“Là nhà khoa học xuất sắc từng đạt giải thưởng Nagamori danh giá, với nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu ngành thiết kế và điều khiển động cơ điện, GS Kan Akatsu thường xuyên giúp các cán bộ, sinh viên của Trường ĐHBK Hà Nội sang trao đổi học tập và nghiên cứu tại Trường ĐH Shibaura, Nhật Bản. Ấn tượng của chúng tôi về GS Kan Atkatsu là một con người “hòa đồng, có phương pháp giảng dạy dễ hiểu và không kém phần nhiệt tình” – PGS Tạ Cao Minh chia sẻ.

Câu chuyện từ “một cuộc gặp gỡ”

GS Kan Akatsu, sinh năm 1972, là giáo sư chuyên ngành thiết kế và điều khiển động cơ điện, công tác tại Đại học công nghệ Shibaura, Nhật Bản. Trong nhiều năm, ông theo đuổi hướng nghiên cứu điều khiển và thiết kế chế tạo động cơ điện.

Năm 2018, ngay sau Tết Nguyên đán, GS Kan Akatsu đã đến thăm Trường ĐHBK Hà Nội để giảng bài cho sinh viên. Sự nhiệt tình của một vị GS đáng kính ấy có thể khiến ai mới gặp lần đầu cũng không thể quên. Ít ai biết rằng, GS đã nhiều lần hỗ trợ Trường ĐHBK Hà Nội trong việc đón nhận các cán bộ giảng dạy thuộc các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử – Viễn thông, đặc biệt là Điện sang ĐH Shibaura học tập và hợp tác nghiên cứu; cũng như xúc tiến trao đổi sinh viên”. Tất cả bắt nguồn từ lần gặp gỡ ngẫu nhiên với PGS Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ (CTI), Trường ĐHBK Hà Nội. Một ngày tháng 10/2000, PGS Tạ Cao Minh đang làm nghiên cứu sau Tiến sĩ tại ĐH Tokyo, Nhật Bản tình cờ gặp GS Kan Akatsu tại Hội thảo khoa học. Lúc đó, GS đang theo đuổi hướng nghiên cứu liên quan đến điều khiển động cơ điện và làm luận án TS ở ĐH Yokohama. “Hướng nghiên cứu của tôi và GS khá tương đồng. Kể cả sau này khi đã về nước năm 2004, tôi vẫn trao đổi một số vấn đề chung với GS và giữ mối liên lạc thỉnh thoảng qua email” – PGS Minh kể lại – “Hơn 10 năm sau, GS đến thăm và làm việc với Bộ môn Tự động hóa Trường ĐHBK Hà Nội. Tại đây ông đã giới thiệu về hướng nghiên cứu của mình cũng như phòng thí nghiệm về các bộ biến đổi điện năng. Đó là cuộc gặp lại rất tình cờ sau một số năm”.

Cơ duyên với GS Kan Akatsu với Việt Nam như một sợi chỉ cứ nối dài theo năm tháng. “Một lần khác, ông hào hứng nói với tôi về một chương trình trao đổi sinh viên rất thiết thực của Trường ĐH Shibaura với tên gọi Global International Education, nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển quốc tế của Nhật Bản với các trường đại học trên thế giới trong đó ĐH Shibaura là một trong những thành viên” – PGS Minh nhớ lại. Kể từ lần gặp đó, GS Kan Akatsu ngay lập tức khởi xướng chương trình trao đổi sinh viên giữa Việt Nam – Nhật Bản. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của ông, kỳ hè hàng năm, nhiều sinh viên năm cuối từ Trường ĐH Shibaura và ĐHBK Hà Nội đã có cơ hội thực tập, giao lưu, trải nghiệm tại hai nước. Tháng 3 năm 2014, lần đầu tiên một nhóm sinh viên của Trường ĐH Shibaura đã thực hiện khóa trao đổi sinh viên tại Trường ĐHBK Hà Nội. Đều đặn trong bốn năm, hàng chục sinh viên sinh viên của Trường ĐH Shibaura đã sang Trường ĐHBK Hà Nội thực tập và được Trung tâm CTI tiếp nhận.

Trao tặng những món quà

Có người nói rằng: “Ý nghĩa cuộc đời là đi tìm món quà của mình. Mục đích cuộc đời là trao tặng nó”. Dường như việc tích cực kết nối sinh viên Việt Nam – Nhật Bản là mối duyên nợ, là món quà tình cảm quý giá nhất mà GS Kan Akatsu muốn trao tặng trong cuộc đời này.

Đặc biệt năm 2018, nhờ sự hỗ trợ tích cực của GS Kan Akatsu, lần đầu tiên các sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản theo khuôn khổ chương trình. Đó là một chuyến đi đáng nhớ! “Chuyến bay của chúng tôi khởi hành vào đêm 25/02 và đến nơi vào 7h00 sáng 26/02. Ngày đầu tiên, chúng tôi được thăm và giới thiệu về các phòng thí nghiệm của Trường, trong có có PTN của GS Akatsu. Ngày thứ hai, GS Kan Akatsu trực tiếp giảng dạy về mô phỏng PSIM, phần mềm chuyên điều khiển động cơ điện. Những ngày tiếp theo, các sinh viên Viện Điện, Trường ĐHBK Hà nội được các kỹ thuật viên và kĩ sư đến từ công ty JMAG giới thiệu các chương trình demo cũng như phân tích động cơ điện dùng các phần mềm đánh giá các dòng điện, từ trường của động cơ, cho phép người dùng hiểu hơn về cấu trúc và các quá trình xảy ra trong động cơ. Kết thúc khóa học, các em đã được tính toán lập trình, thực nghiệm với động cơ đã được học trong những ngày qua và báo cáo” – PGS Tạ Cao Minh nhớ lại – “Nhìn tổng thể đây là một chương trình khép kín và trọn gói từ lý thuyết đến thực hành phần cứng và phần mềm cũng như mô phỏng phân tích, khiến các em thu nhận được nhiều kết quả và hiểu sâu sắc về động cơ điện”.

Sau khi trở về, nhiều sinh viên Viện Điện, Trường ĐHBK Hà Nội vẫn không quên những trải nghiệm tuyệt vời trong 5 ngày tại đất nước mặt trời mọc. Sinh viên Nguyễn Văn Lộc – K58 ngành Điều khiển Tự động hóa chia sẻ về chuyến đi Nhật đầu tiên của mình: “Khóa học tuy ngắn nhưng giúp em tự tin hơn khi tiếp xúc với môi trường mới, phòng thí nghiệm hiện đại ngoài sức tưởng tượng. Em rất ấn tượng với phương pháp giảng dạy trực quan, cách đặt vấn đề thực tế của người Nhật khi liên tục hỏi cái này ứng dụng để làm gì. Tại đây, chúng em được học và thực nghiệm điều khiển động cơ thông qua phần mềm và các thiết bị thí nghiệm”. Nếu nói đến một vị giáo sư tại một trường đại học lớn ở nước ngoài, hẳn nhiều người hình dung đến một trí tuệ uyên bác được xây đắp từ con đường học tập sáng lạn, từ cuộc sống trong phòng thí nghiệm sáng choang với phong thái cao sang của giới trí thức. Nhưng GS Kan Akatsu lại là một người rất nhiệt tình và dễ gần.

Một người thầy tâm huyết

Sự tinh tế và uyên bác từ nguồn tri thức trong lĩnh vực điện tử công suất và truyền động điện đã khiến GS cho ra đời nhiều công bố khoa học có giá trị tại Nhật Bản, đồng thời có uy tín trên thế giới. Năm 2015, GS vinh dự đạt giải Nagamori danh giá với công trình xuất sắc nhất. Một số giảng viên ở Trường ĐHBK kể rằng, họ không chỉ học được ở GS Kan Akatsu những kiến thức kinh nghiệm chuyên môn mà còn học được rất nhiều về niềm đam mê khoa học, cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình cho các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam. Hình bóng thầy vẫn in dấu trong ký ức người học trò cũ. TS Nguyễn Kiên Trung chia sẻ: “Tháng 8/2013 tôi sang Nhật làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ tận tình của thầy Akatsu. Vì có một thời gian dài làm nghiên cứu tại Mỹ nên tư tưởng của thầy rất cởi mở và luôn muốn tạo ra môi trường giao lưu quốc tế tại trường đại học. Hàng năm có rất nhiều các nhóm sinh viên từ khắp nơi trên thế giới thực hiện các khóa trao đổi tại Trường ĐH Shibaura và PTN của thầy.”

GS Akatsu cũng tham gia các buổi trao đổi học thuật với Bộ môn Tự động hóa Công nghiệp, Viện Điện và Trung tâm CTI. Thầy luôn sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác trong các chương trình NCKH và đào tạo giữa hai trường. Nhờ đó, các cán bộ của Viện Điện đã sang thăm, giao lưu, trao đổi học thuật, làm nghiên cứu sinh tại PTN của thầy; nhiều người trong số đó trở thành giảng viên của Trường ĐHBK Hà Nội. Nói đến thế hệ nhà khoa học trẻ Trường ĐHBK Hà Nội, GS cho rằng trong các nước Đông Nam Á, sinh viên Việt Nam có truyền thống học tập, tư duy tốt, nên đạt nhiều kết quả khả quan trong lĩnh vực điện tử công suất và truyền động điện – hướng đi rất tiềm năng và rộng mở của Việt Nam.

GS Kan Akatsu vẫn còn nhiều mong ước và dự định phía trước cho sự phát triển của ngành. Hơn hết, với những gì đã làm cho Trường ĐHBK Hà Nội, GS Akatsu ghi trong lòng nhiều cán bộ và sinh viên của Trường hình ảnh một người thầy tâm huyết với nghề, một cầu nối đẹp đẽ cho sự phát triển đào tạo khoa học giữa Việt Nam và Nhật Bản. ■

HOÀNG ANH
ẢNH: TRUNG TÂM CTI CUNG CẤP

“Biết tôi là cán bộ trường ĐHBK Hà Nội, từ khi tôi bắt đầu sang, thầy đã thúc đẩy các hoạt động trao đổi sinh viên với trường ĐHBK Hà Nội. Thầy Akatsu vận động sinh viên tham gia chương trình trao đổi, tìm kiếm nguồn học bổng hỗ trợ sinh viên, và phụ trách chính trong các khóa trao đổi sinh viên giữa hai trường. Khi tôi về nước, thầy vẫn giữ liên lạc, hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc NCKH cũng như cùng hợp tác thực hiện một số đề tài nghiên cứu chung.”
– TS NGUYỄN KIÊN TRUNG –

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here