Ít ai biết rằng, ThS. Nguyễn Đức Tiến, Viện Công nghệ thông tin & Truyền thông (CNTT&TT), ĐH Bách khoa Hà Nội, từng giành được nhiều giải thưởng dương cầm. Phải chăng chính chất nghệ thuật đã phần nào hình thành nên phong cách của Nguyễn Đức Tiến trong công việc giảng dạy, giúp anh được bình chọn là “Giảng viên có thành tích đổi mới dạy học được sinh viên đánh giá cao” của Trường năm học vừa qua.
Từ ngày về trường dạy đến nay đã được gần chục năm nhưng cảm giác để lại trong anh như mới từ hôm qua vậy. Anh Nguyễn Đức Tiến bồi hồi kể lại, trong một lần tình cờ gặp thầy giáo cũ – thầy Nguyễn Kim Khánh – cuộc trò chuyện hỏi thăm giữa hai thầy trò như duyên số đưa anh về Bách khoa Hà Nội.
Anh Tiến chia sẻ, đã từ lâu anh luôn muốn trở lại Trường giảng dạy, nhưng chỉ thấy sẵn sàng khi có nhiều trải nghiệm và chỗ đứng nhất định. Thời điểm quyết định về trường, anh Tiến khi ấy là phó giám đốc, đại diện Việt Nam cho một công ty công nghệ. Chính tích luỹ thực tế ở nhiều vị trí khác nhau trong quá trình công tác là những bài học quý báu anh chia sẻ cho sinh viên trong mỗi giờ lên lớp, trải nghiệm mà không phải giảng viên nào cũng có được.
“Truyền thống Bách khoa Hà Nội hợp với phong cách của tôi” – Anh Tiến khẳng định, đôi mắt ánh lên một niềm tự hào. “Ở Bách khoa, điểm khác biệt rất hay là Trường có nhiều ngành và gắn kết với nhau, nhờ vậy kiến thức tổng hoà và đáp ứng đúng nhu cầu của đời sống xã hội.”. Bản thân là một người thích cái mới, anh nhận định với chất lượng đầu vào tốt và tinh thần chủ động trong học tập, sinh viên Bách khoa Hà Nội dễ dàng tiếp thu và vận dụng những tri thức mới.
Nhưng con người Bách khoa Hà Nội không hề khô khan như nhiều người vẫn nghĩ. Thầy giáo trẻ cười xoà, “Đó chỉ là định kiến. Có nhiều cách khác nhau để thể hiện tâm hồn!”.
Muốn biết sinh viên khối kỹ thuật có khô khan hay không, hãy dành một buổi chiều dạo quanh hồ Tiền, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn sinh viên gảy đàn và hát, cùng hoà ca trong ánh nắng nhạt dần. Dân kỹ thuật vẫn nhiều chất thơ, có chăng là đôi lúc lúng túng trong việc thể hiện quan điểm và tình cảm của mình mà thôi, anh Tiến tâm sự.
ThS. Nguyễn Đức Tiến tự hào nói về khẩu hiệu “không sợ chết” của mình. Anh quan niệm, đây là một phong cách sống – sống với đam mê và sống cho người khác. Nó ảnh hưởng không chỉ cuộc sống mà đi sâu vào sự nghiệp “trồng người” của thầy giáo trẻ. Mỗi khi gặp sinh viên để trao đổi một vấn đề học thuật, không chỉ dừng lại ở trả lời câu hỏi, anh luôn hết mình tư vấn, tìm các ví dụ minh hoạ và giải thích cặn kẽ các trường hợp.
Đối với thầy giáo Đức Tiến, chia sẻ tri thức cùng sinh viên đến quên cả giờ giấc đem lại những xúc cảm hạnh phúc. “Chính vì thế mà khi ốm tôi vẫn có động lực tiếp chuyện các em, chính niềm vui trong công việc khiến tôi không phải nhàm chán nhìn đồng hồ chờ kết thúc. Được như vậy, có thể nói tôi đã nhiệt huyết hết sức với công việc đang làm. Làm hết sức, không hối hận.”
Thầy Tiến cho rằng, ở các giai đoạn từ tiểu học đến THPT, các em học sinh luôn nhìn những điều giáo viên dạy như những chân lý không thể thay đổi. Tuy nhiên, không thể giữ nguyên tắc này khi vào học đại học, vì giảng viên đại học sẽ dạy các nguyên lý, các khuynh hướng mới, và cả những trải nghiệm về sự thành công và thất bại. Những cái mới đó có thể thay đổi nhanh chóng trong tương lai, hay chỉ đúng trong từng giai đoạn. Thế nên đối với sinh viên năm nhất, thay đổi thói quen đó là rất quan trọng.
Trong mỗi tiết học, giảng viên Viện CNTT&TT cố gắng tạo bầu không khí thoải mái để sinh viên phản hồi, thậm chí có thể phản biện lại thầy, xây dựng quan điểm 2 chiều và kích thích tâm lý tự tin cho sinh viên.
Đôi khi, thầy giáo hài hước này tự tạo ra những lỗi sai “chủ động” thách đố học trò, để đến khi có cậu sinh viên chỉ ra lỗi, người thầy trên bục giảng lại được dịp tạo ra những tràng cười cho lớp học, cùng với lời hứa hẹn của những gói bim bim, bỏng ngô để cảm ơn vào tiết học tới. Anh cho rằng mỗi lần như vậy, sinh viên sẽ tự tin hơn, đâu đó cảm giác mình sắp giỏi hơn thầy rồi, nhờ đó mà tiếp thêm động lực. Tình thầy trò thêm gần gũi và sâu sắc sau những hành động nhỏ nhưng đầy yêu thương ấy.
“Nếu sinh viên học mà không bằng được thầy thì không phải đào tạo tốt. Sinh viên khoá sau phải giỏi hơn sinh viên khoá trước, sinh viên ra trường phải giỏi hơn những người thầy đứng lớp. Sinh viên có thể thành công ở nơi mà thầy của họ đã từng thất bại. Như vậy mới tạo nên hi vọng cho tương lai của đất nước.”
– Thạc sỹ Nguyễn Đức Tiến.
Khi còn đi học, anh Tiến rất quý trọng những người thầy nghiêm khắc, rõ ràng và công tâm. Sau này, anh cũng lấy đây làm tiêu chí, đặc biệt trong quá trình trả bài cho sinh viên. Anh quan niệm, điểm cao hay thấp không quan trọng, mà thực sự phải công bằng.
Nhận thấy thực tế sau mỗi kỳ thi, sinh viên luôn muốn lý giải kết quả và những lỗi sai gặp phải nhưng không phải khi nào cũng tìm được câu trả lời, trong khi nhiều bài giải sai được lan truyền trên mạng dễ gây hiểu nhầm. Thầy giáo trẻ quyết định cần phải thay đổi.
Thầy Đức Tiến công khai các đề và đáp án sau mỗi kỳ thi, số lượng phản hồi và yêu cầu giải thích của sinh viên giảm. Các sinh viên khoá sau cũng có thể sử dụng các đề bài và lời giải làm tài liệu ôn thi cho môn học. Bên cạnh việc gửi đáp án, thầy Tiến chia sẻ các bài giải với lỗi sai cơ bản, cho rằng sinh viên có thể đạt được kết quả tốt hơn bằng cách học từ những “thất bại”.
Thầy Tiến nói thêm: “Mỗi công việc, mỗi dự án giống như một con đường có vài ngã rẽ tới thành công và nhiều ngõ cụt. Học các nguyên lý cơ bản là học con đường đúng đắn tới thành công. Học thất bại là học cách áp dụng phương pháp loại trừ và cũng dẫn tới thành công.”
Trong những ngày cả đất nước đồng lòng chống dịch COVID-19, trường ĐHBK Hà Nội triển khai dạy và học trực tuyến cho tất cả sinh viên hệ chính quy của Trường. Vào các tiết học trực tuyến, thầy Tiến luôn giữ tinh thần lớp học cùng thái độ nhiệt tình và một trái tim ấm. Chẳng vậy mà không khí lớp học của “thầy giáo quốc dân Viện CNTT&TT” vẫn tràn ngập niềm vui và sự hào hứng của các sinh viên.
Được bình chọn là “Giảng viên có thành tích đổi mới dạy học được sinh viên đánh giá cao” của trường ĐHBK Hà Nội và “Student’s Choice Award” của Viện CNTT&TT năm vừa qua, thầy Nguyễn Đức Tiến cảm thấy may mắn và vinh dự vì những nỗ lực của bản thân được ghi nhận. Nhưng anh cho rằng không nên coi đó là thành tích hay mục tiêu cho cái “tâm” của người thầy.
Thu Hà