Nghe đến học Cơ khí Bách khoa Hà Nội, ai cũng nghĩ đến lớp học toàn nam, làm bạn với máy móc. Nhưng khóa K61 lại là một ngoại lệ khi có nữ sinh xinh đẹp, liễu yếu đào tơ Nguyễn Phương Linh theo học. Năm 2021, Linh đã tốt nghiệp sớm với tấm bằng xuất sắc, khiến các nam sinh trong toàn trường ngả mũ thán phục.
Yêu Bách khoa từ cân nhắc… học phí
Không muốn nói nhiều về hoàn cảnh gia đình, Linh chỉ đơn giản kể lúc chọn lựa trường đại học, cô muốn tìm một trường nào được miễn giảm học phí để đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình. Qua tìm hiểu, thấy học phí của Bách khoa khá phù hợp, đặc biệt nếu học giỏi sẽ có nhiều học bổng hỗ trợ, cơ hội việc làm cao… nên Linh quyết định thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. “Không học ngành mình thích em sẽ thích ngành mình học. Tình yêu Bách khoa của em bắt đầu như thế.”
Băn khoăn giữa hai ngành khá “hot” là Cơ điện tử và Công nghệ thực phẩm – Một ngành thì toàn các nam sinh và một ngành toàn nữ sinh, Linh đã chọn cả 2 nguyện vọng, “ưu tiên” Cơ điện tử đặt trước. Linh nhớ nhất hồi nhập học, có anh chị khoá trên thấy cô đã rất ngạc nhiên rồi dặn dò: “Học ngành này mà là con gái thì khó khăn lắm, em phải cố lên!”.
1 năm đầu học đại cương, cô học trò từng đạt giải Nhì môn Toán cấp Tỉnh chưa gặp nhiều khó khăn lắm, tuy nhiên khi bước sang năm 2, học các môn về Kỹ thuật như Đồ hoạ, Sức bền, Cơ học, điện, … Linh đã hiểu lời các anh chị nói. Những môn này đã khiến bao sinh viên chật vật, và Linh cũng không ngoại lệ. Cô gái tự nhủ phải chăm chỉ và đầu tư học hơn nữa. Những môn học với máy móc, không chỉ cần chăm chỉ tìm hiểu học hỏi, cần có cả sức khoẻ nữa, nên Linh cũng cố gắng để không thua kém các bạn nam.
Ngoài những giờ lên lớp, Linh còn cố gắng thu xếp thời gian để đi làm thêm trang trải chi phí trong cuộc sống. Chính vì vậy, em chỉ có thể dự lớp và ôn tập ở nhà, không tham gia sáng chế, nghiên cứu khoa học được nhiều. Đó là điều khiến Linh tiếc nhất khi học ở Bách khoa.
“Ngôi nhà” IMS Lab
“Với tôi, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một ngôi trường hoàn hảo. Chương trình học tập được đầu tư bài bản, các thầy cô có chuyên môn và tận tâm. Đặc biệt ở Bách khoa học thật thi thật, cơ hội học bổng cao, sinh viên được hỗ trợ, chăm sóc về tinh thần. Các em nên chọn Bách Khoa để theo học, và nên dành thời gian tham gia nghiên cứu sáng tạo vì trường chúng ta tổ chức rất nhiều cuộc thi để cho các em thể hiện!” – Nguyễn Phương Linh.
Linh cho rằng bước ngoặt giúp quãng thời gian học ở Bách khoa có ý nghĩa chính là được gặp các thầy cô giáo tận tụy, nhiệt tâm. Khi làm đồ án tốt nghiệp, Linh được cô Phùng Xuân Lan – nữ tiến sỹ của bộ môn Công nghệ chế tạo máy, Viện Cơ khí dìu dắt, hướng dẫn. Linh được tham gia vào dự án cùng cô Lan và các bạn, chế tạo ra máy in 3D sinh học.
Linh được giao nhiệm vụ nghiên cứu và vận hành đầu in dùng bột sinh học, sau này tương lai sẽ được ứng dụng để in ra các mô cơ quan của con người. IMS Lab là ngôi nhà đầu tiên và duy nhất của Linh trong quãng thời gian là sinh viên, cô Phùng Xuân Lan, thầy Nguyễn Kiên Trung cùng các bạn học rất tận tình giúp đỡ Linh khi tham gia tại Lab.
Học ở lớp toàn nam, Linh rất chăm chỉ đi học, bởi nếu nghỉ là các thầy cô nhận ra ngay! Cô quan niệm “học thầy không tày học bạn”, Linh có một nhóm bạn cùng nhau học, thi đua với nhau và giúp đỡ nhau. Gần đến ngày thi, cả nhóm cùng hệ thống kiến thức lại thành đề cương để ôn thi.Linh rất tự hào vì các bạn của cô đều rất giỏi, có cả những bạn đã tham gia nghiên cứu khoa học, chuẩn bị theo học thạc sỹ…
Là nữ sinh duy nhất của khóa K61, các bạn nam rất “bình đẳng” xem cô như… con trai! Chỉ có ngày 20/10 hay 8/3, Linh mới được tôn vinh như công chúa, được tặng hoa, quà và nhận ngàn lời chúc có cánh! Lớp của cô khi đi đá bóng thì rất “vênh” vì có bạn nữ trong lớp đi cổ vũ – Điều quý hiếm với các nam sinh Viện Cơ khí!
Linh kể đôi lúc các bạn nam trong lớp cũng bị “oan”! Khi lớp ồn, các thầy/cô hay “mắng yêu”: “Các anh nam mà nói chuyện nhiều nhỉ!” trong khi Linh cũng đang ngồi giữa các bạn nam, tích cực “góp mồm” trong cuộc “buôn”!
Với Linh, được học ở Bách khoa, có những người bạn hồn nhiên, tốt bụng, được gặp những thầy cô giáo quan tâm, coi sinh viên như con… đã khiến tuổi thanh xuân của cô trở nên lấp lánh, hoàn hảo.
Ngày đi làm ở Bắc Ninh, tối về Hà Nội học, A+ đồ án tốt nghiệp!
Hiện sau khi tốt nghiệp, Linh đang làm tại Samsung Electronics Thái Nguyên SEVT.
Linh cho biết cô nộp hồ sơ xin việc vào SEVT từ tháng 11/2020. Trước đó, cô đã có thời gian thực tập tại Samsung Display Vietnam. Trải qua các vòng loại hồ sơ, thi GSAT, phỏng vấn, khám sức khoẻ, cuối tháng 1/2021, Linh được tuyển làm nhân viên chính thức ở đây.
Vất vả nhất chính là lúc mới đi làm được 1 tuần thì cô tham gia bảo vệ đồ án, những ngày đó ban ngày Linh đi làm tận Bắc Ninh, tối lại về Hà Nội chuẩn bị bài vở để có đồ án tốt nghiệp tốt nhất. Cô gái làm việc không ngừng nghỉ, tập trung cao độ cho học tập. Và kết quả không làm Linh thất vọng, cô đã được A+ Đồ án tốt nghiệp!
Linh nói rằng tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc đến với cô khá bất ngờ. Bởi khi đi xin việc, cô vẫn chỉ ghi vào hồ sơ là CPA 3.58. May mắn là kì cuối, nhờ cố gắng mà Linh đã lên được CPA 3.61. Biết tin, cô gọi điện ngay báo cho gia đình. Cả nhà ai cũng vui và xúc động.
Linh và các bạn mong dịch Covid sẽ được kiểm soát để sớm có một lễ tốt nghiệp đáng nhớ, chia sẻ niềm vui với người thân trong gia đình.
Bảng vàng học bổng của Nguyễn Phương Linh
LienVietPostBank khen thưởng điểm thi đại học 26.7
Học bổng Nguyễn Thái Bình Vườn ươm nhân tài LVPB năm 2016, 2017, 2018
Học bổng khuyến khích học tập loại 3 kỳ 20161
Học bổng khuyến khích tài năng toàn phần năm học 2017 – 2018
Học bổng của Tổng Công ty Thép Việt Nam Vietnamsteel năm 2018 – 2019
Học bổng Toyota năm 2019, 2020
Học bổng tài năng năm học 2019 – 2020
Học bổng khuyến khích học tập loại B kỳ 20192
Gia Hân. Ảnh: NVCC