Viện Kỹ thuật Hoá học có hai “nàng thơ” tốt nghiệp bằng xuất sắc

0
1441
Nguyễn Thúy Hiền (trái) và Đặng Thị Thu Anh, sinh viên K61 Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội

Nữ sinh Bách khoa Hà Nội đang khẳng định vị thế không hề kém cạnh gì các chàng trai trong khối ngành Kỹ thuật. Điển hình, Nguyễn Thuý Hiền và Đặng Thị Thu Anh, sinh viên K61 Viện Kỹ thuật Hóa học đã có thành tích xuất sắc và ra trường sớm hơn dự định một kỳ học. 

“Nữ cường” cũng cần “nữ tính”

Nhắc về ấn tượng với Bách khoa Hà Nội, Hiền bồi hồi nhớ lại một ngày rằm tháng 7 mưa bão, cũng là ngày Hiền nhập học. “Bách khoa Hà Nội trong tôi là một ngôi trường rộng lớn đến mức không phân biệt được các cổng. Hai bố con đi từ Thái Bình lên ướt hết, quần áo lấm lem, chỉ kịp vào trường hoàn tất thủ tục rồi lại nhanh chóng đi tìm phòng trọ.” – Nguyễn Thuý Hiền, Kỹ thuật hóa học 2, K61 Kỹ thuật Hoá học, chia sẻ

Đi học xa nhà nhưng Hiền vẫn luôn có gia đình ở bên. Hiền tâm sự: “Có lần tôi chuyển phòng trọ, bố từ quê lên, bê đồ đạc lên tầng 4 cho tôi, rồi lại vội vã đi về mà không kịp ăn gì, mồ hôi ướt đẫm sau lưng áo bố.” 

Những kỷ niệm hằn sâu trong tiềm thức của Hiền, cũng chính là động lực thúc đẩy Hiền luôn nỗ lực không chỉ vì bản thân mình mà còn vì những hi sinh, tình yêu thương, hy vọng của bố mẹ. Cô cố gắng là một chị cả tốt để hai em gái của cô có thể trò chuyện mỗi khi có trăn trở hay gặp khó khăn.

“Đến với Bách khoa là một cái duyên, thực sự không phải là lựa chọn ban đầu của tôi, nhưng đó là lựa chọn phù hợp và đúng đắn nhất. Bách khoa là nơi giúp tôi tự tin giữ vững được niềm tin cùng sự khát vọng vào ước mơ của tôi” – Thúy Hiền khẳng định. 

Theo Hiền, “chất Bách khoa” thể hiện trong con người cô là cách tư duy logic và cách tiếp cận, giải quyết vấn đề. “Chất Bách khoa là một cái gì đó trầm lặng, không sôi nổi nhưng chứa đựng tinh thần, nhiệt huyết tuổi trẻ, tìm hiểu căn nguyên vấn đề với niềm đam mê không ngại gian khó.” Tuy nhiên, Thúy Hiền cũng chia sẻ đôi khi chợt nhận ra bản thân hơi mạnh mẽ, nên “cần nữ tính lại để có một người cùng sẻ chia cho vơi bớt cô đơn”.

Là một nữ sinh xuất sắc của Viện Hóa, Hiền muốn nhắn nhủ tới sinh viên Bách khoa Hà Nội tương lai: “Nếu các em đang có hứng thú với Hóa mà vẫn lo ngại vì kiến thức phổ thông chưa tốt, hãy cứ tự tin theo đuổi đam mê của mình. Tôi tin sau 2 năm học đại cương tại Bách khoa Hà Nội, không khó để các em tiếp cận với các môn chuyên ngành Hóa.”

Chia sẻ về cách học tập hiệu quả, Hiền cho rằng điều quan trọng nhất là phải tìm được sự thú vị ở từng môn học. “Với nền tảng của sinh viên Bách khoa Hà Nội, tôi nghĩ ai cũng có thể tìm được phương pháp học riêng của mình. Đừng để áp lực về điểm số và thành tích làm mất đi niềm vui và đam mê sẵn có.”

Có thành tích cao trong học tập nhưng Thúy Hiền cũng từng trải qua giai đoạn khủng hoảng vì điểm số. Năm 2 đại học, Hiền bị mất phương hướng khi bảng điểm cứ tụt dốc, chạm đáy 2.48. Tuy nhiên, với sự sắp xếp và chuyên tâm học tập thì các môn học cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Sau khi bình tâm, nghĩ về gia đình và những gì đã cố gắng, Hiền bắt đầu tìm hiểu ý nghĩ của các môn học, xem môn học đó sẽ giúp gì cho kiến thức chuyên môn sau này. “Tôi bắt nhịp lại với các bài giảng trên lớp của thầy cô. Tôi cảm thấy hứng thú với các môn Đồ họa kỹ thuật hay Hóa công, Hóa hữu cơ,… đồng thới đặt ra mục tiêu hoàn thành chương trình học 4,5 năm.” 

Hiền cho rằng bài giảng trên lớp của thầy cô rất hữu ích, cung cấp rất nhiều kiến thức thực tế ngoài sách vở. “Tôi thường ghi âm lại những nội dung quan trọng để về nhà suy nghĩ và tìm hiểu thêm. Đây là cách giúp tôi vừa cải thiện ngoại ngữ, vừa mở rộng kiến thức, kỹ năng tìm hiểu tài liệu, tự tổng hợp kiến thức.”

Đặc biệt, Hiền có một nhóm bạn thân cùng học tập và vui chơi, mỗi người một ý tưởng giúp nhau có được cách nhìn khách quan, đa chiều. “Đây chính là cách để tôi vượt qua những năm tháng thanh xuân vật vã tại Bách khoa Hà Nội. Với cách học này, tôi được trải qua 4 mùa hè trọn vẹn bên gia đình yêu thương mà không phải học lại môn nào.”

Không chỉ học được kiến thức chuyên môn bổ ích, Hiền còn học được lối tư duy và cách làm việc từ thầy cô trong Trường. Đặc biệt, PGS. Trần Khắc Vũ và PGS. Đặng Trung Dũng là hai người thầy ảnh hưởng nhiều đến tư duy tiếp cận khoa học và cách nhìn nhận cuộc sống của Hiền. 

Đối với Thúy Hiền, tấm bằng của Bách khoa Hà Nội và những kỷ niệm trong hơn 4 năm cùng các bạn lớp Công nghệ Hóa dược và Bảo vệ thực vật – K61 là thu hoạch lớn nhất và có ý nghĩa nhất của tuổi thanh xuân. Điều Hiền cảm thấy tiếc nuối nhất là không kịp thưởng thức nốt mùa xoài cuối tại Bách khoa Hà Nội.

“Thích thì nhích”

Đặng Thị Thu Anh, sinh viên K61 Viện Kỹ thuật Hoá học, cũng là một cô gái rất cá tính. Dự định ban đầu khi thi đại học của Thu Anh là trở thanh một quân nhân như bố mẹ. Tuy nhiên, cô cũng đặt thêm một nguyện vọng nữa vào Bách khoa Hà Nội và “bén duyên” với Trường từ đó.

Thế mạnh của Thu Anh là Toán và Lý, nhưng với niềm đam mê, cô vẫn chọn Kỹ thuật Hóa học dù điểm Hóa thấp nhất trong các môn thi. “Vì thích thì nhích luôn chứ nghĩ ngợi gì nữa đúng không???” – Thu Anh hóm hỉnh.

“Đối với tôi Hóa không hề khó!” – Thu Anh khẳng định. Cô cho rằng môn học chỉ khó khi ta không có hứng thú. Thu Anh không ngại dành thời gian để “chơi” cùng môn Hóa. “Tôi thích cảm giác chinh phục được những câu hỏi khó, rất hạnh phúc.” Đối với người khác “cúi xuống nhặt bút mất gốc Hóa”, thì đối với Thu Anh là “gật gù một giấc mất gốc Văn”.

Đạt CPA 3.66/4.0 và tốt nghiệp sớm nửa năm nhưng Thu Anh không nằm trong danh sách khen thưởng của Nhà trường do điểm rèn luyện dưới 80. Thu Anh giải thích: “Thực tế, tôi tham gia nhiều hoạt động Đoàn, Hội và tình nguyện. Những hoạt động ấy giúp tôi có thêm nhiều bạn mới, rèn luyện sự tự tin và nhiều kỹ năng mềm khác. Tôi đã cảm thấy rất hài lòng với những gì mình tích lũy được nên chỉ tiếc một chút thôi.”

Một trong những thành tích Thu Anh nhớ nhất là cơ hội được thực tập tại phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (NPI) tại công ty LG Innotek Việt Nam Hải Phòng. Tỷ lệ chọi đầu vào rất cao và chỉ có mình cô là con gái được chọn. Thu Anh đã học hỏi được từ đồng nghiệp rất nhiều, từ phong cách làm việc đến các kỹ năng cần có trong môi trường công nghiệp. “Khi bạn đã quá quen với các giảng đường, thì việc được trải nghiệm môi trường thực tế thật sự là một cơ hội đáng quý.” – Thu Anh chia sẻ.

Chia sẻ về trải nghiệm là “gái Bách khoa”, Thu Anh cho biết: “Học Bách khoa rất nặng, không dễ dàng gì đối với con gái. Nữ sinh Bách khoa cũng không được ưu tiên đâu, đã vào học thì sinh viên nào cũng như nhau.” Tuy nhiên, Thu Anh chưa bao giờ hối hận khi dành tình yêu cho khối tự nhiên. “Chỉ cần thích, những khó khăn hoàn toàn có thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.”

Rèn rũa trong môi trường Bách khoa Hà Nội, quan điểm của Thu Anh là “học hết mình – chơi hết sức”. Tham gia đội sinh viên tình nguyện của Viện Hóa từ năm 2, Thu Anh đã có thêm nhiều bạn và những trải nghiệm bổ ích. “Chúng tôi cùng nhau xây dựng và tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho bà con và trẻ em tại các vùng khó khăn tại các tỉnh quanh Hà Nội. Tôi sẽ không thể quên những buổi sinh hoạt văn nghệ, những bữa ăn nấu bằng bếp củi hay những đêm đốt lửa trại, cùng nhau hát và chia sẻ những câu chuyện “thầm kín”.” – Thu Anh bồi hồi.

Đam mê nghiên cứu, Thu Anh dự tính sau khi học lên cao trở thành giảng viên, làm việc trong các lab nghiên cứu như 2 cô giáo Thu Anh vô cùng ngưỡng mộ là PGS.TS. Phạm Thanh Huyền và TS. Phan Thị Tố Nga. 

“Các cô tỏa ra sự độc lập, quyết đoán, và đặc biệt là niềm đam mê khoa học luôn cũng rực cháy.” Thu Anh học được từ thầy cô lối tư duy sáng tạo, đa chiều. “Không chỉ trong học tập, nghiên cứu mà với các vấn đề trong cuộc sống, cô Nga giống như một cuốn bách khoa toàn thư. Cô là người đáng tin cậy để tâm sự.”

Bách khoa Hà Nội trong Thu Anh chính là One love – One future: Một tình yêu – Một tương lai. “Tôi thấy câu nói này rất phù hợp để nói về những gì tôi đã thu được sau 4,5 năm học tại Trường. Bách khoa Hà Nội là một tình yêu lớn đối với tôi. Đây là nơi ươm mầm, định hướng, là nơi nhìn thấy sự trưởng thành của tôi. Và còn hơn thế nữa, Bách khoa là tương lai,  nơi tôi sẽ gắn bó và là mục tiêu hướng đến của mình trong những năm tới.”

Quãng thời gian sinh viên của Thu Anh không có gì khiến cô nuối tiếc. “Thời sinh viên ở Bách khoa Hà Nội của tôi thực sự đẹp và là quãng thời gian mà tôi không thể quên. Nhiều bạn nghĩ rằng để đạt được những thành tích cao như vậy, chắc tôi chỉ đâm đầu vào học. Nhưng thật sự, tôi đã chơi hết mình, làm những điều tôi thích và không bao giờ hối hận về những gì bản thân đã chọn.” – Thu Anh khẳng định.

Trần Trang. Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here