Đó là câu chuyện của cậu SV Bách Khoa Khóa 1 Phan Trường Phiệt khi vừa đi học, vừa phải tranh thủ đi làm để có chi phí cho cuộc sống hàng ngày. Càng phải bươn chải, vật lộn, Phan Trường Phiệt càng quyết tâm học tập để thành tài.
Học ngành khác sở thích cũng… ok!
Vốn yêu thích khoa học kỹ thuật, năm 1956, sau khi học xong lớp Dự bị ĐH, ông đăng ký nguyện vọng học ngành Vô tuyến điện của Trường ĐHBK Hà Nội. Nhưng khi nhận quyết định vào học thì ông lại có tên trong danh sách sinh viên khoa… Xây dựng.
Sau khi học một thời gian, nhận thấy chương trình các môn như Toán, Lý, Hóa đã được học ở lớp Dự bị ĐH nên một số SV đã kiến nghị lên Bộ ĐH đề nghị mở năm thứ 2 vì họ có khả năng theo học. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã đồng ý miễn không phải học 3 môn Toán, Lý, Hóa cho những SV đã tốt nghiệp lớp Dự bị ĐH, nhưng cuối năm học vẫn phải tham gia thi hết môn. Điều này đã tạo điều kiện cho SV Phan Trường Phiệt có thời gian để phụ giúp gia đình nuôi dạy các em ăn học. Học bổng chỉ có 22 đồng/ tháng, hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, Phan Trường Phiệt làm thêm ở công trường sửa chữa tòa nhà Bưu điện ở phố Ông Ích Khiêm.
Ông kể: “Tôi nhận với cơ quan Bưu điện hợp đồng công mua sắm toàn bộ nguyên vật liệu tập kết tại công trường, công trông nom kỹ thuật với tỷ lệ 5% vốn đầu tư. Tôi được tin tưởng vì trước đó đã sửa chữa tốt một tòa nhà gần Đại sứ quán Trung Quốc”. Các môn học được xếp theo thời khóa biểu, vì vậy đến môn không phải học, Phan Trường Phiệt lại nhẹ nhàng trèo cửa sổ lớp học ra ngoài đi làm thêm. Từ đó ông có biệt danh “sinh viên trèo cửa sổ”.
“Công trình” nhỏ
Năm 1958, sinh viên năm thứ hai ĐHBK Hà Nội tham gia lao động ở công trường Bắc Hưng Hải: Đào đất, gánh đất, trộn bê tông, làm sắt thép cùng với công nhân. Trong 3 tháng tham gia lao động, sinh viên được công trường tổ chức ăn ở chu đáo. Bốn dãy lán dựng gần cạnh sông Hồng là nơi ăn ở của họ, có cả trạm bưu điện, trạm y tế. Phan Trường Phiệt được phân công về đội bê tông.
Trong thực tế lao động, ông đã sáng kiến một “công trình” nhỏ: Cửa lấy vữa hình nêm. Bê tông sau khi đã trộn được cho vào một cái thùng to để sử dụng dần, và phía dưới thân thùng có một cửa để vữa chảy ra. Ông quan sát và thấy rằng cánh cửa đó được thiết kế thẳng, nên khi công nhân lấy vữa thì phải dùng lực rất nhiều mới mở được cửa. Ông đã thiết kế và đề xuất với thầy hướng dẫn Bùi Trọng Lựu về việc cải tiến cửa theo nguyên tắc của cái nêm để lợi dụng lực đẩy ngược của áp lực vữa lên cửa, giảm sức của người lao động khi mở cửa lấy vữa.
Ý tưởng này của ông được Ban Kỹ thuật của công trường đồng ý ngay và đã tạo điều kiện để ông xuống tổ mộc thực hiện. Ông còn nhớ, tại buổi thử nghiệm có rất nhiều người đến xem. Ông rất hồi hộp nhưng mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ khi một cô công nhân chỉ dùng tay kéo nhẹ thì cửa đã mở. “Tôi rất vui vì lần đầu tiên trong đời mình đã góp phần nhỏ bé để cải thiện điều kiện lao động cho công nhân. Tôi tự tin hơn trong lao động” – ông nhớ lại.
Đến năm 1959, bắt đầu vào học năm thứ tư, sinh viên Khóa 1 được chia thành 4 nhóm: Một số được chọn đi học tiếp đại học ở Liên Xô và sau này về công tác ở Trường ĐHBK Hà Nội; Một nhóm khác được đi học tiếp ĐH ở Trung Quốc, sau này về công tác ở Học viện Thủy Lợi (nay là trường ĐH Thủy lợi), Trung cấp Thủy lợi; Nhóm 3 ra công tác ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và số còn lại tiếp tục học tập tại Trường ĐHBK.
Đúng với nguyện vọng, Phan Trường Phiệt được phân công công tác tại Học viện Thủy lợi. Thời điểm này, những người được phân công về Học viện đã tham gia xây dựng Nhà trường từ buổi đầu thành lập. Lý giải về việc được về Học viện Thủy lợi công tác, GS. Phan Trường Phiệt cho rằng: Có thể họ thấy được năng lực của tôi, kèm theo việc tôi đã từng đi dạy ở Trường Cấp Tiến nên nhà trường đã để tôi ra công tác. Tôi mãn nguyện vì chỉ mong sớm đi làm kiếm tiền nuôi các em ăn học…”
“Kết thúc cuộc đời sinh viên ĐHBK Hà Nội Khóa 1 với bao vất vả, khó khăn nhưng cuối cùng tôi cũng đã đạt được thành công nhất định.” – GS. Phan Trường Phiệt
Nguyễn Thị Phương Thúy
(Nguồn: Trung tâm Di sản các nhà khoa học)