Khi người người, nhà nhà ở Việt Nam đang hân hoan trong không khí đón Tết Mậu Tuất 2018, thì “người Bách khoa” đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản vẫn bận rộn với lịch làm việc, thi cử căng thẳng.
Đã 2 năm đón Tết xa gia đình, Nguyễn Thị Hằng – cựu sinh viên K52, Viện Kỹ thuật Hóa học hiện đang ở Thành phố Fukuoka, Nhật Bản nhớ nhất không khí tất bật sửa soạn để đón Tết những năm chưa xa quê. Hằng kể: “Từ Tết ông Công, ông Táo (23 Âm lịch hàng năm), mình và gia đình đã sắm sửa mọi thứ để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ông ngoại chẻ giang để làm lạt gói bánh, trong khi bố mình tất bật mua vôi để quét lại bờ tường, còn mẹ chuẩn bị các loại gia vị, các món ăn, nào canh măng, nào miến, nào mọc…”. Trong lần đầu tiên đón Tết xa quê, Hằng đã bật khóc vì nhớ mẹ, nhớ không khí đoàn viên ấm cúng, cộng thêm cảm giác cô đơn nơi đất khách, trong khoảnh khắc giao thừa, Hằng chỉ kịp dành mươi phút gọi điện chúc mừng gia đình.
Trần An Phương, cựu sinh viên K50, ngành Công nghệ Môi trường vừa sang Nhật được 2 năm để làm nghiên cứu sinh tại Đại học APU nhớ lại: “Thời tiết ở Nhật mấy hôm nay lạnh. Cái lạnh cắt da cắt thịt ấy lại càng khắc sâu vào lòng người niềm khao khát được trở về nhà, ngồi bên mẹ nghe giọng cha quát mấy đứa cháu đang nô đùa mà đá thúng đụng lia. Ngày 27 Tết năm ngoái, nơi mình ở có bão tuyết phủ trắng mấy ngọn đồi. Trường thông báo có khả năng xe buýt sẽ ngừng hoạt động, dừng lịch nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, chuyển bù vào thứ 7. Trên đường trở về khu ở, thấy mênh mông một màu tuyết trắng nghĩ đến ở nhà mẹ đang rửa lá rong để sắp một nồi bánh chưng, các anh chị đang sửa sang lại nhà cửa, sắm thêm cành đào cây quất, bỗng thấy lòng quay quắt, nước mắt cứ thế rơi”.
Còn Nguyễn Văn Tiệp – cựu sinh viên Vật lý Kỹ thuật, hiện đang học tập tại Đại học Tokyo lại có một trải nghiệm đáng nhớ về lần đón tết cổ truyền trên đất nước mặt trời mọc. “Lại một mùa xuân nữa sắp về, nghĩ đến hình ảnh chợ hoa, cảnh đường phố nhộn nhịp, mùi hương trầm hòa trong cái rét của đêm 30 và phút giây sum vầy bên gia đình khiến mình lại nhớ nhà. Mình chỉ muốn được bay về ngay với bố mẹ, người thân. Năm ngoái mình cùng các bạn cựu sinh viên Bách khoa ở Đại học Tokyo đã cùng nhau đón một cái tết cổ truyền Việt Nam thật ý nghĩa trên đất Nhật. Do ngành học đặc thù nên tập trung toàn là con trai lại đều xuất thân từ Hà Nội, chưa bao giờ biết gói bánh chưng, nhưng ngày tết mà không có bánh chưng thì làm sao thành tết nên chúng mình vừa làm vừa xem video hướng dẫn trên Youtube. Sản phẩm tuy không được đẹp mắt như những chiếc bánh mẹ thường gói ở nhà nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon. Năm mới, chúng mình cùng xem các chương trình truyền hình ở Việt Nam để nhớ không khí Tết quê”.
Đây là năm đầu tiên mình đón tết xa nhà, mặc dù có chút buồn vì không được quây quần bên gia đình nhưng mình cũng rất háo hức. Nguyễn Thanh Trang – vừa gia nhập Hội du học sinh Bách khoa tại Osaka chia sẻ. “Mình đã được nghe một chị cùng là cựu sinh viên Bách khoa đã hai lần đón tết tại Nhật Bản kể rằng sẽ được trải nghiệm phong tục đón tết nơi đây rất mới mẻ và khác lạ. Theo như lời chị thì không giống ở Việt Nam trước giờ đón giao thừa, mọi người thường đi lễ và phải vệ sinh sạch sẽ mới được đến chùa. Tại đây, người Nhật sẽ tung những đồng xu vào hòm công đức và vái lạy cầu nguyện. Đúng thời khắc chuyển giao sang năm mới, chuông tại tất cả các đền, chùa trên toàn nước Nhật sẽ đồng loạt điểm 108 tiếng. Bởi theo quan niệm, tiếng chuông vang lên để xua những ham muốn khiến con người phải khổ sở. Tiếng chuông đồng thời trên cả nước gửi đi thông điệp và lời cầu nguyện của tất cả mọi người cho một năm mới hạnh phúc, bình an. Ngoài ra thì khác lạ hơn là trên bàn thờ của mỗi gia đình Nhật Bản trong dịp Tết không thể thiếu bánh gạo Mochi, quả hồng, hạt dẻ, hạt thông, đậu đen, cá trích, mực và cam. Đây là những sản phẩm đặc trưng truyền thống của Nhật Bản. Quá nhiều điều thú vị nên mình đã rất hồi hộp được đón cái tết xa nhà đầu tiên trong hào hứng và không buồn bã”.
“Năm ngoái, mình được đón tết Tây ở gia đình một người Nhật, được làm bánh mochi. Tết Dương lịch ở đây cũng to như tết Âm lịch ở Việt Nam. Hầu hết sinh viên Nhật Bản về đón tết cùng gia đình. Đây là cái tết thứ hai trên đất Nhật của mình, đợt này, mình có hai cô bạn cùng học đại học Bách Khoa hiện đang học tại Đại học Kyushu xuống thăm nên bọn mình cùng nhau đi chơi, thăm thú Kanazawa. Tối đến, chúng mình sẽ tham gia buổi tiệc tất niên cùng các anh chị trong Hội cựu sinh viên Bách khoa tại Học viện Khoa học và Công nghệ cao Nhật Bản”. Trịnh Văn Anh – cựu sinh viên K55, ngành Điện tử Viễn thông cho biết.
Dù đi nơi đâu, ở bất cứ môi trường nào thì mỗi dịp tết đến xuân về người Việt Nam nói chung và “người Bách khoa” nói riêng xa quê vẫn luôn nhớ về quê hương, đất nước. Ở đó có gia đình, người thân có không gian “thật Tết”. Đó cũng là tình yêu và sự gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, vừa sâu sắc, lớn lao song cũng rất mộc mạc và chân thành.
Sáng Nguyễn
Ảnh minh hoạ