc đại hội xong, mọi việc tiến hành đúng kế hoạch, tôi đang ngồi lim dim thì anh
Tảo Trưởng H đến ghé tai tôi: “Chuyện lớn rồi, anh ra hộ tôi ngay”. Nguyên là trong Ban
phụ trách, tôi khá thành thạo “nội ngữ” Tày Nùng, khi có khó khăn giao tiếp với địa phương, H thường nhờ tôi “chi viện”. Hóa ra là chuyện ngôn ngữ không thông gây hiểu nhầm nhau nghiêm trọng. May quá, rồi sự cố được giải quyết trong vòng 30 phút, ngoài hội trường vẫn tiếp tục, chẳng ai hay biết gì đến cơn bão lớn vừa lặng.

Một chuyến hành hương về khu C của thầy, trò H8

Rồi tiếp đến là sự cố với con trâu. Mấy thầy giáo Kinh vụng về cậy khỏe, vung búa đập sai
huyệt, chẳng những không “hạ” được mà còn khiến trâu nổi điên chạy mất. Bắt được
trâu thì không có thời gian để làm món ăn. Và lại thêm một sáng kiến nữa cho bữa liên
hoan. Hơn 30 bếp than rừng rực giữa thảm cỏ, mấy chục chiếc bàn tre xếp đầy lá dong
đựng những lát thịt trâu tẩm sẵn gia vị, trên bếp nhiều vỉ thịt trâu rưới mỡ cháy xèo
xèo tỏa hương, kích thích mấy trăm cái dạ dày đã bị tra tấn từ gần 5 tiếng đồng hồ. Tiệc đồ
nướng ngoài trời, thức ăn tươi ngon, trời xanh trong, đồi hoa mận trắng, nước sông Kỳ Cùng trong vắt… Bữa tiệc đồ nướng mới lạ gây ngạc nhiên thích thú cho khách địa phương và cả chủ nhà!

Tiệc “liên hoan thực sự thân mật và độc đáo”, càng rôm rả hơn trong lời ca tha thiết nhạc
Nga (bài hát nổi tiếng Rulate) lời Tày tự soạn của nhóm nhạc do anh Nhuần bộ môn Hình
họa Vẽ kỹ thuật chỉ huy. Nghe khúc ca lời Tày, khách địa phương càng thêm thích thú,
xúc động: Rulatê, rulatê , rulatê, rula…/ Hầy dà! Mì bát mí mì ca lăng hử kin ngài (Ôi chao, có lúc chẳng có gì ăn sáng)/Oóc pay khửn lỉnh lai, phạ ôi mốc giác lai (Ra ngoài leo dốc nhiều, trời ơi đói quá)! Hầy dà, mì bát mí mì ca lăng hử kin piầu (Ôi chao, hôm nay không có gì ăn tối)/Vằn lừ khả cáy khả mò, tởi tẻo đay lai! (Ngày kia làm thịt gà, thịt bò đời
lại đẹp sao!) …

Và mùa xuân đến trên H2, khu C với thầy trò ĐHBK, giữa lòng yêu thương đùm bọc của nhân dân các dân tộc. Hoa mận vẫn nở trắng rừng, giặc Mỹ muốn dìm sự nghiệp trồng người của chúng ta vào lửa đạn, nhưng từ trong lửa đạn, lớp lớp thầy trò ĐHBK càng được tôi luyện, phát huy truyền thống vẻ vang, xứng đáng với danh hiệu
Anh hùng cao quý mà Nhà nước và Nhân dân trao tặng sau này.

Thái Thanh Sơn

Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here