“Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào, vương trên tóc thầy…”
Đó là những câu hát êm đềm, nhẹ nhàng, sâu lắng trong ca khúc “Bụi phấn” được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Lê Văn Lộc. Ai đã từng trải qua thời cắp sách tới trường thì đều đã từng nghe và thuộc lòng bài hát này. Mỗi khi những câu hát ấy vang lên, người nghe như sống trong khoảnh khắc của những ký ức xưa cũ, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, là các cô, cậu học trò vô tư, hồn nhiên.
Khi bắt đầu bài học mới, người thầy dùng phấn viết lên chiếc bảng đen, những hạt bụi trắng xóa rơi xuống – đó là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc, diễn ra hàng ngày và dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ lớp học nào. Những hạt bụi ấy trở thành hình ảnh mang tính ước lệ và có hồn. Nó không chỉ là những hạt nhỏ li ti rơi xuống bục giảng hay vương lại trên tóc mỗi lần người thầy viết bài, mà đã trở thành một biểu tượng in sâu trong tâm trí bao thế hệ học trò.
Trên hành trình mang con chữ đến cho học trò, để có những bài học hay, người thầy chẳng quan tâm tới mái tóc mình đang ngày một bạc thêm. Chỉ cần học trò biết vâng lời, chăm chỉ học tập và trở thành người có ích cho xã hội thì dù có nhọc nhằn, vất vả đến mấy nhưng người thầy vẫn cảm thấy hạnh phúc biết nhường nào. Không chỉ là người truyền đạt kiến thức cho học sinh, thầy cô giáo còn có thể trở thành người bạn, chia sẻ, hỗ trợ các em khi cần giúp đỡ. Được học sinh, sinh viên kính trọng, quý mến, được các thế hệ học trò nhớ trong những dịp như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học lớp, học trường… là niềm hạnh phúc đối với người thầy. Hay đơn giản chỉ là cuộc điện thoại hỏi thăm của học trò cũ cũng đủ làm ấm lòng mỗi nhà giáo.
Theo thời gian, những cô cậu học trò tinh nghịch năm xưa, giờ đã trưởng thành, là những ông bố, bà mẹ thì lại càng biết ơn thầy cô giáo hơn – những người đã thầm lặng chở biết bao chuyến đò qua sông. Chính vì thế, mỗi khi giai điệu da diết, bồi hồi của ca khúc “Bụi phấn” được ngân nga, tâm hồn người học trò năm xưa lại trở nên xao xuyến khi nhớ về những người thầy cũ, bạn bè cũ, mái trường thân thương đã gắn bó cả một thời tuổi trẻ.
Giờ đây, cuộc sống ngày càng thay đổi, xã hội ngày càng hiện đại hơn. Những chiếc bảng đen được thay thế bằng bảng chống bóng, phấn được thay bằng phấn không bụi và đôi khi còn là những chiếc bút điện tử với máy chiếu. Hình ảnh “khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi” ở thời hiện đại khó còn có thể tìm thấy, nhưng những hạt bụi vô hình vẫn ngày ngày tuôn rơi trên bục giảng – nơi hàng ngày, người thầy vẫn đem kiến thức và kinh nghiệm cuộc sống truyền tới biết bao thế hệ học trò.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của người thầy, nước ta đã lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây chính là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Huyền Trang