Trường Điện – Điện tử: Kết hợp tạo bản sắc  

0
1881

Năm 2021, Trường Điện – Điện tử được thành lập trên cơ sở tổ chức lại hai viện đào tạo và một viện nghiên cứu (Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông; Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng) theo Đề án chuyển đổi mô hình của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cuộc trao đổi với PGS. Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Điện – Điện tử, diễn ra trong một buổi sáng cuối năm, đúng vào ngày thành lập Công đoàn Trường, cũng là những bước đầu trong quá trình ổn định cơ cấu tổ chức. Trong buổi nói chuyện với Đặc san Bách khoa Hà Nội, ông chia sẻ những trăn trở và cả những hi vọng về một tập thể với bản sắc riêng. 

 

Tìm bản sắc để định vị và phát triển 

“Tâm lý chung là khi mọi thứ chạy ổn định, không ai muốn thay đổi cả”, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử mở đầu cuộc trò chuyện khi được hỏi về những cơ hội và thách thức sau khi Trường được thành lập. Theo ông, mỗi đơn vị đều có văn hóa và nguyên tắc riêng, vậy nên khi sáp nhập cần sự hòa hợp, thống nhất và đồng lòng để hướng tới mục tiêu chung. 

“Mọi người cần nhìn thấy lợi ích chung sau khi sáp nhập và phải tự thích nghi mình trong môi trường mới. Chúng tôi cần phải tìm được bản sắc để có thể định vị mình và phát triển”, PGS. Nguyễn Hữu Thanh thẳng thắn chia sẻ. 

Ông cho rằng một trong những lợi thế của Trường Điện – Điện tử là các lĩnh vực có thể bổ trợ cho nhau. Chính sự phối hợp chặt chẽ trong nội bộ Trường sẽ phát huy được điểm mạnh của từng cá nhân. 

Về đào tạo, các nhóm chuyên môn thay thế cho bộ môn được quy hoạch lại với sự tham gia của chuyên gia là cán bộ từ cả ba đơn vị sáp nhập, đảm bảo tính cơ hữu của quá trình. 

Về nghiên cứu, Trường Điện – Điện tử định nghĩa lại 16 lĩnh vực mũi nhọn, trên cơ sở đó thành lập 16 phòng thí nghiệm nghiên cứu “mở” cho tất cả các cán bộ trong Trường, với mong muốn tập trung nguồn nhân lực nghiên cứu mạnh. 

Với lĩnh vực trải rộng, Trường cũng có nhiều cơ hội hợp tác với các ngành khác, đặc biệt là khi điện và điện tử có nhiều điểm giao thoa với cơ khí và công nghệ thông tin, đều là những lĩnh vực “nóng” hiện nay. Bước đi này của Trường Điện – Điện tử cũng phù hợp với xu hướng tiếp cận liên – đa ngành trong đào tạo và nghiên cứu. 

Năm 2021, Viện Điện tử – Viễn thông và Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA), nay đều thuộc Trường Điện – Điện tử, đã kết hợp để cho ra đời chương trình đào tạo “Truyền thông số và Kỹ thuật đa phương tiện”. Năm đầu nhưng chương trình có điểm chuẩn tương đối cao, thu hút sự quan tâm của xã hội. Năm 2022, Trường Điện – Điện Tử tiếp tục hợp tác với Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, dự định mở chương trình đào tạo mới về Kỹ thuật y sinh. Đây là một ngành học rất có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 những năm gần đây dẫn đến những yêu cầu về sự tiến bộ trong công nghệ sinh học và y tế. Việc xây dựng chương trình được đánh giá đang diễn ra thuận lợi. 

Theo bảng xếp hạng đại học uy tín QS (Anh), kỹ thuật Điện – Điện tử của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang xếp số một trong các trường đại học tại Việt Nam và thứ 401-450 trường đại học tốt nhất thế giới. 

“Cơ hội mở ra rất lớn! Với sự đồng lòng và kết nối chặt chẽ, tôi tin rằng Trường Điện – Điện tử sẽ là một đơn vị mạnh của Bách khoa Hà Nội”, PGS. Nguyễn Hữu Thanh khẳng định. 

 

Luôn đứng về quyền lợi của sinh viên 

Với sự phát triển của công nghệ, “chương trình đào tạo sẽ phải thay đổi phù hợp với xu hướng chung”, PGS. Nguyễn Hữu Thanh nhận định. 

Các chương trình đào tạo của Trường Điện – Điện tử đang được quy hoạch theo các định hướng về tự động hóa thông minh, năng lượng tái tạo, đa phương tiện, IoT (Internet vạn vật) hay nhúng thông minh… Việc quy hoạch lại chương trình đào tạo cùng sự ra đời của các chương trình liên ngành hấp dẫn sẽ đáp ứng nhu cầu của người học, xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận ngành học chuyên sâu hơn.  

Sắp tới, 10 phòng thí nghiệm đào tạo và 7 phòng thí nghiệm nghiên cứu của Trường sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là cơ sở vật chất được đầu tư bởi dự án SAHEP (Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học) của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư dự án là 50 triệu đô. Các phòng thí nghiệm này bao phủ 48 môn học với hơn 100 bài thí nghiệm và hứa hẹn sẽ nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị với tỉ lệ tiến sĩ chiếm hơn 87% cán bộ giảng dạy. 

“Nhìn chung, Điện – Điện tử là lĩnh vực rất hấp dẫn của thị trường nhân sự hiện nay,” – PGS. Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ góc nhìn về thị trường việc làm – “từ trước khi ra trường, nhiều sinh viên khối ngành Điện – Điện tử đã có cơ hội thực tập hay sự chào mời của các công ty”.   

Nhà trường thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp để đảm bảo vị trí công việc phù hợp nhất với kinh nghiệm, kỹ năng và ngành học của sinh viên. “Thầy cô luôn đứng về quyền lợi của sinh viên”, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử nói. 

 

Rất nhiều công việc, rất nhiều hi vọng 

Chỉ trong năm 2021, gần 17 tỉ đồng được đầu tư vào nghiên cứu khoa học của Trường với 9 dự án lớn cấp nhà nước và hợp tác doanh nghiệp. “Nguồn vốn đổ vào các dự án nghiên cứu của Trường Điện – Điện tử trong năm vừa qua tăng mạnh”, Hiệu trưởng Trường cho biết. 

Các dự án này thu hút nguồn đầu tư đa dạng, từ các dự án cấp nhà nước, dự án với quỹ đầu tư doanh nghiệp đến các dự án hợp tác cùng các doanh nghiệp trong, ngoài nước… và đều sử dụng công nghệ mới với tính ứng dụng thực tiễn cao. 

Trong thời gian tới, Trường sẽ thành lập Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ Điện – Điện tử. Đây sẽ là đơn vị hỗ trợ các nhà khoa học trong việc xúc tiến các hợp tác về khoa học công nghệ và thực hiện các thủ tục hành chính cho các đề tài, dự án nghiên cứu và chuyển giao.  

“Mỗi phòng thí nghiệm nghiên cứu cũng sẽ là một thực thể mạnh, song hành cùng Trường trong việc kết nối với các đối tác”, PGS. Nguyễn Hữu Thanh cho biết thêm về kế hoạch phát triển nghiên cứu của Trường Điện – Điện tử.  

“Sau khi tập trung cán bộ nghiên cứu từ các đơn vị, tôi hi vọng chúng tôi sẽ cùng giải quyết được những vấn đề lớn hơn của xã hội”.

PGS. Nguyễn Hữu Thanh 

Chia sẻ về kỳ vọng đầu xuân Nhâm Dần, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử tin tưởng, “Trường Điện – Điện tử sẽ hoàn thành chuyển đổi thành công, trước hết là đi vào hoạt động ổn định, sau là tiếp tục các bước phát triển. Rất nhiều công việc, nhưng cũng rất nhiều hi vọng”. 

Thu Hà

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here