Tăng cường hợp tác giữa Trường và doanh nghiệp; tổ chức các buổi tọa đàm theo chủ đề, lĩnh vực; tăng thời gian đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp cho sinh viên… là những giải pháp được các nhà tuyển dụng đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Với những ưu điểm như kiến thức chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo, cầu thị… sinh viên Bách khoa Hà Nội luôn là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo khảo sát của Phòng CTCT&CTSV vào tháng 12/2016, 95% sinh viên tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội có việc làm hoặc học tiếp lên các bậc cao hơn sau 6 tháng ra trường với mức lương trung bình 8,2 triệu/tháng. Đó là minh chứng rõ nhất chứng minh chất lượng đào tạo của ĐHBK Hà Nội trong bối cảnh thừa nguồn nhân lực như hiện nay.
Nhằm trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác giữa Trường và cựu sinh viên cũng như gắn kết các thế hệ cựu sinh viên với nhau cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp, vì một tình yêu đối với Bách khoa, Trường ĐHBK Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Học bổng và việc làm cho sinh viên” nhân dịp 61 năm thành lập. Tại đây, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, các cựu sinh viên, đứng dưới góc độ là doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến vấn đề việc làm của sinh viên hiện nay. Theo anh Ngô Kiên Cường – Phó Tổng Giám đốc Công ty Bánh kẹo Hải Hà – Kotobuki (cựu sinh viên ngành Máy thực phẩm K31, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm), để giúp sinh viên áp dụng kiến thức trên giảng đường vào thực tế cuộc sống thì rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Trường và doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp do cựu sinh viên làm quản lý, điều hành. Sự hợp tác này thông qua việc làm cụ thể như: đưa sinh viên đến doanh nghiệp thực tập sớm, thăm quan nhà máy… Đây chính là con đường ngắn nhất giúp sinh viên “học đi đôi với hành”. “Trong thời gian thực tập, sinh viên phải được làm việc thực sự như những nhân viên của công ty. Chúng tôi sẵn sàng trả lương cho sinh viên trong thời gian thực tập. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, sinh viên vừa rèn luyện ý thức kỷ luật trong công việc, hiểu rõ ngành mình đang theo học để có định hướng phát triển trong tương lai, thêm yêu ngành nghề mình đã chọn, vừa có thêm thu nhập trang trải chi phí học tập. Trong khi đó, doanh nghiệp có được nguồn nhân lực thời vụ chất lượng cao” – anh Cường chia sẻ. Tuy nhiên, để thời gian thực tập của sinh viên đem lại hiệu quả cao và tránh việc “doanh nghiệp bóc lột sinh viên”, trường ĐH – doanh nghiệp – sinh viên cần có sự trao đổi, thỏa thuận, thống nhất cách thực hiện trước khi sinh viên đến doanh nghiệp thực tập.
Đồng quan điểm với anh Ngô Kiên Cường, chị Nguyễn Thu Huyền – Trưởng Phòng Nhân sự, Công ty Cổ phần MISA (cựu sinh viên K45 Viện Ngoại ngữ) cũng đề xuất, trong chương trình đào tạo, Trường nên tăng thời gian thực tập, giúp sinh viên làm quen sớm với môi trường làm việc thực tế. Đồng thời, doanh nghiệp nên phối hợp với các Viện đào tạo đưa ra những bài tập lớn, bài tập nhóm, thậm chí là bài tập tốt nghiệp mang tính ứng dụng, giải quyết bài toán thực tế của doanh nghiệp để sinh viên được thực hiện. “Tôi nghĩ với cách làm này, không chỉ giúp sinh viên củng cố kiến thức trên lớp mà còn tạo nên sự hứng khởi, kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của sinh viên” – chị Huyền nhấn mạnh.
Sinh viên Bách khoa bên cạnh ưu điểm vẫn còn những mặt hạn chế về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, thái độ làm việc… là ý kiến đánh giá của anh Nguyễn Việt Thắng – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại K&K toàn cầu, cựu sinh viên K42 Viện CNSH&CNTP. Theo anh Thắng, “muốn làm một người quản lý giỏi, hãy làm một công nhân giỏi trước”. “Để trở thành Giám đốc như ngày hôm nay, tôi đã trải qua rất nhiều vị trí, kể cả việc trực tiếp xuống xưởng, làm việc như công nhân. Không phải vì khả năng của tôi kém mà tôi muốn hiểu rõ công việc của từng vị trí công việc, thì khi quản lý mới làm tốt được” – anh Thắng bộc bạch.
Theo Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại K&K toàn cầu, để nâng cao kỹ năng mềm cũng như thái độ làm việc của sinh viên, trong chương trình đào tạo, Trường nên lồng ghép các bài giảng về kỹ năng mềm, thuyết trình, tính kỷ luật và thái độ làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với kiến thức chuyên môn vừng vàng cùng với các kỹ năng mềm sẽ giúp sinh viên tự tin làm việc. Ngoài ra, anh Thằng cũng đề xuất, Trường nên tổ chức các buổi tọa đàm theo chủ đề, lĩnh vực cho sinh viên năm cuối và có sự tham gia của cựu sinh viên. “Với mong muốn truyền cảm hứng, niềm đam mê cũng như tình yêu với nghề, chúng tôi sẵn sàng tham gia các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu đến các em sinh viên khóa sau” – anh Thắng nhấn mạnh.
Một trong những chiến lược quan trọng mà Trường ĐHBK Hà Nội đã đề ra trong giai đoạn 2017-2025 là nâng cao chất lượng đào tạo, thông qua việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. Vì vậy, với những đề xuất của doanh nghiệp thực sự là một kênh thông tin hữu ích để Trường có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tăng cơ hội việc làm cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. “Với một tình yêu Bách khoa, vì một tương lai của Trường, các cựu sinh viên dưới góc độ doanh nghiệp quay lại Trường, đóng góp ý kiến, xây dựng, hỗ trợ Trường trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp” – PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng chia sẻ.
Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi