Trong câu chuyện nghề của TS. Nguyễn Công Tú, sinh viên Bách khoa Hà Nội là nhân vật chính, là nguồn cảm hứng để anh thêm yêu và tâm huyết với nghề giáo. Và những mong ước năm mới của anh cũng hướng đến sinh viên. Đích đến cuối cùng là để có được những đồng nghiệp tài giỏi/những người thay thế vị trí các thầy cô, chuyên gia trong tương lai!
TS. Nguyễn Công Tú chia sẻ: “Tôi có niềm vui đặc biệt khi ngắm nhìn các tân sinh viên háo hức nhập trường, cảm nhận sức trẻ và hi vọng của các sinh viên, tôi lại thấy thêm đam mê hơn với nghề giáo, thấy bóng dáng của chính mình thời ngây ngô năm nhất Bách khoa!
Một vấn đề chung của các sinh viên năm thứ nhất là các em thường bị mất phương hướng ngay khi bước vào môi trường mới với cách thức học tập mới.
Trước đây, khi mới chập chững vào ĐHBK Hà Nội, tôi đã được các thầy và anh chị khóa trên giúp định hình mục tiêu rõ ràng và dài hơi. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi hy vọng các bài giảng và những câu chuyện của tôi có thể giúp các sinh viên định hình được một mục tiêu rõ ràng cho việc học, từ đó có động lực vượt qua những áp lực, làm nền tảng vững
chắc cho những thành công sau này.
Thật vui mừng khi năm 2019 đã có nhiều sinh viên có kết quả học tập tốt lựa chọn ngành Vật lý Kỹ thuật. Vậy là ngày càng có thêm nhiều người biết và lựa chọn ngành học này. Có được các sinh viên chất lượng, giống như nhìn thấy những đồng nghiệp tài giỏi/những người
thay thế vị trí của mình trong tương lai vậy! Niềm vui khi được làm việc với các sinh viên giỏi, nhanh nhẹn cho tôi thêm cảm hứng, cảm thấy có trách nhiệm hơn với nghề giảng dạy nói chung và với ngành Vật lý Kỹ thuật nói riêng.
TS. NGUYỄN CÔNG TÚ – Phó Trưởng Bộ môn Vật liệu điện tử, Viện Vật lý Kỹ thuật
Trước thềm năm mới, tôi đặt ra một số dự định nho nhỏ, như tiếp tục mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu để học hỏi, nâng tầm của nhóm và phát triển các hướng nghiên cứu đa ngành mới. Tôi cũng hi vọng có nhiều thời gian để đọc, học hỏi, rèn luyện kĩ năng sư phạm cũng như làm mới bản thân, nâng cao hiệu quả bài giảng. Các sinh viên bây giờ nhanh nhẹn lắm, nếu không liên tục cập nhật cũng như bắt kịp “trend” của giới trẻ thì khó hòa đồng và sẽ làm giảm hiệu quả của bài giảng.
Bên cạnh đó, một điều mà năm nào tôi cũng ước đó là tuyển được các sinh viên thực sự máu lửa, nghiêm túc và không ngại khổ vào nhóm hoạt động do tôi trực tiếp quản lý – đọc sách, nghiên cứu khoa học, nuôi Pi. Nhóm của tôi có quy định cứ mỗi lần đến muộn, không
hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị phạt một khoản nhỏ và nộp vào Pi. Cuối học kỳ nhóm sẽ “mổ” Pi đi liên hoan.
Với các sinh viên, tôi mong Tết này các em có thêm thời gian dành cho gia đình và cho riêng mình. Đặc biệt là thời gian để dừng lại, nghĩ về những mục tiêu xa hơn 5 năm đại học. Khi có mục tiêu rồi, các sinh viên sẽ làm việc (học, tham gia nghiên cứu) có trách nhiệm hơn; đặc biệt sẽ thấy được lửa trong cách học và làm.
Tôi mong năm mới, Viện có thêm nhiều máy móc hiện đại để các sinh viên làm thí nghiệm; có thêm nhiều thiết bị để các thầy cô phát triển các hướng nghiên cứu mới mang tính liên ngành hơn; có thêm nhiều hợp tác với các công ty để vừa nắm bắt nhu cầu của người sử dụng lao động vừa tăng cường cơ hội việc làm chất lượng cao cho các sinh viên; mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu; Đặc biệt sẽ tuyển được nhiều sinh viên giỏi để phát triển ngành nghề và nâng cao hơn nữa vị thế của ngành”.
Tuấn Phong (ghi)
Ảnh: Kim Chi