Vũ Thơm – Thùy Dung
Ảnh: Kim Chi
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, nhu cầu việc làm liên quan đến Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học) (viết tắt là STEM) ngày một tăng cao, đòi hỏi ngành giáo dục phải có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Phương pháp giáo dục STEM ra đời, hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ mới, có tác động lớn đến sự thay đổi nền kinh tế.
GIÁO DỤC STEM: XU THẾ TẤT YẾU CỦA TƯƠNG LAI STEM
là phương pháp giáo dục trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp người học không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm có thể ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Giáo dục STEM hứa hẹn sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường có tính sáng tạo cao và sử dụng trí óc có tính chất công việc ít lặp lại trong thế kỷ 21.
Sự tách rời các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong giáo dục truyền thống sẽ tạo ra khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, giữa giáo dục đào tạo trong trường học và nhu cầu nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngày nay, đa phần học sinh, sinh viên Việt Nam sau khi ra trường thường phải mất một khoảng thời gian khởi động để biết cách biến các cơ sở lý thuyết, nguyên lý thành các ứng dụng thực tế. Trong khi đó, nhu cầu thị trường việc làm đòi hỏi người lao động phải nắm bắt công việc một cách nhanh chóng và có khả năng giải quyết được nhiều vấn đề cùng lúc.
Hơn thế nữa, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ, hứa hẹn những bước đột phá trong các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo (Ar- tificial Intelligence-AI), robot, internet vạn vật (Internet of Things), công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử. Đó là những lĩnh vực thuộc các ngành Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán học và sẽ chiếm ưu thế trong tương lai, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng vĩ mô này.
ƯƠM MẦM TÌNH YÊU KHOA HỌC
Giáo dục STEM đã rất phát triển ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Pháp… đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tại Hoa Kỳ, hơn 40% sinh viên vào đại học đăng kí chuyên ngành thuộc lĩnh vực STEM đã hoàn thành chứng chỉ STEM. Đa phần các sinh viên đã chuyển sang các ngành thuộc STEM từ các ngành khác sau khi tham gia những khóa học về khoa học, toán học và kỹ thuật.
Tại Việt Nam, phương pháp giảng dạy hiện nay đã có nhiều cải cách, tuy nhiên vẫn còn mang nặng về lý thuyết, tỉ lệ thời gian học sinh vận dụng kiến thức thực hành so với thời gian học lý thuyết còn thấp. Nếu phương pháp học truyền thống thường sử dụng văn bản bằng chữ, được viết trên bảng hay trình chiếu dưới dạng slide để học sinh, sinh viên theo dõi và ghi chép nội dung thì phương pháp STEM ưu tiên sử dụng các mô hình ứng dụng thực tế để người học tiếp cận trực tiếp, từ đó đưa ra nguyên lý cơ bản của hiện tượng, quá trình, cuối cùng là vận dụng để tìm ra lời giải cho các bài toán thực thế. Với phương pháp này, học sinh, sinh viên sẽ có thời gian thực hành nhiều hơn ngay trên lớp học. Trong quá trình vừa học vừa thực hành, các em vừa phát huy tính chủ động sáng tạo của bản thân, vừa tích lũy được kỹ năng làm việc theo nhóm nhờ sự trao đổi giữa các thành viên khác trong nhóm, cùng phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề. Hơn nữa, sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên trong quá trình học tăng lên sẽ giúp sinh viên dễ dàng hiểu bài hơn, nắm vững kiến thức và được giải đáp những vấn đề còn khúc mắc nhanh chóng và chính xác từ phía giảng viên.
Khác với giáo dục truyền thống lựa chọn hình thức giảng dạy các môn học một cách riêng rẽ, phương pháp STEM chú trọng phối hợp kiến thức thuộc các ngành khác nhau thành một khối tư duy mang tính hệ thống và tập trung vào phát triển kỹ năng làm việc của người học. Phương pháp này không chỉ giúp người học có được kiến thức nền tảng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học mà còn rèn luyện cho người học có khả năng tổ hợp kiến thức đa ngành một cách logic và khoa học. Đây là một trong những kỹ năng cần thiết mà mỗi người lao động phải có được để có thể làm việc trong thời đại cách mạng mạng khoa học và công nghệ bùng nổ.
Với học sinh trung học phổ thông, việc theo học các môn học STEM sẽ có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, học sinh sẽ chủ động thích thú với việc học tập thay vì tâm lý ngại tiếp cận hoặc tránh né một lĩnh vực nào đó, từ đó sẽ khuyến khích các em có định hướng tốt hơn khi lựa chọn chuyên ngành ở các bậc học cao hơn và sự chắc chắn cho cả sự nghiệp về sau.
Đối với sinh viên đại học và sau đại học, STEM sẽ là một bệ phóng thuận lợi để sinh viên có môi trường để thỏa sức sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ như: chế tạo robot, thiết bị điều khiển tự động, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, công nghệ nano trong y học… Hiện nay, tại các trường đại học, mô hình STEM có thể được thiết lập thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển, qua việc tổ chức câu lạc bộ khoa học công nghệ cho sinh viên, thông qua các cuộc thi trong nước và quốc tế. Như vậy, mô hình STEM còn là vườn ươm cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và bắt kịp nhịp độ của cách mạng công nghiệp lần thứ IV.
Tóm lại, trước bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhu cầu trao đổi công việc, nhân lực giữa các quốc gia ngày một tăng cao, ngành giáo dục nước ta cần chuẩn bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu. Trong đó, giáo dục STEM sẽ là mô hình giáo dục diện rộng trong tương lai gần của thế giới. Phương pháp giáo dục STEM còn khá mới mẻ và có phương pháp tiếp cận khác trong giảng dạy và học tập nên cần được sự quan tâm và nhận thức của toàn xã hội. Những người hoạch định chính sách cần có chính sách phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp xã hội về giáo dục STEM từ các bậc cha mẹ, giáo viên, nhà trường, đến những nhà giáo dục các cấp. Cải cách giáo dục là điều tất yếu, triển khai giáo dục STEM để đón đầu xu hướng phát triển giáo dục sẽ đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.