Tết Bính Ngọ năm ấy (1966), Trường Đại học Bách khoa quyết định tất cả thầy, trò ở lại khu C (Lạng Sơn). Thông báo vừa ra, không khí chợt trở nên trầm lắng. Cả năm xa nhà, bao nhiêu “kế hoạch” cho đợt nghỉ dài ngày này, thế là tan vỡ… Trái lại, nghe tin “cái thầy giáo và sinh viên” ở lại ăn Tết, dân bản từ già đến trẻ, nhất là đám thanh thiếu niên, vui mừng mời anh chị em về ăn Tết nhà mình.
Thầy giáo Bách khoa “cho chữ”
Khu C có 2 dân tộc: Người Tày – áo dài màu chàm – gần với người Kinh và người Nùng – áo ngắn màu đen, cùng tộc với người Choang bên kia biên giới. Ngôn ngữ Tày và Nùng gần giống nhau, hiểu nhau. Họ chỉ khác nhau một số phong tục tập quán.
Hồi mới lên chúng tôi ở nhờ trong nhà dân. Ban phụ trách ở đầu bản Sl’ào, nhóm anh Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ nhiệm Liên khoa Điện – Vô tuyến điện là H trưởng, ở nhà Có Long người Tày, còn nhóm tôi ở nhà Ké Dìn người Nùng.
Anh Long và anh Dìn (con Ké Dìn) đi chợ Trung Quốc về thì việc đầu tiên là mang mấy bức ảnh có chữ Hán dán lên cột nhà và trên bàn thờ.
Tôi đọc, hỏi anh Dìn: “Sao nhà mình lại dán chữ này?”.
Ké Dìn kéo tôi đến gần bàn thờ, lấy khăn sạch, lau tờ giấy đỏ đã phai mầu trên nóc bàn thờ, có mấy chữ Hán: PHÚC, LỘC, THỌ rồi nói: “Năm xưa đến Tết là mời thầy Mo về cho chữ để thờ. Sau này không thấy thầy Mo nữa, chúng nó đi chợ Trung Quốc thấy tranh có chữ đẹp nên mua về dán thôi”.
Tôi liền bảo: “Anh Dìn có giấy đỏ không, tôi và anh Thế Hùng (học ở Trung Quốc về) sẽ viết chữ tốt cho nhà mình”.
Họ bèn lấy một cuộn giấy đỏ và tìm bút nghiên, lôi thỏi mực cũ ra mài. Ké Dìn không như bình thường mà trịnh trọng hỏi:
– “Hai thầy cho biết cần sửa lễ gì để viết chữ ạ?”
– “À không, chúng tôi là thầy giáo của dân, viết chữ mừng Xuân cho mọi người, không cần lễ gì đâu.”
Anh Hùng viết một bức giản thể: PHÚC LỘC THỌ. Khi đưa ra, Ké Dìn vuốt ve, so sánh với bức chữ phồn thể cũ, có vẻ tần ngần. Tôi hiểu ra là chữ giản thể không giống chữ cũ (phồn thể), họ không tin, nên đỡ ngay:
– “Tôi viết theo lối chữ thầy Mo nhé: PHÚC LỘC THỌ”.
Tôi bảo anh Hùng viết thêm hai bức cũng theo chữ phồn thể: KHÁNH CHÚC TÂN NIÊN.
Hai gia đình mừng rỡ, vội vã sắp mâm quả đặt lên bàn thờ thắp hương, bỏ tranh Trung Quốc, dán chữ của chúng tôi lên.
Tôi ra hiệu với anh Hùng nói: “Kiểu chữ thầy Mo này cũng đẹp nhưng cũ rồi, nhân thể giấy bút, chúng tôi viết mấy cái băng chữ kiểu mới nhé, đẹp và ý nghĩa mà ai xem cũng hiểu ngay”.
Chúng tôi viết băng rôn: “MỪNG XUÂN MỚI THẮNG LỢI MỚI” và được căng ngay trước sàn nhà.
Đến chiều tối thì tiếng đồn thầy giáo Bách khoa “cho chữ” lan khắp bản, mấy hôm sau tôi và anh Hùng phải chia nhau đi “phục vụ” bà con.
Đi chợ xuân, giải câu đố
Người Tày Nùng không có tục cúng ông Táo, từ 26, 27 mới có không khí Tết. Từ ngày 30, thầy trò đều về lại nhà dân trước đây mình đã ở lúc mới lên.
Đêm giao thừa, người Tày nấu “bánh Tày” cũng dùng gạo nếp, đỗ xanh nhân thịt mỡ nhưng không gói vuông to như bánh chưng mà cũng không thành đòn như bánh tét. Mỗi cái bánh vừa 1 người ăn 1 bữa.
Người Nùng thì làm sủi cảo, xay bột nếp lẫn tẻ, nhào nước cho nhuyễn rồi dàn mỏng. bọc nhân tôm thịt đem hấp.
Đúng giao thừa, từng gia đình quây quần bên bếp lửa giữa nhà, gia chủ đứng lên, từng người trong nhà mỗi người chúc một chén rượu ngô. Trẻ em mẹ còn bế cũng nhúng ngón tay vào rượu chấm môi. Chúc xong cả nhà quây quần ăn bánh, lũ trẻ đốt pháo hoa cà hoa cải (dùng giấy bản quấn thuốc súng tự chế).
Tiếng pháo (mua từ Trung Quốc) lạch tạch khắp bản, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng pháo trúc vang ầm (pháo do dân làm bằng ống trúc, nhồi thuốc súng tự chế bằng diêm tiêu, than xoan và lưu huỳnh).
Sáng mồng một cả nhà ngủ muộn. Khoảng 10 giờ sáng, khi đang cuộn mình trong chăn, co quắp bên bếp lửa thì tôi bị một đám các noọng, các chài xông vào, kéo chăn, kéo dậy:
-“Đi chợ Xuân thôi cái tu mu (con lợn) lười này á!”.
Tôi và anh Ảnh (Vật lý), anh Thọ (Cơ lý thuyết) đành ngồi dậy sửa sang quần áo ăn tạm mấy cái sủi cảo rồi đi theo.
Chợ Xuân là một bãi đất rộng đầu bản, ở đó đã dựng lên nhiều sạp khăn áo, đồ chơi… và kẹo bánh. Noọng Vương, noọng Tỵ… lôi chúng tôi đến chỗ quầy Giải câu đố.
Quầy có cái sào trúc treo những sợi dây, mỗi sợi buộc một túi nhỏ ghi giá tiền. Người chơi phải là nam giới bỏ tiền chọn câu đố, giá thấp nhất là 1 đồng, cao nhất là 10 đồng (lúc đó 1 đồng mua được 1 lít mật ong hoặc 50 quả trứng). Bóc câu đố và giải theo khấc nén nhang, trúng thì được giải cái khăn, lọ nước hoa,… giá trị nhất là bộ váy thêu – Toàn đồ để tặng cho bạn gái. Sai thì mất tiền!
Câu loại 1 đồng rất dễ, giải cũng cỡ 1 đồng, như: -“ Tu lăng soong mừ pét kha. Soong ha nừng toộc chăn xừ tu lăng?” – Con gì hai tay tám chân. Hai mắt một mai đúng là con gì? (Con cua – Tu pu).
Nhưng cũng có câu lý thú: “Ca lăng, tu nu mì an đeo, Lục slao mì soong tèo?” – Cái gì mà con chuột chỉ có một, con gái lại có hai? (Cái đuôi, con gái là 2 đuôi tóc – Nghé hang).
Những ngày sau đó, kéo nhau đi xem hội Đua mảng, hội Vật… đến Mồng 7 tháng Giêng là hội Lồng tồng (Xuống ruộng), mở đầu một năm lao động mới… Tết xa nhà cứ thế mà trôi đi, quên cả phiền muộn.
Nhân Xuân Nhâm Dần, nhớ lại những kỷ niệm từ hơn nửa thế kỷ trước, nhớ tấm lòng của đồng bào các dân tộc thân yêu đã chia sẻ mái nhà, bếp lửa, củ sắn cho thầy và trò Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời kỳ đất nước khó khăn, chợt thấy ấm áp, thương yêu trào dâng trong lòng…
Thái Thanh Sơn