“Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, đời người khởi đầu bằng tuổi trẻ”. Điều đó tự nhiên và giản dị như chân lý. Mùa xuân gắn với tuổi trẻ, với tình yêu và thơ ca. Thơ ca về mùa xuân và tình yêu có muôn sắc màu, chạm đến những sợi dây rung cảm của tâm hồn con người, xanh mãi với cuộc đời… Và đó cũng là lý do mà mùa xuân và tình yêu luôn là đề tài muôn thuở của các nhà thơ, nhà văn, trong đó có cả những người yêu thơ là cán bộ, giảng viên và cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội.

Trường ĐHBK Hà Nội không chỉ tự hào với hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, được biết đến là ngôi trường khoa học kỹ thuật hàng đầu của đất nước mà nơi đây còn có những người thầy, người cô không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có tài sáng tác thơ văn như: Đinh Phạm Thái, Nguyễn Xuân Thâm, Bùi Minh Trí, Trần Mạnh Tiến, Hồng Quang, Đặng Quang Khang,…

Thầy Đinh Phạm Thái nổi tiếng với bài thơ “Cái roi ngày ấy” mà “Tiếng khóc thầm động thấu tâm can!”. Thơ tình của ông nhẹ nhàng, long lanh hình ảnh và tình cảm sâu lắng:

Em ơi chiều muộn rồi
Hoàng hôn xin tím một trời biệt nhau
Chỉ là cát bụi mà đau
Nói chi muôn triệu tinh cầu chơi vơi
Ước mai sau nước mắt trời
Lại buông hai giọt ra đời hai ta

Còn thầy Nguyễn Xuân Thâm giàu ví von ẩn dụ như trong bài “Tôi yêu Hà Nội”:

Những căn nhà
Như những tổ chim
Mùa xuân con mái bay tha rác
Con trống nhẩn nha dưới hè
Những căn nhà ngày tôi trở về
Những người đàn bà trẻ lại.

Với chủ đề mùa xuân, trong bài “Em đi trảy hội mùa xuân”, thầy Bùi Minh Trí diễn tả tâm tư, tình cảm của cô gái trẻ mới chớm yêu:

“Kéo dài nỗi nhớ Tháng giêng
Em đi trảy hội lòng riêng bề bề
Núi sông vời vợi hồn quê
Trời mây lãng đãng, tóc thề ngang vai
Để thương để nhớ cho ai
Em đi cầu phúc cầu tài cầu duyên.


Rồi đến hình ảnh tham gia đêm hội “Em hát trống cơm”:

“Đêm xuân em hát hội làng
Khăn điều yếm thắm xênh xang lụa đào
Nuột nà xuân hội xôn xao
Ngón tay thon thả ôm vào nhớ mong”.

Em vỗ trống để “quên sầu” và “Vỗ vào cả nỗi vui buồn/ Đêm về suối hát lòng son dạt dào”.

Thầy Trần Mạnh Tiến lại cho độc giả xem cảnh “Lễ hội đầu xuân”:

“Dòng người trảy tới hội làng
Áo the khăn xếp mơ màng tứ thân
Dập dìu lế hội đầu xuân
Cầu mong năm tháng bước chân vững vàng”.

Hồng Quang diễn tả tình yêu bằng ẩn dụ: “Tình yêu ẩn hiện cánh chim/ Suốt đời săn đuổi kiếm tìm bóng nhau”. Và tình cảm cô đơn đến mất cả phương hướng khi tình yêu tan vỡ: “Đang yên ả giữa cây xanh/ Con đường tự xé mình thành ngã ba/ Người ta về với người ta/ Còn tôi cuối buổi chiều tà về đâu?”.

Nhà giáo Đăng Quang Khang lúc sinh thời, ngày nào cũng có thơ tình tặng cán bộ và sinh viên Bách khoa. Ta hãy nghe bài “Hình như” của ông: “Hình như em nhớ đến anh/ Trời đang mây xám bỗng xanh bất ngờ/ Hình như trời cũng ngẩn ngơ/ Cũng thầm gỡ những sợi tơ rối bời/ Yêu em, em đã yêu rồi/ Mà sao tôi vẫn nói lời hình như…!”

Thơ tình yêu của ông không chỉ bay tới mây xanh mà bay cả vào Vũ trụ!

Không chỉ có các nhà giáo yêu thơ, làm thơ hay mà Bách khoa còn có các cựu sinh viên sáng tác thơ hay như: Phi Tuyết Ba, Nguyễn Huy Hà, Hoàng Gia Cương, Lê Thị Kiều Minh… Một trong những bài thơ tình hay nhất của Phi Tuyết Ba là bài thơ “Trăng khuyết”.Bài thơ đã được Huy Thục phổ nhạc và đoạt giải nhất thi hát thể loại nhạc nhẹ.

Chuyện về tình yêu cũng lắm vẻ, khi tình yêu mãnh liệt đến chàng trai không chờ đến khi trăng tròn, mà ngỏ lời yêu khi trăng khuyết: “Anh ngỏ lời yêu em/Vào một đêm trăng khuyết/ Bởi tình yêu tha thiết/ Biết tròn trước đêm rằm.” Nhưng rồi như trăng khuyết, tình yêu ấy … thiếu một nửa, cho nên: “Để bây giờ thầm tiếc/ Một vầng trăng chưa tròn!”

Trong bài “Thơ và em”, Nguyễn Hữu Hà bày tỏ lòng mình: “Thơ không là gì nếu ta hết yêu nhau”. Cũng có khi “Câu thơ đỡ đần anh sớm tối”.

Nhưng rồi: “Em là gì mà lòng anh bối rối/ Tóc trắng đầu hồn vẫn xanh non”

Hoàng Gia Cương ca ngợi tình yêu qua “Hòn Trống Mái”: “Đá còn yêu đến ngẩn ngơ/ Kìa hòn Trống Mái bao giờ cũng xuân/ Tháng năm dầu dãi phong trần/ Trăng soi vằng vặc,biển ầm ầm reo!”.

Sinh viên Kiều Minh “Định nghĩa” về tình yêu: “Tình yêu là chiếc lá/ Mãi vẫn xanh trên cành/ Đông về hay gió bão/ Lá càng xanh, càng xanh”.

Một mùa xuân nữa đang về, tôi xin chia sẻ cùng các nhà thơ và những người yêu thơ của ĐHBK Hà Nội bài viết này để nhớ về tuổi trẻ của mình; đồng thời cũng mong muốn các bạn trẻ có những mùa xuân và tình yêu tươi đẹp, sống một cuộc đời có ý nghĩa để không bao giờ hối tiếc. ■

PGS. TS Bùi Minh Trí – Nguyên giảng Viện Toán ứng dụng và Tin học

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here