Hùng Trần Got It: “Tài năng thô của dân Bách khoa Hà Nội cần mài giũa”

0
2192

Tiến sĩ Trần Việt Hùng- người sáng lập công ty công nghệ Got It có trụ sở tại Thung lũng Silicon, Mỹ- là cựu sinh viên của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bách khoa Hà Nội. Anh chia sẻ môi trường học tập và nghiên cứu của Bách khoa Hà Nội tạo cho sinh viên thói quen bền bỉ, thái độ làm việc nghiêm túc, và tinh thần lao động chăm chỉ. “Điều này trở thành nền tảng, ít hay nhiều tạo nên tính cách con người, giúp mình đi xa hơn trong tương lai,” người đứng sau công ty Việt triệu đô trên đất Mỹ nói.

Trần Việt Hùng là sinh viên K42 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau này, anh tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Iowa, một trong những trường hàng đầu khối đại học công lập của Mỹ. Trần Việt Hùng thành lập công ty công nghệ Got It vào năm 2013. Sau gần 10 năm phát triển, công ty hiện có chi nhánh ở Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Got It dựa vào trí tuệ nhân tạo để cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả làm việc trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, quản lý dự án, quản lý trải nghiệm khách hàng. Con đường dẫn đến thành công như ngày hôm nay không phải là con đường thẳng và bằng phẳng. Trần Việt Hùng nhớ trước khi lên Hà Nội học đại học, bản thân “không có định hướng hay tầm nhìn dài hạn, cũng chẳng có ước mơ gì”. Anh chỉ suy nghĩ làm sao sau khi tốt nghiệp, nhanh chóng tìm được việc làm để kiếm tiền.

“Điều thay đổi lớn nhất là vào môi trường Bách khoa Hà Nội, tôi gặp được rất nhiều những người giỏi,” anh nói. Chỉ trong vài giây, anh kể tên từng người bạn thời đại học gây ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan và thế giới quan của mình. Những con người, thay vì gieo mầm ganh đua đấu đá, đã tạo cảm hứng cho Trần Việt Hùng năm 20 tuổi khao khát muốn học hỏi, hợp tác, và cùng phát triển với những người khác mình.

Anh kể làm việc nhóm trong phòng thí nghiệm và giải quyết các bài tập lớn tại Bách khoa Hà Nội đã dạy anh cách tôn trọng sự khác biệt. “Thay vì tự ti trước điểm mạnh của người khác hoặc chế giễu điểm yếu của đối phương thì mình hiểu là làm việc nhóm mọi người có thể bù trừ cho nhau để kết quả của phép tính một cộng một luôn lớn hơn hai,” anh đúc rút.

“Bách khoa Hà Nội học thật thi thật,” nhà sáng lập công ty triệu đô nhận xét văn hóa đó tạo áp lực và thúc đẩy sinh viên không được lơ là và coi nhẹ việc học hành. Anh cho rằng Bách khoa Hà Nội là một môi trường thuần kỹ thuật và khoa học, coi trọng kỷ luật. “Dân Bách khoa Hà Nội chăm chỉ, nghiêm túc và bền bỉ,” Trần Việt Hùng nói, “Học Bách khoa vất vả nhưng rèn luyện nhiều tính cách giúp mình sau này nắm bắt được các cơ hội lớn.”

Trần Việt Hùng (thứ 4 từ trái sang) cùng các cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tại Thung lũng Silicon, bang California, Mỹ

Trần Việt Hùng sang Mỹ làm tiến sĩ về An ninh Mạng nhưng sau hai năm, giáo sư hướng dẫn đột ngột bỏ việc. Lúc đó, anh có hai lựa chọn. Một là học cho đủ tín chỉ để lấy bằng thạc sĩ rồi về Việt Nam. Hai là chọn giáo sư khác và làm lại từ đầu. Dù “cực kỳ hoảng loạn”, anh quyết tâm phải “chiến lại”. Cuối cùng, anh cũng tìm được một giáo sư có chuyên ngành nghiên cứu về Trí tuệ Nhân tạo và và Khai phá Dữ liệu.

Bước sang năm thứ ba ở Mỹ, Trần Việt Hùng mỗi ngày chỉ ngủ ba tiếng để học đủ kiến thức cơ bản của ngành mới. Kết thúc năm đó, anh vừa bổ sung được kiến thức nền vừa tìm ra được một mảng mới cho nghiên cứu. Không những thế, anh còn xây dựng được một hệ thống từ thu thập dữ liệu cho tới các cách tiếp cận cho giải thuật mà sau này một số sinh viên khoá sau vẫn tiếp tục dựa vào hệ thống đó để làm luận án tốt nghiệp. “Sự chăm chỉ, nghiêm túc và bền bỉ sau đó cũng giúp tôi rất nhiều khi khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon,” anh nói.

Ngoài ra, cái được lớn nhất với Trần Việt Hùng là mạng lưới những con người Bách khoa Hà Nội. “Riêng tại Thung lũng Silicon, có đến 70 người là dân Bách khoa Hà Nội.” Anh kể năm 2019, các cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội tập hợp lại để tuyển chọn các sinh viên Bách khoa xuất sắc và giúp các sinh viên này kiếm được suất thực tập tại các công ty công nghệ ở Mỹ.

Sau nhiều năm tuyển nhân sự ở Việt Nam và Mỹ, Trần Việt Hùng công nhận tài năng thô của sinh viên tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội. “Tuy nhiên, người trẻ Việt Nam cần phải được rèn giũa, tôi luyện và va chạm mới bứt phá,” anh nói. “Cách ngắn nhất là đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài, càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt, để sinh viên mình nhận ra họ chỉ là hạt cát, và để họ thấy thế giới rộng lớn ngoài kia, khi đó, họ mới thấy cần phải học tập và cố gắng hơn nữa.”

Theo tiến sĩ Trần Việt Hùng, giấc mơ lớn là “trong tương lai, một sinh viên Bách khoa Hà Nội từ C1 có thể đi bất cứ đâu trên thế giới làm việc.”

Trần Việt Hùng và hai con gái

Kết thúc cuộc trò chuyện với Đặc san, Trần Việt Hùng cho rằng cuộc đời anh gặp nhiều may mắn. May mắn thứ nhất là anh đã chọn Bách khoa Hà Nội. May mắn thứ hai là anh học khoa Công nghệ Thông tin vào thời kỳ mạng Internet mới nhen nhóm ở Việt Nam. Do vậy, anh mong các thế hệ sau không phải trông chờ vào may mắn mà được định hướng và cung cấp thông tin từ sớm để làm chủ cuộc đời.

Nhận thấy người Việt có lợi thế Toán học nhưng không được tiếp xúc công nghệ từ sớm. Đến khi học đại học, chương trình cho sinh viên thường không đào tạo kỹ sư sáng tạo ra sản phẩm công nghệ mà chủ yếu đào tạo kỹ sư gia công phần mềm. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của người trẻ Việt Nam.

Nghĩ là làm. Cuối năm 2019, anh bắt đầu tìm kiếm các cộng sự để phát triển tổ chức phi lợi nhuận đào tạo kiến thức về STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán). Và STEAM for Vietnam ra đời tháng 6/2020.

Hoạt động đầu tiên của STEAM for Vietnam là trại hè miễn phí dành cho trẻ em 8-16 tuổi về tư duy máy tính và lập trình cơ bản. Chương trình đã thu hút hơn 7.000 đăng ký tham gia từ cả 63 tỉnh, thành Việt Nam và 42 quốc gia.

“Tôi và nhiều người Việt trên khắp thế giới đang cố gắng giúp thế hệ tương lai không phải mò mẫm như các thế hệ trước. Khi có thông tin và được định hướng, các em sẽ đi đến đích nhanh hơn,” anh nói.

Hồng Hạnh. Ảnh NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here