Trong lúc toàn thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV hay còn gọi là cách mạng 4.0, có một nhà khoa học rất nổi tiếng vẫn cho rằng loài người đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III. Người đó là Jeremy Rifkin, nhà xã hội học, nhà nghiên cứu kinh tế và môi trường nổi tiếng thế giới người Mỹ, người đang sống và hoạt động trong thế hệ của chúng ta.

JEREMY RIFKIN, MỘT CÔNG DÂN TOÀN CẦU, NGƯỜI THẦY CỦA CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO

Năm 1967 Jeremy Rifkin đã tham gia vào cuộc tuần hành của một nhóm sinh viên phản đối Chiến tranh Việt Nam. Từ đó trở đi, Rifkin nhanh chóng trở thành một thành viên tích cực của phong trào hòa bình. Sau chuyện này, ông theo học Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts (MA, Quan hệ Quốc tế, 1968), nơi ông tiếp tục các hoạt động chống chiến tranh. Sau đó, ông tham gia làm tình nguyện viên trong dịch vụ đến Mỹ (VISTA).

Rifkin là tác giả của 20 cuốn sách về những vấn đề lớn của nhân loại về tác động của những thay đổi khoa học và công nghệ đối với nền kinh tế, lực lượng lao động, xã hội và môi trường. Những cuốn sách gần đây nhất của ông bao gồm Empathic Civilinzation (Nền văn minh Empathic (2010)), The European Dream (Giấc mơ châu Âu (2004)) và The Third Industrial Revelution (Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III, 2011).

Rifkin là cố vấn cho Liên minh châu Âu từ năm 2000. Ông đã tư vấn cho chủ tịch hiện tại và hai chủ tịch trước đó của Ủy ban châu Âu và các nhóm lãnh đạo của họ về vấn đề xây dựng nền kinh tế bền vững. Rifkin cũng từng là cố vấn cho lãnh đạo Nghị viện châu Âu và các thủ tướng châu Âu trong số đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel về các vấn đề liên quan đến nền kinh tế, biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Một số cuốn sách của ông được coi là “bản thiết kế cho chính phủ Đức trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và sự chấp nhận chiến lược của chính phủ về khí hậu.”

Năm 1995, Rifkin trở lại Đại học Pennsylvania với nhiệm vụ giảng dạy cho các CEO (Chief Executive Officer: Giám đốc điều hành) và các nhà quản lý cấp cao về việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ sang các nền kinh tế bền vững. Vì sự nổi tiếng của mình, năm 2015, Rifkin đã được xếp hạng 123 về “Những tiếng nói ảnh hưởng nhất trên thế giới” của World Post và Huffington Posst. Ông cũng được xếp vào một trong số 10 nhà tư tưởng kinh tế có ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ.

VỚI MỘT CUỐN SÁCH NỔI TIẾNG

Như đã nói, Jeremy Rifkin là tác giả của rất nhiều cuốn sách về đủ các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế và môi trường, song nổi tiếng nhất là cuốn The Third Industrial Revelution. Đây là cuốn sách ông viết năm 2011. Cuốn sách đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trong đó có Việt Nam. Riêng ở Trung Quốc, cuốn sách này đã được in với số lượng 500.000 bản. Đây có lẽ là một kỷ lục trong thời đại internet và photocopy. Do đã từng là tư vấn cho lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong những năm gần đây cho nên cuốn sách của Jeremy Rifkin càng có sức hút mạnh mẽ trong các giới bạn đọc của nước này. Vào tháng 10/2015 Tờ Huffington Post đưa tin từ Bắc Kinh rằng: “Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không những chỉ đọc cuốn sách của Jeremy Rifkin về Cuộc Cách mạng công nghiệp thứ III, mà coi nó là quyển sách được đặt vào trái tim (but taken it to heart). Ông và các cộng sự đã đưa ý tưởng từ cuốn sách này vào cốt lõi của Kế hoạch 5 năm lần thứ mười ba 2016 -2020 của đất nước”.

QUYỂN SÁCH ĐÃ NÓI GÌ?

Theo Jeremy Rifkin, loài người đã đi qua hai cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất I bắt đầu từ nước Anh vào cuối thế kỷ 18 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp dệt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ II bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 khi Henry Ford phát minh ra những cỗ máy biết đi (ô tô) với động cơ đốt trong và mở đầu cho thời kỳ sản xuất hàng loạt. Hai cuộc cách mạng này khiến người ta giàu có hơn. Tuy nhiên con người đã phải trả giá đắt cho sự giàu có của mình. Đó là hiểm họa cạn kiệt nhiên liệu và những biến đổi tiêu cực của môi trường và hệ sinh thái do hậu quả của việc sử dụng quá mức các nguyên liệu hóa thạch. Vì vậy, con người buộc phải có cuộc cách mạng công nghiệp khác, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III mà mục tiêu chính là cuộc hành trình tìm các nguồn năng lượng tái tạo hay còn gọi là năng lượng xanh. Chính sự phát triển của công nghệ thông tin trên nền tảng internet và các nguồn năng lượng tái tạo đã tạo đà cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III này. Theo Jeremy Rifkin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III sẽ bao gồm 5 trụ cột sau: (1) Sự chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, (2) Chuyển hóa các công trình xây dựng ở các lục địa thành các nhà máy điện mini để thu gom năng lượng tái tạo tại chỗ, (3) Áp dụng công nghệ Hydro và các công nghệ lưu trữ khác trong mọi công trình để lưu trữ năng lượng gián đoạn, (4) Sử dụng công nghệ Internet để chuyển đổi lưới điện của tất cả các lục địa thành một liên mạng lưới toàn cầu chia sẻ năng lượng hoạt động giống như Internet khi tạo ra hàng triệu tòa nhà mà tại đó có thể tạo ra những nguồn năng lượng nhỏ tại chỗ. Chúng có thể bán phần năng lượng thặng dư trở lại lưới điện và chia sẻ với láng giềng, và cuối cùng là, (5) Chuyển các phương tiện giao thông truyền thống sang các phương tiện chạy bằng điện và pin nhiên liệu. Khi đó, từng cá thể có thể mua bán điện thông qua một lưới điện thông minh ở cấp châu lục. 5 trụ cột này sẽ tạo ra hàng ngàn công việc kinh doanh và hàng triệu việc làm mới và đây sẽ là cơ sở để tái lập lại nền tảng các mối quan hệ giữa con người với con người.

Như vậy cuộc cách mạng công nghiệp lần ba sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến thế kỷ 21. Nó làm thay đổi căn bản cách sống và làm việc của con người. Cách tổ chức phân cấp của xã hội truyền thống sẽ nhường chỗ cho mối quan hệ hợp tác chia sẻ trong thời đại công nghiệp xanh.

Về thời hạn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III này, Jeremy Rifkin cho rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III là cuộc cách mạng cuối cùng trong các cuộc cách mạng công nghiệp vĩ đại của loài người, nó sẽ tăng tốc trong vài thập kỷ tiếp theo và có thể đạt đỉnh cao trong năm 2050 và bình ổn trong nửa sau của thế kỷ 21.”

VÀ CHÚNG TA NGHĨ GÌ VỀ TÁC GIẢ VÀ CUỐN SÁCH NÀY?

Trước hết, là một nhà khoa học đang hiện hữu ở thời đại chúng ta, song Jeremy Rifkin, lại có những quan niệm có vẻ như “đồng sàng dị mộng” với các nhà khoa học khác cũng như với tất cả chúng ta, chí ít là qua những quan điểm về bản chất và thời hạn của cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay. Trong khi chúng ta đang hàng ngày nghe thấy những thuật ngữ mới như “Internet kết nối vạn vật (Internet Of Things – IoT), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, robot, không gian thực ảo, nhà máy thông minh thì những từ này có vẻ rất ít được sử dụng trong nội dung của cuốn sách. Trong khi các nhà hoạch định cách mạng công nghiệp 4.0 cảnh báo những rủi ro của con người trong quá trình tương tác với internet, với trí tuệ nhân tạo, ví dụ như mất việc làm hay bị “đánh cắp” thông tin cá nhân… thì Rifkin lại dự đoán họ sẽ có quan hệ hợp tác và chia sẻ hơn trong cuộc Cách mạng lần thứ III của ông….

 Tuy vậy, như nhiều người khác, tôi vẫn bị cuốn hút bởi từng trang của cuốn sách này, chí ít là tính logic, dễ hiểu của nó cùng với danh tiếng của người viết ra nó, Jeremy Rifkin!

Sinh năm 1945, nghĩa là Jeremy Rifkin đang ở tuổi 73, cái tuổi người ta sống để mà chiêm nghiệm, để mà viết. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng một ngày nào đó gần đây, chúng ta sẽ được chính ông làm sáng tỏ vấn đề. ■

TS Lê Hải Hưng, nguyên CBGD Viện Vật lý Kỹ thuật,
trường ĐHBK Hà Nội

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here