Sáng Nguyễn
Ảnh: Kim Chi
Hoạt động thường niên của Trường ĐHBK Hà Nội như: Tháng sinh viên NCKH và Sáng tạo, Triển lãm sản phẩm khoa học, các cuộc thi: Khởi nghiệp Sáng tạo Việt-Đức, Sáng tạo trẻ Bách khoa, các Câu lạc bộ chuyên ngành dưới sự quản lý trực tiếp của Phòng Khoa học và Công nghệ, các nhóm nghiên cứu với sự hướng dẫn của các giảng viên, nhà khoa học tại các Viện đào tạo, hay gần đây nhất là Cuộc thi bình chọn sản phẩm khoa học nổi bật bằng hình thức video – BK-V.Ideas trong khuôn khổ Tháng sinh viên NCKH và Sáng tạo năm 2017… là những sân khoa học đầy hấp dẫn dành cho sinh viên Bách khoa.
CÂU LẠC BỘ (CLB) – NƠI HỘI TỤ ĐAM MÊ KHOA HỌC
Có niềm đam mê đặc biệt với xe mô hình nên Trần Văn Ánh – sinh viên K58, Viện Cơ khí nhanh chóng đăng ký tham gia CLB xe mô hình. Ánh cho biết: “Những ngày tháng miệt mài thiết kế, nghiên cứu rồi hàn, cắt, tiện cùng các bạn trong CLB càng khiến em thấy lựa chọn đến với Bách khoa quả là quyết định tuyệt vời nhất, nơi mình có thể sống trọn với đam mê tuổi trẻ. Ở Bách khoa có nhiều CLB chuyên ngành đáp ứng được nhu cầu tham gia của mọi sinh viên. Miễn là các bạn có đủ tình yêu và quyết tâm. Không chỉ là nơi các bạn củng cố thêm những kiến thức được học trên lớp mà những giờ miệt mài thực hành dưới xưởng, cùng các “anh em” chế tạo ra những chiếc xe mô hình hoàn chỉnh có thể di chuyển theo ý mình chính là những trải nghiệm đáng nhớ nhất của cuộc đời sinh viên”.
Nguyễn Đức Anh, thành viên CLB Sinh viên NCKH Viện Điện tử -Viễn thông (SRC) lại cho rằng: “Tham gia các CLB chuyên ngành không chỉ giúp các bạn thể hiện được trọn vẹn niềm đam mê của chính mình, mà đây còn là không gian để các bạn thể hiện những ý tưởng “điên rồ” nhất với những người “đồng đội” tuyệt vời nhất. Ở SRC, chúng em có những hoạt động thường niên như cuộc thi Best Project được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Sau 3 năm tổ chức, năm 2017, Best Project trở lại với chủ đề “Garden Contest” hướng đến vấn đề nông nghiệp thông minh, vấn đề mang tính thời sự hiện nay. Nhiều nhóm mới chỉ học năm thứ hai đã đưa ra được những giải pháp khá toàn diện với các hệ thống từ việc thu nhận cho đến lưu trữ và đánh giá kết quả trên máy tính và điện thoại… Không có môi trường nào để các bạn rèn luyện khả năng thực hành tốt và hiệu quả bằng việc tham gia các CLB chuyên ngành”.
“Nếu học tập trên lớp sẽ mang về cho các bạn với những kiến thức lý thuyết nền tảng thì các CLB lại là nơi các bạn được thực hành và áp dụng kiến thức đó vào thực tiễn đời sống. Ở Viện Ngoại ngữ, có rất nhiều những CLB như thế, trong đó PEC – Parabola English Club là CLB có nhiều hoạt động hay. Ở đó, các bạn không chỉ được gặp gỡ những người bạn có chung sở thích mà hơn thế, đây là môi trường lý tưởng để thể hiện góc nhìn khác về các vấn đề trong cuộc sống thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm học tập, những buổi dã ngoại thực tế… Bên cạnh đó, do có nhiều thành viên đến từ các Viện đào tạo khác nhau trong Trường nên các bạn còn được học hỏi những kiến thức bên khác ngoài ngoại ngữ. Quả là đáng tiếc nếu như trong suốt cuộc đời sinh viên các bạn không tham gia một CLB nào” – Nguyễn Mai Chi, sinh viên K59, Viện Ngoại ngữ chia sẻ.
ƯƠM MẦM KHỞI NGHIỆP TỪ NHỮNG CUỘC THI
Nhắc đến hoạt động Tháng sinh viên NCKH và Sáng tạo, Nguyễn Đức Cường – K57, Viện Cơ khí hồ hởi: “Chúng em, một nhóm sinh viên đam mê sáng tạo các sản phẩm cơ khí đã tự mình mày mò thiết kế, lắp ráp, tổ chức sản xuất… một số sản phẩm đơn giản. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc tự mình nghiên cứu thì kết quả không đi đến đâu. Được các anh chị khóa trên giới thiệu, nhóm chúng em đã đăng ký tham gia hoạt động NCKH cấp Viện, thật may mắn đề tài của chúng em đã lọt vào vòng cuối và sản phẩm được triển lãm tại Ngày hội sinh viên NCKH của Trường. Từ đó sản phẩm của chúng em được giới thiệu đến các anh chị phóng viên, nhanh chóng được các nhà đầu tư biết đến và từ sân chơi đầu tiên này hiện nay đã được chúng em phát triển thành sản phẩm có thể thương mại”.
Trưởng thành từ cuộc thi Đổi mới sáng tạo năm 2015 với đề tài “Dự báo tắc đường bằng ứng dụng di động – We move”, Nguyễn Đăng Dũng Hà cho biết: “Bình thường học tập trên lớp lượng kiến thức thu nhận được chủ yếu là lý thuyết, là những sinh viên công nghệ, chúng em cần những sân chơi để thực hành, vận dụng kiến thức được học để giải bài toán thực tiễn. Những cuộc thi như Đổi mới sáng tạo do Viện Đào tạo Quốc tế (SIE) của Trường tổ chức đã tạo ra một môi trường đầy thú vị, nơi các bạn có cùng đam mê nghiên cứu và khởi nghiệp gặp gỡ, trao đổi, thực hành. Đây còn là nơi ươm mầm và phát hiện những đề tài, công trình hay để khởi nghiệp”.
Được phát động từ tháng 3 năm 2017, cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2017”, lần đầu tiên được Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức đã thực sự trở thành “thỏi nam châm” thu hút các ứng viên, các nhóm nghiên cứu tham gia. Ngay sau khi phát động, Cuộc thi đã nhận được gần 80 ý tưởng đến từ 12 Viện chuyên ngành, trong đó 32 ý tưởng xuất sắc nhất đến với vòng 2. Đại diện nhóm BKAI, Trần Trung Hiếu đến từ Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết: “Lựa chọn theo đuổi một lĩnh vực khoa học nghiêm ngặt, tập trung vào việc thiết kế hệ thống và máy móc thông minh, sử dụng các thuật toán được lấy cảm hứng phần nào từ những gì chúng ta biết về bộ não của con người – Trí tuệ nhân tạo, còn rất mới mẻ ở Việt Nam, đến với sân chơi “Sáng tạo trẻ Bách khoa” chúng em mong muốn được học hỏi, chia sẻ cơ hội hợp tác với những bạn có chung niềm đam mê với lĩnh vực này. Em được biết đây là sân chơi dành cho tất cả các bạn sinh viên có yêu thích khoa học và mong muốn khởi nghiệp từ niềm đam mê đó. Sau hai tuần tham gia các buổi tập huấn viết đề án sáng tạo, em nhận thấy còn quá nhiều thứ cần rèn luyện, không chỉ ở kiến thức chuyên môn, mà hơn thế thông qua cuộc thi, các thành viên trong nhóm đã thực sự trở thành những con người khác: năng động hơn, làm việc chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn rất nhiều”.
Cùng tham gia Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2017, Hồ Minh Sáng – Trưởng nhóm dự án Silver Art – bút mực bạc giá rẻ khẳng định: “Mỗi sinh viên kỹ thuật đều có sẵn trong mình đam mê khoa học, nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức tự mày mò, nghiên cứu, thiết kế mà không giới thiệu sản phẩm của mình đến với đông đảo những người có chung niềm đam mê thì hiệu quả của việc nghiên cứu không đạt được. Những cuộc thi khoa học chính là sân chơi bổ ích và thú vị để các bạn trải nghiệm những điều mới mẻ bên ngoài kiến thức chuyên môn. Và biết đâu, thông qua cuộc thi, các bạn sẽ tìm thấy những nhà đầu tư có hứng thú với sản phẩm của các bạn. Chính vì thế mà chúng em đã đến với “Sáng tạo trẻ Bách khoa””. Quá trình học đại học không chỉ là khoảng thời gian bạn thu lượm kiến thức, hình thành tư duy khoa học mà hơn thế đây là khoảng thời gian để các bạn khám phá và chinh phục bản thân. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để sống, cháy hết mình với đam mê và Bách khoa Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các bạn thể hiện những điều đó.