Bước đường khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ ai, chỉ những ai có lý tưởng và đam mê đủ mạnh mẽ mới có thể thành công trên con đường đầy trông gai ấy. Nhiều người khi mới thất bại một lần đã nản chí, rút lui nhưng cũng có những người thất bại hết lần này đến lần khác vẫn tiếp tục bước đi, cố gắng hết sức để thực hiện niềm đam mê của mình. Doanh nhân Nguyễn Đình Hùng (cựu sinh viên Viện Kinh tế và Quản lý K44) – Chủ tịch Tập đoàn EDX chính là một người đặc biệt như thế, một người từng ba lần thất bại trên con đường khởi nghiệp nhưng vẫn tiếp tục đứng lên và đang dần tạo được tiếng vang lớn với lần khởi nghiệp thứ tư của mình. Cùng phóng viên Đặc san Bách khoa Hà Nội trò chuyện thú vị cùng anh về hành trình khởi nghiệp đầy trông gai nhưng rất đỗi tự hào.

Anh chuẩn bị cho quá trình khởi nghiệp của mình như thế nào?

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không khá giả, tôi phải làm đủ nghề để kiếm tiền, từ đi mua bánh mỳ ở Hà Nội về quê bán rồi lại chuyển bưởi, gấc, chuối ra Thủ đô, buôn bán sách cũ… Đến năm học lớp 12, cách kỳ thi đại học chỉ 3 tháng, tôi mới bắt đầu ôn thi. Tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ đỗ đại học mà tham gia kỳ thi chỉ với ý nghĩ thử sức được đến đâu hay đến đó. Với sự nỗ lực trong 3 tháng đó, tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi biết rằng mình đã đỗ ĐHBK Hà Nội – ngôi trường danh giá mà nhiều người muốn được học tập. Sau khi tốt nghiệp, tôi được Trường giữ lại làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về quản lý (CRC). Sau một thời gian làm việc tại CRC, với khát vọng khởi nghiệp, khát khao xây dựng doanh nghiệp, tôi đã rời CRC để bắt đầu con đường khởi nghiệp đầy chông gai của mình.

Trong thời gian học tập và làm việc tại ĐHBK Hà Nội ngoài kiến thức chuyên môn, tôi còn rèn luyện cho bản thân nhiều kỹ năng cần thiết cho con đường khởi nghiệp sau này. Thứ nhất, chịu được áp lực, khi học tập áp lực khá lớn, nhiều khi đến mức độ ám ảnh vì cường độ học và độ khó. Thứ hai, tư duy logic, vì là trường kỹ thuật nên học toán và các môn cần tư duy khá nhiều. Tôi học kinh tế nhưng là kinh tế kỹ thuật nên khi ra ngoài gặp những ngành nghề mang tính kỹ thuật mình không sợ, làm bất chấp. Làm kinh tế những vẫn có nền kỹ thuật và đó chính là lợi thế về mặt tư duy khi bắt đầu công việc kinh doanh có liên quan đến kỹ thuật. Tự tin là vậy, nhưng khi bắt tay vào làm thì không hề dễ dàng và kết quả là tôi đã gặp thất bại 3 lần.

Hành trình khởi nghiệp của anh cũng trải qua nhiều thăng trầm, anh có những chia sẻ gì về hành trình này?

Tôi khởi nghiệp lần đầu với số vốn gần 3 triệu đồng tiền lương hàng tháng, không quan hệ hay kinh nghiệm với một ý tưởng kinh doanh về công nghệ thông tin và Internet. Có lẽ vì sự chuẩn bị không kỹ càng và chu đáo nên doanh nghiệp đầu tiên này nhanh chóng thất bại.

Lần thứ hai tôi thành lập là Công ty Cổ phần Tư vấn truyền thông Việt Nam (Vntelecom). Công ty kinh doanh lĩnh vực hoàn toàn mới là dịch vụ nhắn tin giá trị gia tăng SMS đầu số gắn 8×20. Lần khởi nghiệp này, tôi thuyết phục gia đình, bố mẹ, họ hàng cho mượn sổ đỏ nhà đất để thế chấp vay ngân hàng. Từ năm 2006-2008, doanh thu nhiều tháng đạt trên một tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2008, do mâu thuẫn nội bộ với nhà đầu tư, tôi đã bán lại toàn bộ cổ phần tại Vntelecom.

Doanh nghiệp thứ ba tôi thành lập vào năm 2008 là Công ty Cổ phần Tập đoàn Khai Minh, xây dựng nhà máy sản xuất Protein từ gạo, sử dụng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm trong điều hành sản xuất, sản phẩm đầu ra chưa đạt được chất lượng như yêu cầu, lượng vốn ngày càng eo hẹp. Tháng 11/2008, Hà Nội ngập trong biển nước, nhà máy sản xuất Protein của Khai Minh bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên tôi bị phá sản lần 3.

Ba lần khởi nghiệp thất bại, không phải con số quá lớn nhưng cũng không nhỏ với một người làm khởi nghiệp trẻ tuổi như tôi. Sự thất bại đó khiến tôi nợ nần chồng chất, nhiều lúc có ý định buông xuôi tất cả. Thế nhưng, điều duy nhất đã giúp tôi vượt lên tất cả khó khăn, tiếp tục làm việc đó chính là lý tưởng. Lý tưởng nghĩa là khi mình làm việc nào đó, mình phải tạo ra một thứ có ý nghĩa. “Sống với mục đích có ý nghĩa, làm việc hết mình vì đam mê, thành công, hạnh phúc chắc chắn sẽ đến” – đó là câu nói tôi tâm đắc nhất và luôn lấy đó làm mục tiêu sống.

Theo anh đâu là giá trị thành công cốt lõi của doanh nghiệp khởi nghiệp?

Khởi nghiệp ban đầu đều phụ thuộc vào người đứng đầu. Tư tưởng của người đứng đầu là điều quan trọng nhất. Một trong những kỹ năng mà một CEO cần phải có đó chính là xây dựng được sứ mệnh của doanh nghiệp, tầm nhìn của doanh nghiệp và mục đích của doanh nghiệp. Hiện nay, đa phần các bạn sinh viên khởi nghiệp chỉ nghĩ kiếm tiền hoặc là các bạn có ý tưởng kinh doanh, khi các bạn bắt tay vào làm dễ nản chí và dẫn đến thất bại. Nhưng nếu các bạn làm được 3 điều sau thì bạn sẽ dễ dàng chạm tới thành công: sai thì sửa, tập trung, kiên trì không bỏ cuộc. Khi khởi nghiệp, các bạn phải tập trung kiên trì không bỏ cuộc đi theo mục tiêu đã đề ra, mong muốn cũng như tầm nhìn của mình.

Với kinh nghiệm của một người khởi nghiệp thành công, theo anh thời điểm nào khởi nghiệp là tốt nhất?

Các bạn có tư duy khởi nghiệp sớm là rất tốt. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp sớm, các bạn dễ thất bại. Bởi, khi đó, các bạn chưa có mối quan hệ, tiền bạc không nhiều và quan trọng là kinh nghiệm không có. Có một nghịch lý là nếu các bạn trẻ mà thành công càng sớm thì lại càng dễ thất bại. Lúc tuổi trẻ khởi nghiệp, thất bại bạn vượt qua được thì đó là một điều cực kỳ có lợi cho bạn sau này. Vì vậy, để khởi nghiệp đạt được một mức độ chín chắn nhất định phải là sau 28 tuổi. Khi đó, trí tuệ của các bạn đã tốt hơn nhiều, tầm nhìn của tuổi 28 sẽ hơn hẳn tầm nhìn lúc còn nhỏ tuổi và lúc đó bạn cũng tích lũy tài chính và một số quan hệ nhất định. Tôi cũng không nói rằng khởi nghiệp sau 28 tuổi chắn chắn sẽ thành công nhưng nếu lúc đó bạn thất bại thì cũng có thể dễ dàng vượt qua hơn.

Đâu là lời khuyên dành cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công?

Thứ nhất, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp phải xác định được mục đích khởi nghiệp của mình là gì? Nếu xác định được rõ mục đích đó thì dù gặp khó khăn gì, bạn cũng không từ bỏ mục đích và đi tới cùng kiên trì không bỏ cuộc.

Thứ hai, đừng để bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác nhau hoặc là thấy cái này hay hơn cái kia tốt hơn, đang làm một cái khó lại muốn chuyển qua cái khác. Các bạn sẽ thất bại vì không tập trung không kiên trì vào mục đích của mình. Cuối cùng, các bạn phải xác định tư tưởng là muốn nhanh thì phải từ từ đừng nghĩ là hôm nay làm mai giàu ngay phải lập kế hoạch 5 năm 10 năm. Sẵn sàng kiên trì tích lũy nền tảng 5 năm 10 năm sau đó khởi nghiệp vẫn còn rất tốt.

Còn đối với cá nhân tôi, tôi luôn đặt ra ba bước trong quá trình khởi nghiệp của mình: Bước 1: phát hiện mục tiêu. Bước 2: tập trung ngắm bắn. Bước 3: kiên trì bám đuổi. Không bỏ cuộc thì sẽ thành công còn bỏ cuộc thì sẽ thất bại đó là nguyên tắc. Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị trên và chúc anh gặt hái được nhiều thành công trên con đường khởi nghiệp của mình! ■

Mạnh Huy

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here