Khủng hoảng chọn sai ngành: Bỏ hay theo

0
346

Có một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận là giáo dục đại học đang “siết” chất lượng đầu ra, hàng năm có đến hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng đó là sinh viên đã định hướng sai ngành học ngay từ ban đầu. Cùng lắng nghe chia sẻ của họ để hiểu thêm về tầm quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề trước mỗi mùa tuyển sinh.

“Con cái phải nghe cha mẹ!”

Mặc dù đã bước sang năm thứ 5 trên ghế giảng đường, nhưng Lê Quang Ngọc vẫn không thấy hứng thú với ngành Cơ điện tử. Ngọc cho biết, khi thi vào ĐH, em hoàn toàn không có định hướng gì cho công việc tương lai, chẳng rõ bản thân thích gì, phù hợp với ngành nào. Nối nghiệp của bố mẹ, Ngọc chọn ngành Cơ điện tử để sau này đỡ phải lo việc làm mà không biết cụ thể sẽ làm gì. Năm thứ nhất ĐH, chàng trai yêu sự phóng khoáng, bay nhảy cảm thấy chán nản với ngành kỹ thuật khô khan. Kết quả học tập mỗi ngày một giảm sút. Bước vào năm thứ 2 với cố gắng buộc mình thích ngành đã chọn, nhưng bảng điểm vẫn không khá khẩm hơn. “Đã có lúc em muốn bỏ học nhưng bạn bè động viên, em trở lại giảng đường. Suốt 4 năm qua em lay lắt học chỉ để lấy được tấm bằng ra làm việc chứ chẳng yêu thích gì”, Ngọc chia sẻ.

Giống như Ngọc, Ngô Minh Anh chọn ngành hóa học theo định hướng của gia đình, nhưng khi vào trường mới phát hiện mình không phù hợp với ngành nghề cần sự kiên nhẫn và chính xác cao như hóa học. Minh Anh bày tỏ: “Em muốn học tốt tiếng Anh để xin học bổng du học nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt. Mẹ kể ra tương lai mịt mù khi em làm trái lời. Họ hàng cũng cho rằng em ngốc nghếch khi muốn bỏ ngành học “truyền thống” của gia đình để theo đuổi những thứ viển vông. Cuối cùng mẹ em chốt một câu – Con cái phải nghe cha mẹ”.

Mình rất thích ngành Công nghệ Nano, trước kỳ tuyển sinh khá lâu em đã dành thời gian để tìm hiểu về ngành học mới mẻ này, càng tìm hiểu mình càng thấy yêu thích bởi vậy, sau khi thi THPT Quốc gia xong, mình đã sẵn sàng để đăng ký xét tuyển vào Trường ĐHBK Hà Nội. Nhưng lại nhận được “lệnh” của cha mẹ là phải học ngành luật vì đó là lựa chọn của cả gia đình. Em đã phản đối rất quyết liệt nhưng cuối cùng vẫn phải cầm bút đăng ký ngành Luật của Đại học Luật Hà Nội.

Đến nay, sau khi đã học đến năm thứ 3 nhưng em vẫn không thể yêu được ngành đang theo học. Mỗi khi nhìn thấy bạn bè đang học ở Bách khoa khoe ảnh là lại cảm thấy ghen tỵ. Đó cũng là lý do vì sao mà kết quả học tập của em năm nào cũng thấp”.

Cứ mỗi mùa tuyển sinh, nghĩ về quãng thời gian hoang mang lựa chọn ngành học cách đây 12 năm, Nguyễn Khánh Phương – cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học tiếc nuối: “Mình không chọn ngành Công nghệ sinh học mà đây là lựa chọn của bố mẹ mình, vì bản tính của mình hay mơ mộng và thích ca hát nên mình muốn học Nhạc viện Âm nhạc quốc gia nhưng không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Và mình đành ngậm ngùi học ngành mà mình không yêu thích.

Hiện tại công việc của mình không liên quan đến lĩnh vực được học, nên thời điểm con trai đăng ký xét tuyển đại học, mình đã để con tự lựa chọn với đam mê và sở thích của con”.

Chán nản do học ngành “dự phòng”

Phạm Văn Thành – Cựu sinh viên ngành Toán tin thừa nhận: “Khi đăng ký dự thi, mình muốn học ngành công nghệ thông tin nên đăng ký vào nhóm ngành này. Sau một năm học, nhận kết quả phân ngành, mình đã cảm thấy rất chán nản vì đã không được học ngành mong muốn. Cũng từ đó, mỗi giờ lên lớp đối với em là cả một giờ ám ảnh, bởi tâm lý đã không thích nên mình không tìm thấy niềm vui và hứng thú trong học tập. Năm học thứ hai trôi đi trong âm thầm và kết quả học tập bết bát. Sau khi suy nghĩ và nhận được sự động viên từ bạn bè gia đình, mình đã quyết tâm bảo lưu kết quả để ôn thi lại từ đầu và lần này lựa chọn chính xác của mình là ngành Khoa học máy tính của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông”. “Khi đăng ký nguyện vọng bổ sung vào ngành Kinh tế năng lượng, mình thật sự không biết cụ thể ngành học đó là ngành gì. Mình chỉ nghĩ ngành Kinh tế nào cũng giống nhau nên đăng ký đại… nhưng đến khi vào học mới biết không phải thế. Chính vì vậy mình cảm thấy hơi “sốc”, trong khi các bạn rất hào hứng tham gia nghiên cứu khoa học, các câu lạc bộ chuyên ngành thì mình lại không hào hứng chút nào, mình nghĩ đây không phải ngành học và định hướng nghề nghiệp muốn hướng tới trong tương lai. Trần Văn Quang – sinh viên ngành Kinh tế năng lượng chia sẻ. Mặc dù có học lực khá, nhưng Nguyễn Thành Trung lại không đỗ vào nguyện vọng 1 là ngành Tự động hóa của Trường ĐHBK Hà Nội nên đành ngậm ngùi học ngành Cơ khí của một trường đại học khác. Mặc dù đã học đến năm thứ tư nhưng Trung vẫn quyết tâm thi lại vào ngành Tự động hóa của Bách khoa Hà Nội với quyết tâm: “Ai cũng chỉ sống trên cuộc đời có một lần, nên phải sống cho sao thật ý nghĩa. Suốt bốn năm qua, em cảm thất thật lãng phí tiền bạc và công sức để theo đuổi một thứ không thuộc về mình. Nên mặc dù chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp nhưng em vẫn quyết định đi theo niềm đam mê của mình”.

Không tìm được sự định hướng từ ai, cũng chẳng xác định được đam mê nên Nguyễn Thanh Vân đã đăng ký khá nhiều nguyện vọng trong kì đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017. May mắn đã mỉm cười khi Vân đỗ ngay nguyện vọng đầu, tuy nhiên sau khi nhập học được gần hết một học kì, Vân phát hiện mình không có chút ấn tượng và hào hứng gì về những ngày tháng cắp sách lên giảng đường: “Em không phù hợp với ngành học hiện tại. Em đã mất gần nửa năm rồi nên muốn định hướng lại tương lai để không phải hối hận”.

Nhiều năm gần đây, nằm trong khuôn khổ Ngày hội tư vấn hướng nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Tuổi trẻ tổ chức, ĐHBK Hà Nội đã tổ chức chương trình Bách Khoa OpenDay nhằm giúp các em phát hiện đam mê, định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, “Một ngày là sinh viên Bách khoa” là hoạt động tiếp theo hướng tới các em học sinh có định hướng hiện thực hóa ước mơ tại ĐHBK Hà Nội Đây là một trong những hoạt động trải nghiệm bổ ích và thú vị cho các em học sinh trước mỗi mùa tuyển sinh nhiều chọn lựa.

SÁNG NGUYỄN
ẢNH: CCPR

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here