Chuyện chưa kể về trách nhiệm cộng đồng và lòng nhân ái Bách khoa Hà Nội

0
329

“Nhiều năm làm tuyển sinh, tôi gặp những hoàn cảnh éo le, trúng tuyển Bách khoa Hà Nội nhưng không nhập học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, thậm chí bố mẹ không cho con đi học, đã đánh mất cơ hội của chính con mình. Quỹ học bổng Bách khoa sẵn sàng chắp cánh ước mơ, tạo cơ hội cho những em có hoàn cảnh khó khăn như vậy…” – PGS. Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường ĐHBK Hà Nội.

Chắp cánh ước mơ

Phạm Nhân Quyền (áo xanh) – Sinh viên K64, Viện CNTT&TT

Ngày 28/7/2019… Báo Nghệ An đăng bài viết về một học sinh trường THPT Quỳnh Lưu 1 đạt 27.35 điểm khối A có nguy cơ “lỡ hẹn” với giảng đường đại học vì nhà quá nghèo, hai mẹ con sống với nhau và em chưa bao giờ biết bố mình là ai, bản thân mẹ thì đau ốm bệnh tật, không được nhanh nhẹn. Một câu hỏi lớn được tác giả bài viết đặt ra: Với hoàn cảnh vô cùng khó khăn như thế, cánh cửa tới giảng đường Đại học Bách khoa Hà Nội để theo học ngành Công nghệ thông tin của em có bị khép lại hay không?

Chỉ một ngày sau khi bài báo được xuất bản, những băn khoăn của tác giả đã có lời giải đáp và ước mơ của cậu học sinh nghèo thích sáng tạo và lập trình máy tính đã trở thành hiện thực. Phạm Nhân Quyền – học sinh giỏi của trường THPT Quỳnh Lưu 1 giờ đã là sinh viên khóa 64 ngành Khoa học máy tính thuộc Viện CNTT&TT, Trường ĐHBK Hà Nội và đang từng bước hiện thực hóa ước mơ trở thành một kỹ sư phần mềm với mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của công nghệ phần mềm máy tính nước nhà.

“Sau khi báo đăng, em rất bất ngờ vì nhận được điện thoại từ Trường ĐHBK Hà Nội và những thông tin về học bổng hỗ trợ học tập dành cho những học sinh năm cuối THPT thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Em đã chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn và nộp trước khi nhập học. Thật may mắn là sau đó, em được nhà trường cấp học bổng với giá trị là 100% học phí”. – Quyền chia sẻ.

Chung tay chia sẻ

Ngày 15/8/2019… Đó là ngày cuối cùng trong 5 ngày nhập học của các thí sinh trúng tuyển vào ĐHBK Hà Nội. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau 17h00 ngày hôm đó, các thí sinh trúng tuyển sẽ không thể xác nhận nhập học được nữa.

Chỉ còn vài giờ trước khi hệ thống đóng lại, một nữ sinh xuất hiện ở cửa hội trường với điệu bộ tần ngần không dứt khoát, tay luôn mân mê chiếc clear bag cũ mờ nhưng vẫn nhìn rõ bộ hồ sơ nhập học bên trong. Gương mặt em cúi gằm nặng trĩu, gương mặt ấy thậm chí đã không ngẩng lên nhìn chúng tôi trong suốt cuộc nói chuyện chiều hôm đó.

Em là Lê Vân Anh, quê ở Nam Định, bố mẹ mất sớm, nhà có 2 chị em hiện ở với ông bà ngoại đã già. Em trúng tuyển ngành Kỹ thuật in thuộc Viện Kỹ thuật Hóa học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ai cũng khuyên em nên từ bỏ và lựa chọn hoặc học may, hoặc học làm giáo viên mầm non để vừa nhanh ra trường, vừa dễ kiếm tiền phụ gia đình. “Em rất thích học Bách khoa Hà Nội. Đỗ được vào trường là niềm vui và may mắn nhất đối với em. Nhưng với hoàn cảnh như thế này, chắc em sẽ không đi học được…” – Nói đến đây, giọng em nghẹn lại và mắt thì ngân ngấn nước…

“Em lại một lần nữa may mắn. Vào hôm nhập học đó, em được các thầy phòng Đào tạo, phòng Công tác sinh viên, phòng Tuyển sinh, Viện Kỹ thuật Hóa học, thầy Phụ trách Mạng lưới cựu sinh viên Bách khoa, một anh cựu sinh viên K47 Viện Điện hỗ trợ tiền nhập học và ăn ở trước mắt. Các thầy còn đề nghị cho em được ở KTX của Nhà trường không phải đóng tiền. Một ngày sau, Hội đồng hương Nghĩa Hưng (Nam Định) cũng đã quyên góp cho em gần 30 triệu đồng theo lời kêu gọi của thầy Phó Hiệu trưởng Trần Văn Tớp. Đặc biệt, em được Nhà trường hướng dẫn làm hồ sơ xét học bổng hỗ trợ học tập dành cho sinh viên nghèo. Em rất cảm động trước tình cảm và sự quan tâm mọi người dành cho em.” – Vân Anh tâm sự sau khi đã trở thành sinh viên năm thứ nhất Bách khoa Hà Nội.

Viết tiếp những câu chuyện đẹp…

Trường ĐHBK Hà Nội xây dựng Quỹ học bổng 45 tỷ đồng cho sinh viên

Trường hợp của Phạm Nhân Quyền và Lê Vân Anh chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện kết thúc có hậu nhờ những thông tin kịp thời về chính sách học bổng của trường ĐHBK Hà Nội, cũng như nhờ sự chung tay giúp đỡ của những con người Bách khoa Hà Nội với phẩm chất tương thân tương ái luôn mang trong mình. Tuy nhiên, còn không ít những ước mơ mãi mãi chỉ là ước mơ, những cánh cửa đại học mãi mãi khép lại một cách đáng tiếc chỉ vì hoàn cảnh gia đình, vì thiếu thông tin…

Học bổng hỗ trợ học tập là một trong những chính sách học bổng mới của trường ĐHBK Hà Nội hướng tới những sinh viên giỏi, tuy hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng có khát vọng học tập và vươn lên chiến thắng số phận.

Mỗi suất học bổng được trao cho các em không chỉ đơn thuần là giá trị vật chất quy đổi là 50% hay 100% học phí. Đó còn là những câu chuyện mang thông điệp về trách nhiệm đối với xã hội, đối với người học và về những giá trị nhân văn cao cả của một tập thể những con người Bách Khoa Hà Nội giàu lòng nhân ái, lan tỏa chính sách học bổng tuyệt vời tới những học sinh THPT khó khăn để các em yên tâm học tập, kiên định với ước mơ.

Mùa tuyển sinh năm nay, những câu chuyện ấm áp tình người sẽ còn được nối dài mãi ở ĐH Bách khoa Hà Nội…

Với chủ trương coi người học là trung tâm và chủ thể trong các hoạt động, từ năm học 2017 – 2018, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng chính sách học bổng mới nhằm khuyến khích tài năng và trao cơ hội học tập tới mọi sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng có nghị lực vươn lên trong học tập. Bên cạnh Học bổng tài năng dành cho những sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc, Trường dành phần lớn kinh phí của Quỹ học bổng 45 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn dưới dạng học bổng hỗ trợ học tập. Ngoài ra, sinh viên học tập tốt và nghiên cứu khoa học tích cực còn có thể nhận học bổng từ các công ty, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Lương Thu Hiền

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here