Đổi mới công tác tuyển sinh ĐH và CĐ là bước đầu tiên đảm bảo đầu vào chất lượng cho đào tạo. Vì vậy, việc lập nhóm xét tuyển để chống trúng tuyển ảo đảm bảo chất lượng tuyển sinh là giải pháp được Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường thực hiện, qua đó cũng nhằm tăng tính tự chủ của các trường ĐH trong việc tuyển sinh.
NHIỀU ĐIỂM MỚI CÓ LỢI CHO THÍ SINH
Điểm mới đầu tiên trong xét tuyển đợt 1 là thí sinh được đăng kí xét tuyển (ĐKXT) cùng với thời gian đăng ký dự thi. Thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng, số trường khi ĐKXT.
Đặc biệt, sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời hạn quy định và được xét trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh; bao gồm các thông tin về chỉ đạo điều hành tuyển sinh, cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường, hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết phục vụ cho tuyển sinh.
Quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD&ĐT quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng (NV) không hạn chế trong xét tuyển đợt 1. Danh sách NV phải được xếp theo thứ tự ưu tiên; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 NV cao nhất có thể trong danh sách.
KHI CÁC TRƯỜNG CÙNG THAM GIA NHÓM XÉT TUYỂN ĐỂ CHỐNG “ẢO”
Đối với các trường, Bộ GD&ĐT tiếp tục tạo điều kiện để các trường được tự nguyện phối hợp thành nhóm trường để thực hiện xét tuyển. Đồng thời, các trường được khai thác thông tin của trường/nhóm trường mình và của các trường/nhóm trường khác có liên quan trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để dự kiến điểm trúng tuyển, cũng như danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường/nhóm trường.
Để giảm lượng thí sinh ảo, các trường sẽ được nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh để giữ lại nguyện vọng cao nhất của thí sinh.
Trong cuộc họp ngày 8/5/2017, tại Trường ĐHBK Hà Nội giữa 41 trường ĐH khu vực miền Bắc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định, việc các trường xét tuyển theo nhóm không chỉ có lợi cho chính các trường mà còn có lợi cho thí sinh, giúp việc tuyển sinh ĐH trở nên nhẹ nhàng hơn và Bộ khuyến khích điều này. Theo Thứ trưởng, cho tới nay, vấn đề lớn nhất trong việc xét tuyển của các trường là các trường sẽ rất khó biết thí sinh trúng tuyển vào trường mình có thể trúng tuyển vào trường nào khác nữa để đưa ra điểm chuẩn chính xác.
“Phần mềm của Bộ chỉ lọc một lần dữ liệu các trường đưa lên để loại ra những thí sinh đã trúng tuyển vào nguyện vọng cao hơn. Do các trường không thảo luận được với phần mềm của Bộ nên rất khó chọn điểm chuẩn bao nhiêu cho vừa vì mỗi trường chỉ biết thí sinh đăng ký vào trường mình thôi’ – Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ. “Vì vậy, việc lập nhóm xét tuyển là rất quan trọng”.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong quy chế không quy định việc các trường phải lập nhóm xét tuyển và việc tham gia nhóm là tự nguyện. Tuy vậy, theo quy chế, Bộ cũng đã dành ra thời gian 3 ngày, từ 25-28/7 để các nhóm tổ chức xét tuyển chung trước khi chạy phần mềm xét tuyển của Bộ vào 28/7.
Theo đó, việc xét tuyển theo nhóm sẽ chạy cơ sở dữ liệu chung của tất cả các trường trong nhóm, thậm chí cơ sở dữ liệu của cả nước để đưa ra điểm chuẩn dự kiến của các trường. Sau khi việc xét tuyển theo nhóm đã xong, các trường đưa ra điểm chuẩn dự kiến sẽ gửi dữ liệu lên Bộ để Bộ tiếp tục chạy phần mềm lọc ảo một lần nữa giữa 2 nhóm Nam – Bắc và các trường ngoài nhóm.
Việc xét tuyển vẫn là do các trường chủ động, Bộ không can thiệp và nhóm xét tuyển cũng không can thiệp. Các trường tự chọn điểm chuẩn phù hợp, điều chỉnh thông số tuyển chọn phù hợp với các ngành nghề. Nhóm chỉ cung cấp thông tin để giúp các trường xác định điểm chuẩn phù hợp nhất.
Việc các trường tham gia xét tuyển theo nhóm với cơ sở dữ liệu chung sẽ giúp các trường lọc ảo tốt hơn khi lọc được những thí sinh trúng tuyển vào các trường khác trong nhóm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố ảo khác ảnh hưởng tới việc xét tuyển như thí sinh đăng ký vào các trường công an, quân đội, thí sinh tuyển thẳng, thí sinh tuyển bằng học bạ…
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, tại cuộc họp của các trường ĐH phía Nam ngày 5/5/2017 vừa qua, đây cũng là vấn đề được nhiều trường thắc mắc nhất. Tuy nhiên, các trường cũng đã đi đến thống nhất chung. Theo bà Phụng, đối với các trường hợp học sinh trúng tuyển nhưng đi du học hay tuyển thẳng thì thường rơi vào các trường ĐH tốp trên và cũng không nhiều, không ảnh hưởng quá lớn đến việc xét tuyển.
Đối với những trường tốp trên, xét tuyển theo học bạ cũng không nhiều. Tuy nhiên, Bộ sẽ làm việc để các trường này kết thúc xét tuyển theo học bạ trước khi việc xét tuyển theo nhóm bắt đầu để có thể loại thí sinh này ra khỏi dữ liệu xét tuyển chung.
Đối với các trường công an và quân đội, bà Phụng cho biết, Bộ đã làm việc để các trường thuộc 2 khối này cung cấp dữ liệu trúng tuyển cho hai nhóm để việc lọc ảo tốt hơn.
ĐẢM BẢO CƠ SỞ HẠ TẦNG CHO XÉT TUYỂN
Tại cuộc họp ngày 8/5/2017, nhiều ý kiến lo lắng rằng, năm ngoái, nhóm GX chỉ có 12 trường nhưng năm nay, hình thành nhóm trường miền Bắc với số lượng trường lên tới 40, thậm chí có thể lớn hơn thì liệu phần mềm chạy dữ liệu của Trường ĐHBK Hà Nội có thể đáp ứng được hay không.
Trao đổi về vấn đề này, PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội khẳng định, năm nay số lượng trường đông hơn năm ngoái nhưng số lượng thí sinh đăng ký thì chỉ nhiều hơn gấp đôi hoặc gấp 3 năm ngoái, vì vậy cơ sở hạ tầng hoàn toàn có thể đáp ứng được. “Năm ngoái chúng tôi định chạy trên một server riêng nhưng cuối cùng chỉ chạy trên một chiếc máy tính xách tay và mỗi lần chạy chỉ vài chục giây là xong” – PGS Hoàng Minh Sơn khẳng định.
Việc chạy phần mềm dữ liệu để đưa ra điểm chuẩn dự kiến sẽ giống như việc xét tuyển ở một trường lớn với tất cả các nguyện vọng, ngành, nhóm ngành của tất cả các trường tham gia nhóm.
Nguyên tắc của nhóm năm nay là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường tham gia, việc tham gia nhóm không ảnh hưởng gì tới quy định của từng trường, đặc biệt là thang điểm… Các trường tham gia nhóm tuyển sinh miền Bắc đều trên tinh thần tự nguyện, có cam kết bằng văn bản. Các trường trong nhóm sẽ sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 do Bộ cung cấp để thực hiện xét tuyển đợt 1. Các trường cũng sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý; thống nhất chế độ ưu tiên tuyển sinh khi thực hiện xét tuyển theo quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh 2017.
Cẩm Lệ
Ảnh: Kim Chi