Trả lời phỏng vấn của Đặc san Bách khoa Hà Nội, ông Bùi Văn Thịnh – một kỹ sư được đào tạo từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – nay là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phong điện Thuận Bình – đã rất vui khi biết tin ngôi trường nơi ông từng học mới mở thêm chương trình đào tạo về Năng lượng tái tạo. Hơn ai hết, là người trong ngành Năng lượng tái tạo, ông thấu hiểu sự khó khăn khi muốn nhận người làm việc nhưng lại không tìm đâu ra nhân lực am hiểu về lĩnh vực này.
– Xin chào ông Bùi Văn Thịnh! Thật tự hào khi một cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội đang nắm giữ vị trí rất cao trong một doanh nghiệp về năng lượng tái tạo. Ông có thể cho biết lý do vì sao ông quyết định theo đuổi ngành “tương đối mới” tại Việt Nam này?
* Tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội, tôi được phân công tham gia xây dựng dự án Thủy điện Trị An từ những ngày đầu tiên, sau đó là các dự án Thủy điện lớn ở phía Nam.
Cách đây hơn 10 năm, nhận thấy Năng lượng tái tạo sẽ là xu thế trong tương lai gần tôi quyết định chuyển sang lĩnh vực này, dù biết những khởi đầu luôn có nhiều khó khăn, trở ngại.
– Ông đánh giá như thế nào về nhân lực ngành công nghiệp năng lượng tái tạo hiện nay? Xem trên trang web thì Công ty ông liên tục tuyển các kỹ sư, doanh nghiệp ông có “khát” nhân lực cao về năng lượng tái tạo không?
* Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về Năng lượng tái tạo và với chính sách phù hợp từ phía Chính phủ, Năng lượng tái tạo Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên một trong những trở ngại lớn đó là thiếu nguồn nhân lực am hiểu về lĩnh vực này.
Công ty chúng tôi hiện đang phát triển nhiều dự án mới, và vấn đề nguồn nhân lực luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vì trong nước chưa có nguồn nhân lực chuyên sâu nên chúng tôi phải tuyển dụng các kỹ sư có kiến thức nền phù hợp và tổ chức đào tạo thêm cả trong nước và nước ngoài.
– Cá nhân ông cảm thấy thế nào khi biết tin ngôi trường ông từng học năm 2021 có chương trình đào tạo về ngành Năng lượng tái tạo?
* Đây là thông tin vui không chỉ cho chúng tôi mà còn cho cả ngành Năng lượng tái tạo đầy sức sống của Việt Nam;
– Để có thể làm việc trong ngành năng lượng tái tạo, với con mắt của doanh nghiệp, theo ông cần chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng gì?
* Kiến thức về Năng lượng tái tạo không phải quá mới mẻ và xa lạ, tuy nhiên các dự án Năng lượng tái tạo thường ở vùng sâu, vùng xa, thậm chí ngoài khơi, nơi đầy nắng và gió. Cái cần là các bạn phải có niềm đam mê và tình yêu với thiên nhiên, với môi trường để có thể vượt qua các khó khăn về địa lý và thời tiết.
– Thường người ta cứ nghĩ làm về kỹ thuật là nam học sẽ thuận hơn. Vậy nếu các bạn nữ muốn học về Năng lượng tái tạo thì sao, thưa ông?
* Với các bạn nữ sẽ khó khăn hơn nhiều, do vậy cần lòng đam mê hơn và yêu thiên nhiên mãnh liệt hơn.
– Ông có sẵn sàng đón nhận những sinh viên ngành Năng lượng tái tạo Đại học Bách khoa Hà Nội đến thực tập không? Nếu học ngành Năng lượng tái tạo, cơ hội việc làm ở doanh nghiệp của ông và những doanh nghiệp khác là như thế nào và mức lương có hấp dẫn?
* Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bạn sinh viên, sẵn sàng tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ngành Năng lượng tái tạo. Vì Năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới nên là sẽ là cơ hội tốt cho các bạn sinh viên ngành này.
Riêng về mức lương thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có kết quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên được làm việc mình đam mê, thuận thiên nhiên, thân thiện với môi trường luôn là thu nhập lớn nhất.
– Nhiều sinh viên còn quan tâm đến cơ hội học hỏi ở nước ngoài. Ở Việt Nam, ngành Năng lượng tái tạo đang “hot”, vậy ở nước ngoài thì cơ hội việc làm ngành Năng lượng tái tạo như thế nào, thưa ông?
* Tham gia thị trường Năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện đang có nhiều công ty lớn, đa quốc gia, nếu các bạn giỏi nghề cơ hội ra nước ngoài làm việc là là rất lớn.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Năm 2021, Viện Điện – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở ngành mới là Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo (EE-E18, EE-E18x) giảng dạy bằng tiếng Anh, đón thế hệ sinh viên K66 với chỉ tiêu là 50 sinh viên.