Chất như “sắn” Bách khoa

0
1760

Ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên nữ đều được các bạn nam trìu mến gọi là “Sắn”! Ví von đó có lẽ ra đời vào thời kỳ bao cấp, thời kỳ mà người ta hiểu rõ giá trị của lương thực và “sắn lùi Bách Khoa” là một “đặc sản” – bên ngoài là sự giản dị, chân phương, rắn rỏi, nhưng bên trong là vẻ đẹp nội tâm mạnh mẽ, đằm thắm đến nao lòng!

“Sắn” Trần Việt Nga – K36, Ngành Công nghệ Thực phẩm

Là con gái trong gia đình có bố – mẹ đều là cán bộ, giảng viên Bách khoa, anh trai là sinh viên K33 của trường, cả gia đình sống ở khu tập thể Bách khoa Hà Nội do Trường phân – Bách khoa Hà Nội chính là “cuộc sống” của cô Trần Việt Nga.

“Sắn” Trần Việt Nga

Ngay từ khi còn là học sinh, ngày ngày đạp xe qua cổng Đại Cồ Việt và thấy các anh chị sinh viên, cô đã luôn ước ao trở thành một sinh viên Bách khoa chính hiệu. “Thế nên khi thi đại học, dù được thi tận 3 trường, nhưng với tôi, thi xong kỳ thi của Bách khoa chính là kết thúc kỳ thi đại học của bản thân mình”, cô Nga chia sẻ.

Trong suốt quá trình học tập tại Bách khoa, cô Việt Nga đã sở hữu cho mình một bảng thành tích vô cùng ấn tượng. Cùng với bảng vàng học bổng hàng tháng, học bổng hợp tác quốc tế, cô là 1 trong 10 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của khóa được vinh danh trong Lễ tốt nghiệp của trường.

“Tôi nhớ mãi cảm giác hồi hộp, lo lắng để chuẩn bị cho Lễ Tốt nghiệp. Năm đó, chúng tôi rất may mắn là khóa đầu tiên được trường tặng bộ áo mũ cử nhân có thêu logo “Tốt nghiệp xuất sắc” cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của khóa để mặc trong Lễ tốt nghiệp và đặc biệt nhất là được giữ lại cho mình sau buổi lễ. Bộ áo quần đó được may rất đẹp gồm một mũ và áo choàng, đến nay vẫn nằm ngay ngắn trong tủ quần áo của chúng tôi.” – Cô Nga bồi hồi nhớ lại.

Top 10 Tốt nghiệp xuất sắc K36

Ngay sau khi tốt nghiệp, cô được nhận vào làm việc tại Phòng An toàn thực phẩm và sức khỏe môi trường – Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế. Sau đấy, Bộ Y tế được Chính phủ cho phép thành lập Cục Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế – cô Nga vô cùng tự hào khi là thế hệ cán bộ đầu tiên của Cục. Hiện nay, cô Nga đang giữ chức vụ Phó Cục trưởng – Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cô Trần Việt Nga gửi lời chúc các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ và sinh viên nhà trường luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc. Chúc mái nhà Bách khoa thân yêu ngày càng phát triển, giữ vững vị trí ngôi trường top đầu Việt Nam và ngày càng tiến xa trên ngôi bậc thứ hạng các trường đại học danh giá quốc tế. “Chúng tôi mãi mãi tự hào là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội!” – Cô Nga tự hào khẳng định.

“Sắn” Phạm Thị Lệ Mỹ – K61, Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang

Là một cô gái có đam mê với những màu sắc, ngay từ nhỏ, Lệ Mỹ đã bộc lộ khả năng hội hoạ của mình. Cô cho biết mình đã có định hướng học ngành May mặc từ những năm cấp ba, dù cho được định hướng theo ngành sư phạm là truyền thống của gia đình. Lệ Mỹ đã quyết định chọn Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội làm điểm đến tiếp theo trên con đường học vấn của mình.

“Sắn” Phạm Thị Lệ Mỹ

Cô gái sinh năm 1998, đến từ Hải Dương đã đạt được những thành tích rất ấn tượng trong suốt 4.5 năm học tại ngôi trường này: Tốt nghiệp kỹ sư loại giỏi với CPA 3.33 và còn hoàn thành sớm chương trình học nửa năm; đạt được Học bổng khuyến khích học tập học kì I năm học 2020-2021 loại B của Bách khoa; vinh dự nhận được Học bổng của Trường Niederrhein University of Applied Sciences và Công ty TNHH VanLaack Aisa sang Đức tham quan và học tập.

Đặc biệt hơn, Lệ Mỹ là sinh viên đứng thứ nhất và duy nhất đạt chứng chỉ loại Giỏi khi học song song chương trình “Đào tạo nghề song hành theo mô hình của Cộng hòa Liên bang Đức – ngành đào tạo Chuyên viên May mặc và Thời trang” bên cạnh việc học chương trình đào tạo của Bách khoa Hà Nội. Hiện tại, Lệ Mỹ đang là học viên cao học chương trình học Thạc sỹ Khoa học Công nghệ May theo diện học bổng toàn phần.

Khép lại 4.5 năm, Lệ Mỹ xúc động nhớ lại những kỉ niệm về thầy cô, bạn bè: “Nhắc về Bách khoa Hà Nội, mình nhớ nhất về con người nơi đây”. Đối với Lệ Mỹ, Bách khoa có những người thầy tận tình dạy bảo, truyền đạt kiến thức không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là cách sống, tinh thần làm việc, cống hiến, tình yêu nghề thật đáng quý. Trong lớp học, trên thư viện, giảng đường…, Lệ Mỹ được học tập và làm việc cùng với những người bạn tài giỏi, chăm chỉ và tốt bụng.

Lệ Mỹ còn chia sẻ về những người thầy người cô mà bạn không bao giờ có thể quên được, đó là ThS. Lê Thị Dung – cô giáo ân cần, dịu dàng, đã xây nền móng kiến thức chuyên ngành cho Mỹ. Hay PGS. TS Phan Thanh Thảo – cô giáo đã cho Mỹ cơ hội được cùng tham gia nghiên cứu giải quyết những vấn đề vẫn còn tồn tại trong ngành dệt may công nghiệp Việt Nam. Cơ duyên này đến từ việc Lệ Mỹ trải nghiệm đi làm thêm và chứng kiến tận mắt sự vất vả của người thợ may – nghề mọi người vẫn đùa nhau là rung đùi ra tiền.

Có được những năm tháng sinh viên đầy ý nghĩa và đáng trân trọng như thế, Lệ Mỹ luôn tự hào khi được học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Trường, Lệ Mỹ tâm huyết chia sẻ: “Chúc mừng sinh nhật tròn 65 tuổi của Trường chúng ta. Tôi mong Trường sẽ luôn giữ vững vị trí khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam, phát triển vươn mình đứng top trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2021, tỷ lệ nữ sinh đầu vào Đại học Bách khoa Hà Nội đạt 23.75%. Tỷ lệ nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc được khen thưởng đạt 25% Nữ sinh Bách khoa không chỉ tăng về lượng, mà có sự cải thiện rõ rệt về “chất”!

Lê Doãn Thục Anh (ghi). Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here