Nguyễn Sáng
Ảnh: nhân vật cung cấp
Những mùa thi, mùa đồ án qua đi để lại những kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời sinh viên dưới mái trường Bách khoa Hà Nội. Hôm nay, bước trên những con đường mới thênh thang hơn, những anh chàng, cô nàng sinh viên vô tư ngày ấy đã phải đối mặt với nhiều thử thách khó khăn hơn, quyết liệt hơn. Cùng họ nhìn lại quãng thời gian học tập tại Bách khoa Hà Nội và hành trang Bách khoa mang đến cho họ trên những miền đất… khác.
NGUYỄN THỊ TÂM – CỰU SINH VIÊN K55, VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG
Ngay sau khi tốt nghiệp Trường ĐHBK Hà Nội, mình nhận học bổng và “chuyển khẩu” sang Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc. Hiện tại, mình đang đồng thời thực hiện chương trình Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh chuyên ngành Môi trường. Đối với cá nhân mình, Bách khoa không phải là điểm dừng của một hành trình, mà nó là điểm tựa vững vàng để mở ra một chân trời mới, cho những khám phá và ước mơ mới.
Học tập và rèn luyện những năm tháng sinh viên tại Bách khoa Hà Nội đã tạo cho mình cũng như các bạn sinh viên khác thói quen vượt qua “áp lực”, từ việc học hành, thi cử đến các hoạt động. Không chỉ vậy, Bách khoa còn đòi hỏi khả năng tư duy của mỗi cá nhân để giải quyết vấn đề. Vì vậy, để có thể thích ứng và vượt qua được mỗi kỳ thi với kết quả mong muốn, mọi người đều phải vượt qua được áp lực đó. Đối với mình, đó là chìa khóa quan trọng nhất để thích nghi với môi trường học tập và làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên môn vững vàng, Bách khoa còn tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Chính quãng thời gian tham gia nghiên cứu khoa học cùng các thành viên khác trong nhóm đã khiến một cô sinh viên nhút nhát, e dè làm việc chưa khoa học trưởng thành hơn rất nhiều. Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc thi, đó còn là nơi gắn kết các cá nhân riêng lẻ để thành một tập thể nhỏ đoàn kết, phân chia công việc khoa học và bài bản. Điều này quả là món quà vô giá khi hiện tại mình đang học tập và làm việc trong môi trường nhiều áp lực và có nhiều thành viên. Chính Bách khoa đã tạo nên những đôi chân vững vàng để mỗi sinh viên bước đi vững chắc trên con đường tương lai.
NGUYỄN PHƯƠNG TRÌNH – CỰU SINH VIÊN K56, VIỆN CƠ KHÍ
Hiện tại mình đang sinh sống và làm việc tại Osaka, Nhật Bản. Môi trường làm việc mới với đầy áp lực và khó khăn mới thấy quãng thời gian được học tập ở Bách khoa tuyệt vời như thế nào. Mặc dù áp lực của những kỳ thi, bài tập lớn, đồ án cũng khiến sinh viên chúng mình “điêu đứng”, đôi lần thầm trách thầy cô sao khó khăn, nghiêm khắc. Bây giờ đang bước đi trên con đường mới với nhiều chông gai mình mới thấy hết những trải nghiệm đó thật quý giá.
Trải nghiệm đáng nhớ nhất trong thời gian học tại Bách khoa Hà Nội chính là nghiên cứu khoa học, lần đầu tiên mình biết đến nghiên cứu là thông qua chương trình Tuần sinh viên NCKH “truyền thống” của Trường. Được làm việc với thầy Nguyễn Ngọc Kiên và các bạn trong nhóm, được thầy hướng dẫn cách tìm tòi, tư duy, cùng thảo luận để tìm ra giải pháp cho vấn đề chính là quãng thời gian đáng nhớ nhất. Đây cũng là thời gian khiến mình nhận ra kiến thức của mình còn rất yếu và thiếu trong bối cảnh công nghệ được cập nhật liên tục như hiện nay. Để khi chính thức bước vào làm nghề, mình mới thấy hết được tầm quan trọng của việc luôn sáng tạo trong công việc.
NGUYỄN ANH ĐỨC – CỰU SINH VIÊN K55, VIỆN ĐIỆN
Mình đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc. Mặc dù ngành học hiện tại gần như mới hoàn toàn, kiến thức có thể áp dụng phần lớn là từ năm thứ tư, nhưng những kiến thức mình được trang bị trong thời gian học tập tại Bách khoa Hà Nội lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi học tập trong môi trường kỹ thuật nghiêm khắc, sinh viên phải tự mình “chạy” nếu không muốn bị đẩy lùi lại phía sau đã tạo cho mình khả năng thích ứng nhanh với môi trường học tập mới.
Trong thời gian học tập ở Bách khoa, mình tham gia thực tập tại Viện Ng- hiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA). Đó chính là quãng thời gian quan trọng để mình quyết định chuyển hướng ngành học. Hơn một năm thực tập tại MICA, mình được làm quen với những hướng nghiên cứu đầy mới mẻ và là xu hướng của thế giới. Sau quãng thời gian đó, mình nhận ra ngành mình thực sự thích là gì và đó chính là lý do chọn ngành học sau đại học cho mình theo hướng đó. Hiện tại, đang đi trên con đường mới, dẫu biết sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng mình tin tưởng “chất Bách khoa” sẽ giúp mình vững vàng trên những chặng đường mới.
NGUYỄN THÚY QUỲNH – CỰU SINH VIÊN K56, VIỆN CNTT&TT
Mình vừa hoàn thành xong chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Tin học tại Viện Công nghệ Grenoble, Cộng hòa Pháp. Hiện tại, mình đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh tại Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp. Để có được những thành tựu của ngày hôm nay, thực sự “biết ơn” Bách khoa của những năm đại học. Bách Khoa dạy cho mình rất nhiều thứ. Đầu tiên là khối kiến thức vô cùng đồ sộ, rồi thử thách với các kỳ thi đòi hỏi tư duy nhạy bén. Sau này, khi trải qua các kỳ thi khi học Thạc sĩ ở Pháp, mình cảm thấy độ khó không khác gì các kỳ thi ở Bách khoa. Ngoài những kỳ thi, Bách khoa yêu cầu sinh viên thực hiện nhiều đồ án song song, khiến cá nhân mình luyện được khả năng tổ chức và xoay xở với nhiều công việc một lúc. Đồng thời, Bách khoa trao cơ hội cho sinh viên tham gia vào các dự án theo nhóm, giúp chúng mình học được cách làm việc nhóm, biết cách hòa nhập và phối hợp với các đồng nghiệp sau này.
Với môi trường học tập mở, Bách khoa có nhiều học bổng giao lưu, trao đổi sinh viên, thực tập tốt nghiệp… ở các trường đối tác. Những cơ hội này dành cho tất cả các bạn sinh viên có năng lực học tập tốt, có khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật..). Cá nhân mình được tham gia hai chương trình trao đổi Temasek Singapore và Erasmus+. Đó chính là bàn đạp rất lớn cho mình bước ra môi trường làm việc quốc tế.