Nguyễn Sáng
Ảnh: Mạnh Tuấn
Bắt đầu với Bách khoa bằng những giọt nước mắt bất lực, sở hữu điểm 1 ngay trong kỳ học đầu tiên, hay quyết tâm chứng minh điều ngược lại câu nói “không học lại không phải sinh viên”, các thủ khoa tốt nghiệp năm 2017 của Trường ĐHBK Hà Nội đã nuôi dưỡng tình yêu để xây dựng tương lai bằng quyết tâm và nỗ lực. Cùng nghe bốn chàng trai xuất sắc nhất tốt nghiệp năm 2017 chia sẻ về hành trình chinh phục thành công bằng 100% quyết tâm.
NGUYỄN VĂN HÙNG – K57 TỰ ĐỘNG HÓA, VIỆN ĐIỆN: “Hãy sống trong những ngăn kín của thời gian”, điểm CPA: 3.80
Mới ngày nào là tân sinh viên ngơ ngác khi bắt gặp khung cảnh của Bách khoa quá đỗi to lớn và xa lạ, thế mà giờ đây đã trở thành nơi lưu giữ mảnh thời gian tuyệt vời nhất của tuổi trẻ. Chẳng bao giờ em nghĩ sẽ trở thành sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của Trường vì em đã từng nghĩ, những người học giỏi của Bách khoa đúng là “đầu óc có vấn đề”. Thế mà hôm nay em lại trở thành “người có vấn đề” trong mắt nhiều sinh viên Bách khoa khác.
Nhớ những ngày đầu tiên ở Bách khoa quả thật là “ác mộng”. Đó là vào kì I năm thứ nhất, trong buổi chiều đi học lớp Toeic 0 (do bậc học phổ thông em học kém ngoại ngữ nên “bị” phân vào lớp Toeic 0, nghĩa là xuất phát điểm với số 0 tròn trĩnh). Lớp học hôm ấy có rất ít sinh viên, các bạn gần như bỏ hết, lớp học chỉ lưa thưa vài người nhưng em vẫn cố theo vì thầm nghĩ ở trường đâu có điểm “âm”. Cảm xúc của buổi chiều hôm ấy rất đáng sợ, đến tận bây giờ em vẫn không quên. Vào lớp có vài người, nhìn những khuôn mặt lo lắng lần đầu tiên xa nhà, xa bố mẹ, trên lớp học bản thân em không theo kịp các bạn vì các thầy dạy theo phương pháp rất khác, kiến thức thì khó và nhiều, rồi áp lực quy chế học tập cảnh cáo nghiêm khắc… Sau khi tan lớp, nhìn sân trường rộng lớn vắng vẻ, cảm giác bất lực ùa đến. Em, một anh chàng tân sinh viên đã ngồi khóc ngon lành trên hàng ghế trước thư viện vì nghĩ đến phía trước quá nhiều khó khăn và áp lực. Không biết chặng đường năm năm tiếp theo sẽ phải bước qua như thế nào? Nếu một ngày nào đó em bỏ cuộc thì bố mẹ, gia đình sẽ ra sao? Cũng may nhờ có bạn bè và thầy cô luôn quan tâm giúp đỡ, năm năm học của em trôi qua trong tình yêu với Bách khoa Hà Nội. Bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua, em có thể khẳng định chính Bách khoa Hà Nội đã tạo ra con người trưởng thành của em ngày hôm nay.
Gửi đến các em tân sinh viên K62 vừa bước chân vào ngôi nhà Bách khoa: Hãy tận dụng thật tốt những năm tháng sinh viên, đây chính là bước đệm có ý nghĩa quyết định đến cuộc sống sau này của các em. Hãy chăm chỉ hơn nữa, hãy cố gắng hơn nữa, chủ động hơn nữa, chọn cho mình định hướng rõ ràng trong học tập, nghiên cứu và đầu tư thật nhiều công sức cho nó. Đặc biệt, hãy cố gắng tuyệt đối để học ngoại ngữ. Hãy sẵn sàng cho hành trình tuyệt vời ở Trường ĐHBK Hà Nội.
LÊ ANH TUẤN – K57, VIỆN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG: “Muốn thành công như thế nào? Hãy suy nghĩ về nó như thế”, điểm CPA: 3.78
Đến giờ phút này em có thể tự tin khẳng định lựa chọn Bách khoa Hà Nội là điểm khởi đầu đúng đắn nhất cho hành trình tương lai của mình.
Nhớ lại những năm tháng sinh viên học tập dưới mái trường Bách khoa Hà Nội, có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Em nhớ nhất là điểm 1 to đùng cho bài kiểm tra giữa kì môn Triết học. Em cũng chính là người sở hữu điểm số thấp nhất lớp. Không chỉ thế, ngay trong học kỳ đầu tiên, môn học em tự tin nhất là Vật lý thì bài thí nghiệm mình không vượt qua được và phải vừa thực hành vừa bảo vệ lại thí nghiệm Vật lý. Ôi cái cảm giác cả phòng được về hết chỉ còn mình mình ở lại hoang mang và lo lắng đến thế nào!. Nhưng may thay, ở thời điểm đó Trường vẫn chưa áp dụng quy chế điểm liệt nên em vẫn được phép thi cuối kỳ môn Triết học, và học kỳ đó em vẫn nhận được học bổng khuyến khích học tập loại B.
Em có may mắn khi vừa bước chân vào Bách khoa đã được các anh chị khóa trên hướng dẫn, chia sẻ định hướng học tập. Sau năm năm học, điều quan trọng nhất trong học tập bản thân em rút ra “đại học là tự học”, đồng thời phải tạo cho mình một môi trường, không gian riêng để học tập. Đối với bản thân, em thường lên thư viện Tạ Quang Bửu hoặc chọn những khu giảng đường trống để học bài. Điều quan trọng nhất là làm việc và học tập phải có đam mê, tâm huyết và không bao giờ được bỏ cuộc.
TRẦN ĐỨC HƯNG – K57, CHƯƠNG TRÌNH TIÊN TIẾN, KỸ THUẬT Y SINH, VIỆN ĐIỆN TỬ- VIỄN THÔNG “… Muốn thành công bắt buộc phải nỗ lực”, điểm CPA: 3.77
Trong suốt quá trình học tập ở Bách khoa, bản thân em chưa bao giờ nghĩ sẽ là thủ khoa tốt nghiệp vì Bách khoa là nơi hội tụ của nhiều “anh tài”. Trong suốt các kì học, mục tiêu học tập của em là cố gắng 100% sức lực, không đặt nặng điểm số. Kiến thức góp được bao nhiêu là của mình, nên không bao giờ coi đó là gánh nặng. Em thấy một số bạn sinh viên coi việc học và thi là áp lực thì sẽ chẳng bao giờ dành được kết quả cao. Là sinh viên Bách khoa, các bạn sẽ đối mặt với một môi trường học tập đầy áp lực và nghiêm túc. Ngay khi bước chân đến Bách khoa, em đã nghe nói rất nhiều về chuyện về học lại, “tạch môn”, tăng K. Trong “giới sinh viên” cũng truyền nhau câu nói “không học lại thì không phải là sinh viên” nhưng cá nhân em đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Trong suốt những năm học tại Trường, em chưa từng phải học lại một môn nào.
Hiện tại, sau khi đã tốt nghiệp, nhận công tác ở vị trí mới, em mới thấy thêm nhớ, thêm yêu khoảng thời gian nhiều áp lực nhưng cũng đầy mộng mơ của thời thanh xuân gắn bó với Bách khoa. Bách khoa không chỉ có những kỳ thi cam go đầy thử thách, Bách khoa còn có những bạn bè thân thiết, có những khoảng thời gian lên lab với cách rèn luyện hữu ích và thú vị nhất đối với sinh viên. Đó còn là cơ hội sinh viên để nâng cao kiến thức và kĩ năng một cách nhanh chóng thông qua trải nghiệm với các dự án thực tế và qua học hỏi từ các anh chị khóa trên.
CÙ XUÂN HÙNG – K57 KỸ SƯ TÀI NĂNG, VIỆN CƠ KHÍ: “Đứng im là lạc hậu, đi bộ là tụt hậu, chỉ có chạy mới giúp ta tiến lên được”, điểm CPA: 3.60
Hiện tại, em đang làm việc ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Ngay từ khi học cấp hai, em đã rất yêu thích khoa học kĩ thuật. Sau khi tốt nghiệp THPT, em đã không ngần ngại nộp một bộ hồ sơ duy nhất vào Trường ĐHBK Hà Nội. Và đến thời điểm này, đây vẫn là quyết định quan trọng và đúng đắn nhất của em. Có thể các bạn không tin nhưng em đã học lại rất nhiều môn, không phải học lại để trả nợ mà học lại để củng cố kiến thức và học thêm các môn mới, để làm đồ án tốt nghiệp và hiện tại là học lại… để làm việc.
Nhiều bạn bè đã hỏi phương pháp học tập của em như thế nào để đạt được kết quả như ngày hôm nay và câu trả lời của em luôn luôn là: “Hãy học như học sinh lớp 1”, học để hiểu chứ không phải học để thuộc. Khi tiếp cận những kiến thức mới bản thân em luôn đặt ra các câu hỏi như các em học sinh lớp 1: “Vì sao nó thế này? Vì sao như thế này thì đúng như thế kia thì sai?.”, và không bao giờ bằng lòng với những thứ được cho là hiển nhiên. Chính điều đó đã giúp em hiểu kiến thức được sâu hơn, làm chủ kiến thứ. Vì vậy, trước mỗi kì thi em không lo lắng về đề thi sẽ như thế nào vì em đã nắm được gốc rễ của vấn đề.
Ngày em nhận bằng tốt nghiệp cũng là ngày các em tân sinh viên vừa có buổi lễ khai giảng năm học mới. Có thể các em tân sinh viên đang cảm thấy có rất nhiều áp lực và hoang mang nhưng em muốn nhắn nhủ các em rằng: “Học ở cấp 3 giống như việc bạn vào bếp chuẩn bị một bữa ăn với thực đơn có sẵn, còn học đại học bạn là bếp trưởng của chính mình, bạn phải xây dựng thực đơn cho mình. Hãy tự lập không chỉ học, các em còn phải biết nhìn xa để biết người ta đã phát triển cái gì đến đâu, từ đó có định hướng học tập cho mình. Học đại học sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng nó cũng mở ra nhiều cơ hội hơn cho con đường tương lai của các em”.