Trần Quốc Đạt, Đinh Thị Quy, Phan Văn Trung hiện đang học tập, làm việc tại các cường quốc công nghệ Nhật Bản, Pháp, Đức… Dù bận công việc, học tập, nghiên cứu nơi xứ người, nhưng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các cựu SV Trường ĐHBK Hà Nội vẫn dành thời gian gửi tới thầy cô giáo ở quê nhà những lời chúc tốt đẹp nhất, nhớ lại những ký ức đẹp về tình thầy trò nâng bước mỗi người.
Trần Quốc Đạt – Kỹ sư Điện, Khu Phức hợp lọc hóa dầu Chiba – Tập đoàn dầu khí Idemitsu Kosan: Tấm gương của các thầy khiến tôi quyết tâm “ra biển lớn”.
“Tôi là CSV lớp Tự Động Hóa 3 khoá 52. Trường ĐHBK Hà Nội in dấu quãng thời gian SV, lưu giữ những kỷ niệm đẹp về tình bạn, tình thầy trò của tôi. Tôi được học những tiết học về mạch chỉnh lưu, nghịch lưu 3 pha hấp dẫn trong môn học Điện tử công suất của thầy Phạm Quốc Hải, được “thấm” câu chuyện về cách sống, cách làm việc trong môn học Điều khiển quá trình của thầy Bùi Quốc Khánh…
Tôi vẫn nhớ kỷ niệm với hai thầy Phạm Việt Phương và thầy Quang Địch. Năm đó, tôi cùng các bạn trong nhóm được cùng hai thầy thực hiện một dự án. Hàng ngày, thầy trò làm việc hăng say trong 2 căn phòng khoảng 9-10m2, đến bữa thì ăn ở quán cơm bình dân gần đó; khi căng thẳng quá thì ra sân đá cầu xả stress…
Ngày hoàn thành dự án, thầy trò cùng chụp chung một bức hình. Để máy ảnh chế độ chụp tự động, tất cả đứng vào hàng ngay ngắn, cười tươi mắt mở to, nhưng chờ mãi không thấy đèn chớp flash. Hóa ra cậu bạn lại đặt nhầm sang chế độ quay video. Giờ mỗi lần nhắc “bức hình” kỷ niệm này, chúng tôi lại phá lên cười!
Tấm gương của các thầy khiến tôi thêm quyết tâm “ra biển lớn”. Giờ đây, làm việc tại Idemitsu Kosan – Tập đoàn dầu khí lớn của Nhật Bản, tôi luôn tự tin với kiến thức các thầy đã chỉ bảo. Tôi tích lũy được một số chứng chỉ trong các kỳ thi kỹ thuật quốc gia của Nhật Bản; thi đỗ những kỳ thi kỹ thuật quốc gia mà tỷ lệ đạt không quá 8% toàn nước Nhật.
Cũng nhờ thành tích này mà một tạp chí của Ohmsha đã liên hệ muốn viết bài về tôi. Bài viết này là cơ hội tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thầy cô kính yêu tại ngôi Trường ĐHBK Hà Nội. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin kính gửi lời chúc sức khỏe, thành công tới các thầy cô giáo Bách khoa thân yêu.
Đinh Thị Quy – Học viên cao học Trường ĐH Aix-Marseille, Pháp: Lớp học lại…”đau thương”!
“Nhiều người nói cuộc đời SV sẽ trọn vẹn nhất nếu trượt một môn, giành một học bổng và có một mối tình! Riêng tôi được nếm mùi vị SV trọn vẹn khi là người duy nhất trong lớp thuộc Viện Đào tạo Quốc tế SIE học lại… 2 môn! Lúc biết sẽ phải học lại, tôi xấu hổ lắm, không dám kể với bố mẹ mà âm thầm tự tìm việc làm thêm kiếm tiền học lại. Cứ tự nhủ lòng cố gắng vượt qua, cố gắng học tập để không bao giờ phải “mất mặt” nữa!
Ở lớp học lại, thấy học trò không hiểu, thầy lại kiên nhẫn giảng riêng, đến giờ ra chơi, thấy mặt tôi vẫn “ngơ”, thầy lại chỉ bài tiếp. Thầy bộ môn Toán Tin ứng dụng mới tuyệt vời. Cách giảng của thầy không khô cứng, mà luôn đưa mối liên hệ từ những con số “chết” kết nối với
ví dụ sinh động trong cuộc sống. Lần đầu tiên tôi thấy may mắn khi học lại, có được cơ hội học thầy giỏi như vậy.
Kỷ niệm về lớp học lại của tôi vừa “đau thương” mà lại vừa may mắn thế đó. Để đến giờ, khi nhìn lại, tôi trân trọng tất cả những vấp ngã và sự kém cỏi của mình để thay đổi, phấn đấu hơn!
Nhân ngày 20/11, từ nước Pháp xa xôi, kính gửi lời chúc những người thầy Bách khoa của chúng tôi luôn luôn mạnh khoẻ, luôn giàu năng lượng để hướng dẫn chỉ đường cho các lứa SV. Dù đi đâu và học tiếp lên ở đâu, kỉ niệm về thầy cô, những bài giảng, những tiết học căng thẳng đầy áp lực của việc phấn đấu phải qua môn sẽ mãi mãi là “đặc sản” tuyệt vời nhất!”
Phan Văn Trung – Nghiên cứu sinh tại CHLB Đức: Nhớ mãi bài báo khoa học đầu tay
“Tôi rất tâm đắc câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” và luôn đi tìm những người thầy có thể chỉ đường dẫn lối cho mình vươn tới những thành công trong cuộc sống. May mắn nhất trong cuộc đời SV K55 của tôi là được PGS.TS Trương Thu Hương – Viện Điện tử Viễn thông – dẫn dắt nghiên cứu Future Internet Laboratory. Đó chính là bước ngoặt thay đổi con đường học tập và làm việc của tôi sau này.
Tôi nhớ nhất kỷ niệm với cô liên quan đến bài báo khoa học đầu tay. Hai cô trò đã cùng nhau lên ý tưởng, định hướng, đề xuất một mô hình mới cho vấn đề đang nghiên cứu. Khi triển khai, có lúc bế tắc, nản chí, tôi đã nghĩ đến việc bỏ cuộc. Cô Hương đã động viên tôi rất nhiều. Cô dành thời gian cùng tôi thảo luận, phân tích nguyên nhân… Cô tư vấn cho tôi nhiều giải pháp mà tôi không thể nghĩ tới.
Cuối cùng, các vấn đề hóc búa nhất của mô hình mới được giải quyết. Bài báo của hai cô trò – trong đó tôi là tác giả đầu – đã được chấp nhận và xuất bản tại một hội nghị quốc tế ngành viễn thông năm 2015 – năm cuối cùng tôi được là SV Trường ĐHBK Hà Nội.
Với tấm bằng Giỏi và kinh nghiệm nghiên cứu, bài báo khoa học quốc tế đầu tay, tôi đã xin được học bổng Thạc sỹ tại Hàn Quốc và đang tiếp tục theo học chương trình Tiến sỹ tại CHLB Đức, thực hiện giấc mơ chinh phục đỉnh cao tri thức.
Tôi luôn biết ơn những lời động viên, tư vấn tận tình từ cô Trương Thu Hương. Gặp lại cô, nghe cô gọi trìu mến “Ông trò cũ của cô” – tôi xúc động vô cùng. Tôi mong cô giáo thân yêu của tôi luôn dồi dào sức khỏe, luôn cháy ngọn lửa đam mê với nghề, là người lái đò tận tình đưa nhiều thế hệ SV vươn tới những đỉnh cao trong sự nghiệp.”
Tuấn Phong (ghi)