Hiệu trưởng trường Đại học Rostock (Đức) thăm Bách khoa Hà Nội và dự án RoHan

0
715
Ngày 23 tháng 9 vừa qua, GS. Wolfgang Schareck – Hiệu trưởng Đại học Rostock cùng đoàn trường đã có chuyến thăm và làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội – nơi triển khai dự án RoHan về đào tạo sau đại học “Xúc tác – chìa khóa hướng tới phát triển nguồn tài nguyên bền vững”. Đây là hợp tác giữa bốn bên: Trường Đại học Rostock, Đại học Bách khoa Hà Nội, LIKAT và ĐHQG Hà Nội, được Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Bộ hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Rostock bắt đầu quan hệ hợp tác từ năm 2016, khi bắt đầu triển khai dự án RoHan giai đoạn 1. Dự án nhằm mục đích trao đổi, nâng cao kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn giữa các cán bộ, sinh viên của các trường đại học đối tác, trong đó, ĐH Rostock là đơn vị chủ trì dự án, Đại học Bách khoa Hà Nội là đối tác chính và Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là đối tác phối hợp.

Giai đoạn 1 từ năm 10/2016-12/2020 với tổng kinh phí tài trợ gần 2,5 triệu Euro. Đơn vị thụ hưởng chính của dự án RoHan tại Đại học Bách khoa Hà Nội là Viện Kỹ thuật Hóa học với người phụ trách chính là của GS. Lê Minh Thắng, giảng viên cao cấp của Viện.

Theo báo cáo tổng kết dự án của GS. Thắng, giai đoạn 1 đã đạt được những mục tiêu: Trao đổi học viên cao học, nghiên cứu sinh, nghiên cứu sau tiến sĩ và giáo sư giữa các trường đại học đối tác và một số trường trong khu vực châu Á, tổ chức và tham gia các hội thảo khoa học quốc tế, các khóa học ngắn (khóa học mùa hè, chuyên đề cho sinh viên sau đại học) trong lĩnh vực xúc tác hóa học và môi trường; đầu tư trang thiết bị nghiên cứu để thực hiện nghiên cứu tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội (tổng đầu tư trang thiết bị trị giá khoảng 620.000 Euro); đào tạo 9 thạc sĩ, 7 nghiên cứu sinh cho Đại học Bách khoa Hà Nội, khoảng trên 10 cán bộ Bách khoa Hà Nội sang trao đổi, hợp tác nghiên cứu tại ĐH Rostock, xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ Hóa học song bằng giữa Đại học bách khoa Hà Nội và trường Đại học Rostock.

Giai đoạn 2 của Dự án RoHan từ năm 2021-2025 với mức tài trợ tương đương giai đoạn 1, đã phát huy tốt những kết quả gặt hái được trong giai đoạn 1, góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Bách khoa Hà Nội và ĐH Rostock.

Lê Minh Thắng (trái), Viện Kỹ thuật Hóa học, giới thiệu phòng thí nghiệm RoHan cho GS. Wolfgang D. Schareck, Hiệu trưởng Đại học Rostock ngày 23/9. Ảnh: Duy Thành

Cụ thể, các trường đại học đối tác sẽ tiếp tục hoạt động trao đổi học viên cao học, nghiên cứu sinh, … và tăng cường trao đổi sinh viên sau đại học từ một số trường trong khu vực châu Á tới trường đại học Bách khoa Hà Nội, tổ chức và tham gia các hội thảo khoa học quốc tế, tổ chức các khóa học ngắn trong lĩnh vực xúc tác hóa học và môi trường.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu tập trung thúc đẩy sự phát triển của phòng thí nghiệm RoHan đã được đầu tư trong giai đoạn 1 thành trung tâm xúc tác Việt Đức (GeViCat Centre). Đây sẽ là nơi để đào tạo các nghiên cứu sinh, Thạc sĩ của chương trình RoHan, nơi nghiên cứu của các sinh viên sau đại học từ Đức và các nước trong khu vực châu Á, các trường đại học tại Việt Nam, các đơn vị khác của trường Đại học Bách khoa Hà Nội đến trao đổi, hợp tác nghiên cứu.

Với trọng tâm này, dự án kỳ vọng sau khi giai đoạn 2 kết thúc, GeViCat Centre sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu quốc tế độc lập, thu hút cán bộ khoa học trong và ngoài nước đến trao đổi hợp tác.

Một điểm nhấn nữa của dự án là thúc đẩy sự phát triển của chương trình Song bằng Thạc sĩ Hóa học giữa Đại học Rostock và Đại học Bách khoa Hà Nội, đã được ký kết cuối giai đoạn 1, để phát triển thành một chương trình thường xuyên và liên tục giữa hai trường, ngay cả sau khi dự án RoHan kết thúc. Chương trình đào tạo 2 năm, với năm đầu tiên học các môn học lý thuyết tại trường đại học Bách khoa Hà Nội, năm thứ hai chủ yếu là làm nghiên cứu thạc sỹ và bảo vệ luận án tại đại học Rostock. Hiện nay, dự án RoHan cấp một số học bổng cho năm học thứ 2 tại Rostock.

Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Bách khoa Hà Nội và lãnh đạo ĐH Rostock ngày 23/9. Ảnh: Duy Thành

Tới thăm Đại học Bách khoa Hà Nội và trao đổi với lãnh đạo Trường về quan hệ hợp tác giữa hai trường và việc phát triển dự án RoHan, GS. Wolfgang D. Schareck, Hiệu trưởng Đại học Rostock đã đề cao sự ủng hộ và hợp tác của trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc phát triển các hoạt động hợp tác giữa hai trường, đặc biệt là chương trình Thạc sĩ song bằng hóa học, và đánh giá cao nỗ lực của nhóm thực hiện dự án RoHan với nhiều thành quả đã đạt được trong 2 giai đoạn dự án.

Tham quan phòng thí nghiệm RoHan và gặp gỡ các học viên, nghiên cứu sinh của Dự án tại Bách khoa Hà Nội, GS. Wolfgang D. Schareck nói: “Các bạn là những tinh hoa đang học tập và làm việc với những thiết bị hiện đại, có những thiết bị là đầu tiên và duy nhất có tại Việt Nam. Chúc các bạn làm việc hiệu quả và thành công”.

Trao đổi với GS. Lê Minh Thắng, chị cho biết: “Hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và ĐH Rostock là hợp tác toàn diện và lâu dài, không chỉ trong khuôn khổ Dự án RoHan mà còn trong đào tạo và nghiên cứu”.

Trong năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội đã gửi sang ĐH Rostock 1 Thạc sĩ, 3 nghiên cứu sinh, 1 nghiên cứu sau tiến sĩ, 3 học viên Thạc sĩ của chương trình Song bằng. Dự án RoHan cũng đã cấp học bổng cho 2 nghiên cứu sinh, 2 nghiên cứu sau tiến sĩ, 1 Thạc sĩ của Đại học Bách khoa Hà Nội làm việc tại GeViCat, 2 học bổng nghiên cứu độc lập để thực hiện nghiên cứu khởi đầu cho các cán bộ của Trường là cựu sinh viên của RoHan.

Dự án cũng tiếp tục tài trợ các trang thiết bị mới cho Bách khoa Hà Nội. Cán bộ của ĐH Rostock và LIKAT tham gia giảng dạy một số nội dung cho học viên Thạc sĩ và sinh viên chương trình Kỹ thuật hóa học (môn Hóa học bền vững và Động học xúc tác).

Wolfgang D. Schareck trò chuyện cùng học viên của Dự án RoHan tại Bách khoa Hà Nội ngày 23/9. Ảnh: Duy Thành

Nguyễn Ngọc Mai, cán bộ giảng dạy bộ môn Máy hóa, Viện Kỹ thuật Hóa học, là một trong 3 cán bộ của Bách khoa Hà Nội nhận được học bổng tiến sỹ của Dự án trong giai đoạn 1. Kết thúc 3 năm học tập tại ĐH Rostock, TS. Mai trở về Việt Nam, tiếp tục giảng dạy và làm trợ lý cho Dự án RoHan giai đoạn 2.

Chị Mai chia sẻ: “Dự án RoHan đã cho tôi cơ hội học tập tại nước ngoài, mở ra định hướng nghiên cứu mới để khi quay về Việt Nam, tôi có thể tiếp tục phát triển theo định hướng đó với sự giúp đỡ của các thầy bên ĐH Rostock”.

Trong năm 2022, dự án đã gửi sang ĐH Rostock 2 nghiên cứu sinh, cấp học bổng nghiên cứu độc lập cho 3 nghiên cứu sau tiến sĩ và 1 nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu tại lab GeViCat, cấp học bổng cho 3 Thạc sĩ để chuẩn bị cho nghiên cứu trước khi sang ĐH Rostock 6 tháng, 1 nghiên cứu sau tiến sĩ nhận học bổng của dự án để tiếp tục làm việc tại đại học Rostock; đón 1 nghiên cứu sinh Đức của đại học Rostock sang làm việc tại GeViCat trong hai tháng; 3 sinh viên tham gia chương trình Song bằng đã bảo vệ trong tháng 9/2022 và chuẩn bị nhận bằng.

Lê Thị Hải Yến, cựu sinh viên K55 ngành Kỹ thuật Hóa học, Viện Kỹ thuật Hóa học, hiện là nghiên cứu sinh toàn thời gian của Dự án RoHan tại đại học Bách khoa Hà Nội, cảm thấy vui mừng khi có thể chuyên tâm nghiên cứu không phải lo lắng về tài chính. Không những được hỗ trợ toàn bộ vật tư, trang thiết bị nghiên cứu, chị còn được nhận học bổng 500 Euro mỗi tháng từ Dự án.

“Tôi được làm việc tại phòng lab với những thiết bị duy nhất có tại Đại học Bách khoa Hà Nội”, chị Yến khẳng định.

Môi trường làm việc cũng rất ổn, cơ sở vật chất tốt, vị trí đẹp, máy móc hiện đại giúp các nghiên cứu sinh kiểm tra tính chất của sản phẩm mình làm ra mà không cần gửi mẫu đi nơi khác. Điều này giúp tối ưu hóa thời gian, tăng hiệu suất làm việc của các nhà khoa học.

Một điều thú vị dành cho các sinh viên trao đổi từ Đức sang Bách khoa Hà Nội là: Các bạn có thể trực tiếp vận hành thiết bị đo các chất, thực hiện nhiều điểm đo và kiểm tra kết quả đo tại chỗ, trong khi ở Đức, người vận hành máy là các chuyên gia, sinh viên chỉ được gửi và nhận kết quả.

Hạ San

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here