Từ Khu học xá Đông Dương xưa đến Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nay

0
758
Khu Học xá Đông Dương lúc mới xây dựng xong. Ảnh minh họa trong Indochine hebdomadaire illustré, N o spécial 164-165, 28 octobre 1943.

Trường đại học Đông Dương được thành lập ngày 16/5/1906 tại Hà Nội. Từ năm 1935 đến 1942, đại học Đông Dương đã có một số trường thành viên như Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Khoa học thực hành, Trường Cao đẳng Văn khoa với các giờ dạy và hội thảo dành cho công chúng, Trường Mỹ thuật Đông Dương, Trường Cao đẳng Luật Hà Nội, Học viện Nghiên cứu Luật pháp và Xã hội Viễn đông, Trường Cao đẳng Khoa học…

Trường ĐH danh giá của Pháp tại Viễn Đông

Chính vì là một trường ĐH danh giá của Pháp tại Viễn Đông nên mọi cơ sở vật chất của ĐH Đông Dương đã được chính quyền thuộc địa rất quan tâm. Ngoài công trình chính đầu tiên được xây dựng vào năm 1913 là công trình Trường ĐH Đông Dương nằm trên đường Bobillot (nay là phố Lê Thánh Tông), năm 1942 chính quyền thuộc địa còn cho xây dựng Khu Học xá Đông Dương để đón nhận không chỉ sinh viên các nước Đông Dương mà còn đón nhận sinh viên các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan… sang học tại ĐH Đông Dương.

Ban đầu, theo quyết định của Toàn quyền Decoux, Khu Học xá được xây dựng trên một khoảng đất rộng 55 hecta ở làng Bạch Mai, gồm một phần nằm trong huyện Hoàn Long và một phần nằm trong địa hạt của thành phố Hà Nội, trong đó 17 hecta được dành để xây dựng Đông Dương học xá, có khu nội trú, nhà ăn của sinh viên Việt, Miên, Lào, Pháp và sinh viên các nước khác với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt theo kiểu các tầng lớp trên của xã hội đương thời.

Ngoài nhà ở, nhà ăn của sinh viên, chính quyền thuộc địa còn dự định xây dựng sân vận động, các bãi chơi thể thao, khu hành chính quản trị, nhà ở cho Giám đốc, Tổng Thư ký, nhân viên, nhà thờ, chùa…

Để có kinh phí xây dựng công trình, một cuộc quyên góp với sự tham gia của tất cả các nước trong Liên bang Đông Dương đã được phát động và thu được 12 triệu đồng Đông Dương.

Ý tưởng công trình Khu Học xá

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội – Viện ITIMS ngày nay

Công trình Khu Học xá được khởi động từ cuối năm 1941 bằng cuộc thi ý tưởng tổ chức giữa các nhà kiến trúc sư Pháp và Việt. Có 14 dự án tham gia cuộc thi được trình lên ban Giám khảo do phu nhân Toàn quyền J. Decoux làm Chủ tịch. Vì mục đích của cuộc thi nhằm “tạo ra một cuộc vận động về ý tưởng” nên các nhà kiến trúc sư tham dự đã không trình bày một dự án cố định nào mà chỉ biểu đạt ý tưởng của họ về Khu Học xá trong tương lai, theo những điều kiện và nhu cầu đính kèm theo chương trình chi tiết đã công bố trên báo chí đương thời.

Trong số 14 dự án tham gia cuộc thi, có 3 dự án được Ban Giám khảo xếp hạng. Dự án mang tên Vườn biểu tượng của 3 kiến trúc sư người Pháp tại Sài Gòn (Chauchon, Masson và Gilles) được xếp thứ nhất; thứ nhì là dự án của Tạ Mỹ Duật, kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Mỹ thuật ở Hà Nội và cuối cùng là dự án của Bruel, kiến trúc sư của Sở Nhà đất thành phố Sài Gòn.

Người được giao trách nhiệm nghiên cứu và rút ra những gì tinh túy nhất của cả 3 dự án đã được xếp hạng ở trên, nhằm xây dựng một dự án cố định cho khu nhà ở đầu tiên cho sinh viên, khởi đầu cho công trình xây dựng Khu Học xá Đông Dương chính là kiến trúc sư Jacques Lagisquet, người của Sở Nhà đất thành phố Hà Nội.

Theo hồ sơ thiết kế hiện còn lưu giữ lại thì toàn bộ công trình Đông Dương học xá gồm 24 công trình lớn nhỏ, gồm 10 khu nhà dự tính cho 1.200 sinh viên, khu công trình công cộng, một nhà ăn lớn, một sân vận động có khán đài với 5-6 sân tennis và một bể bơi ngoài trời, nhà riêng của Giám đốc và Tổng Thư ký, một số nhà ở cho nhân viên phục vụ, một số nhà thờ và chùa…

Phong cách kiến trúc yêu cầu được xây dựng là vận dụng phong cách kiến trúc Việt Nam kết hợp với yêu cầu kiến trúc hiện đại, cách trang trí trong nhà theo phong cách địa phương ở các xứ thuộc Đông Dương.

Vì dự án tương đối lớn nên chính quyền thuộc địa quyết định sẽ xây dựng khu Học xá Đông Dương trong nhiều năm. Thời gian tiến hành từ tháng 2/1942 đến tháng 3/1944 nhưng tốc độ thi công rất chậm vì ở Hà Nội lúc đó luôn luôn có báo động do máy bay Mỹ đe dọa ném bom và vật liệu thiếu nghiêm trọng, nhất là xi-măng.

Khi khu thứ nhất mang tên “Toà nhà Nam Kỳ” đang ở giai đoạn hoàn thiện để chuẩn bị đón sinh viên ngay từ đầu tháng giêng năm 1943, Toàn quyền Jean-Decoux đã đến thăm công trình và đây là lần đến thăm thứ nhất. Vào thời điểm đó, khu nhà ngủ của sinh viên nội trú đã được xây dựng xong và người ta đã mắc xong các đường điện, lắp đặt xong khu vệ sinh và đang sơn tường.

Mỗi khu được xây dựng để đón khoảng 80 sinh viên, phân chia trong 8 khu nhà ngủ. Mỗi nhà ngủ được trang bị một khu vệ sinh gồm bồn rửa mặt, phòng tắm, tủ treo quần áo, giá sách, bàn học, đèn cá nhân… Khu công trình công cộng bao gồm tầng trệt, gian chính lớn với một khoảng sân rộng trước mỗi khu. Mỗi bên có một phòng tiếp khách, một phòng gửi quần áo, phòng làm việc của người quản lý. Ngoài ra còn có phòng y tế, phòng hội họp, thư viện… Dưới tầng hầm có chỗ để xe đạp, nơi cất va li và chỗ ở cho người phục vụ. Trong khi chờ xây dựng khu nhà ăn, sinh viên có thể dùng bữa trong phòng ở hoặc dưới tầng hầm.

Bách khoa nay với một số công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương

Đầu năm 1945, công trình Đông Dương Học xá mới được thực hiện xong một số hạng mục. Theo dự tính, Khu Học xá Đông Dương sẽ đón được khoảng 320 sinh viên và sẽ không thua kém gì các khu nội trú của các trường ĐH ở Paris. Nhưng sau đó, sự kiện Nhật đảo chính Pháp đã xẩy ra. Tiếp đó là cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Minh đã giành được thắng lợi. Công trình Khu Học xá Đông Dương vì thế không thể tiếp tục được nữa và đã trở thành công trình cuối cùng của chính quyền thực dân trên đất Hà Nội.

Sau ngày hoà bình lập lại, khu Học xá Đông Dương đã được Trường ĐH Bách khoa tiếp quản và xây dựng thêm thành một khu ĐH đồ sộ như ngày nay.

Giờ đây, bất cứ ai đi vào khu Bách Khoa đều dễ dàng nhận thấy, bên cạnh các công trình kiến trúc hiện đại mang hơi thở của cuộc sống như cổng vòm Parabol hay Thư viện Tạ Quang Bửu, vẫn còn một vài công trình mang đậm dấu ấn thuộc địa với phong cách kiến trúc Đông Dương cùng các họa tiết trang trí trên mái.

Đào Thị Diến

(Trích lược “Từ kho học xá Đông Dương thời Pháp thuộc đến khu Đại học Bách khoa ngày nay” – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here