Mỗi người đều có quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Có người cho rằng, hạnh phúc là có thật nhiều tiền; Có người lại nghĩ, hạnh phúc là tự do; Cũng có người định nghĩa, hạnh phúc là sáng có một công việc để đi làm, chiều có một nơi để về… Với cán bộ tuyển sinh chúng tôi – những “người bán hàng đặc biệt”, hạnh phúc với công việc có lẽ là làm cho phụ huynh và học sinh – những “khách hàng đặc biệt” của mình cảm thấy hài lòng, vui vẻ, hạnh phúc.
Câu chuyện về lời hứa
Một buổi chiều, dòng tin nhắn được gửi tới điện thoại của tôi với nội dung ngắn gọn: “Em được nhận học bổng đợt 1 rồi cô ạ. Em cảm ơn cô lắm. Em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa ạ.” Đọc xong, tôi thở phào và mỉm cười. Cuối cùng, tôi cũng giữ được lời hứa với Hùng.
Chúng tôi biết đến Hùng khi đọc được thông tin về em trên báo Hà Tĩnh online. Bài báo viết về cậu học trò nghèo Nguyễn Kim Hùng – học sinh trường THPT Trần Phú (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) vượt lên khó khăn đạt giải quốc gia môn Toán. Điều đặc biệt là, em mơ ước trở thành sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng lại lo gia đình không đủ kinh tế để trang trải học phí. Biết vậy, chúng tôi đã chủ động liên hệ với Hùng, trò chuyện, chia sẻ và cung cấp thông tin về chính sách học bổng hỗ trợ học tập của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dành cho học sinh THPT có hoàn cảnh khó khăn. Hùng như người đuối sức giữa dòng sông bất chợt gặp được chiếc phao cứu sinh khi biết có thể đăng ký học bổng này ngay từ năm cuối phổ thông. Em gửi hồ sơ về trường, chờ đợi và yên tâm tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hùng biết, với giải Khuyến khích kỳ thi HSG quốc gia, em sẽ khó được xét tuyển thẳng vào các ngành CNTT như mong muốn. May mắn thay, năm 2020, Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên áp dụng phương thức xét tuyển theo hồ sơ năng lực dành cho những bạn học giỏi, có thành tích và năng khiếu ở nhiều mặt. Với giải Khuyến khích cấp quốc gia, nhiều giải cấp tỉnh, điểm trung bình chung các năm cấp 3 đều đạt loại giỏi, chúng tôi khuyên Hùng mạnh dạn đăng ký.
Hùng trúng tuyển vào ngành học mơ ước – Khoa học máy tính. Tuy nhiên, khi biết tin trúng tuyển cũng là lúc em được thông báo về sự thay đổi trong chính sách học bổng chung của Nhà nước và của Đại học Bách khoa Hà Nội, học bổng hỗ trợ học tập cấp vào đầu khóa cho học sinh
THPT sẽ không còn nữa, thay vào đó là học bổng khuyến khích học tập chỉ dành cho sinh viên đang học tập tại trường. Một lần nữa, Bách khoa lại dần xa khỏi tầm với mà rào cản lớn nhất chính là điều kiện kinh tế.
Với lời cam kết đưa ra ban đầu, chúng tôi liên hệ với Phòng Công tác sinh viên để cùng tìm hiểu và lựa chọn chính sách học bổng phù hợp với Hùng. Nhờ có mạng lưới hợp tác doanh nghiệp rộng khắp, nhờ sự nhiệt tình của các cán bộ phòng Công tác sinh viên, chúng tôi đã thực hiện được lời hứa với Hùng để em yên tâm học tập. Giờ đây, khi là một sinh viên lớp Tài năng, Hùng bộc bạch: “Em thấy mình may mắn hết sức, vừa được học ngành mình thích trong một lớp quy tụ những tinh hoa ở tất cả các nơi, vừa có học bổng để trang trải các khoản sinh hoạt phí, tuy không nhi E1u, nhưng là động lực để em cố gắng hơn trong học tập. Nếu không có sự tư vấn, định hướng và giúp đỡ và động viên từ các thầy cô giáo ở trường cấp 3 của em và ở Đại học Bách khoa Hà Nội, chắc chắn em sẽ không có ngày hôm nay”.
Lan tỏa niềm tin yêu và sẻ chia
Một lần khác, tôi nhận được cuộc điện thoại từ một phụ huynh: “Chị chào em, chị Thúy đây, chị gọi điện để báo với em là cháu Sơn đi học thích lắm. Đợt này cháu ít về quê vì muốn ở lại Hà Nội tham gia các sự kiện của trường và lên thư viện học. Cháu ở trong đội thông tin tuyên truyền của Ban tình nguyện gì đó em ạ. Cháu ở KTX cũng vui lắm…” Rồi chị vui vẻ kể về cuộc sống ở thành phố của cậu con trai đang là sinh viên năm thứ nhất ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi kết thúc cuộc trò chuyện, chị không quên nói lời cảm ơn và chúc tôi làm việc tốt, giúp đỡ được nhiều học sinh hơn nữa.
Chị Nguyễn Thị Diệu Thúy (Thái Nguyên) là phụ huynh của em Phạm Tiến Sơn – sinh viên K65 Bách khoa. Chị Thúy kể, Sơn là học sinh THPT Chuyên Thái Nguyên, 03 năm liền đạt học sinh giỏi và đạt 03 giải HSG môn Toán cấp tỉnh. Sơn còn có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 7.5. Nhưng, khi xét tuyển thẳng vào Bách khoa, chị vẫn lo lắng vì biết các bạn đăng ký xét tuyển Bách khoa đều rất giỏi. Chị thường xuyên gọi điện cho chúng tôi để xin tư vấn về cách thức đăng ký xét tuyển, đặt nguyện vọng như thế nào cho hợp lý và khả quan. Có những hôm, chị gọi điện khá muộn chỉ để tâm sự về việc học tập của con, những mơ ước và cố gắng không ngừng của con để thực hiện ước mơ trở thành sinh viên Bách khoa. Chị cũng thường xuyên trò chuyện về những lo lắng của mình.
Chúng tôi hiểu, đó là tâm trạng hiển nhiên của những bậc cha mẹ khi con cái bước vào giai đoạn quyết định trong cuộc đời. Như những người bạn, người thân, chúng tôi lắng nghe chị, chia sẻ với những lắng lo ấy, động viên chị trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con, giúp con định hướng đúng đắn. Hiện giờ, khi thấy chị đang hạnh phúc vì chứng kiến con trai lớn của mình vui vẻ, thích thú với việc học tập tại trường, chúng tôi cũng hạnh phúc lây.
Cứ thế, trên mỗi hành trình tư vấn-hướng nghiệp, những cán bộ tuyển sinh chúng tôi gặp vô vàn những trường hợp như Hùng, như chị Thúy. Ghi nhớ lời dặn dò của Ban Giám hiệu Nhà trường: Hãy coi những “khách hàng” của mình như người thân, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ, để không bao giờ phụ lòng những người đã yêu mến, lựa chọn và đặt niềm tin nơi chúng tôi. Và, ngày qua ngày, chúng tôi cóp nhặt niềm vui, sự tin yêu ấy của họ để làm nên thước đo cho hạnh phúc của mình.
Lương Thu Hiền. Ảnh: Phòng Tuyển sinh