Vào một buổi chiều cuối tháng 3, tôi tới nhà riêng gặp thầy Trần Hữu Quế như đã hẹn. Ông ngồi trên bộ sofa trong phòng khách giản dị chứa bao kỷ niệm và những bức ảnh cũ của gia đình. Trên bàn, ngay trước mặt ông là một chiếc hộp nhỏ nhắn hình chữ nhật. Qua lớp nhựa cứng mờ đục, tôi nhận ra chiếc huy hiệu nằm ngay ngắn giữa hộp. Từ thời điểm ấy, câu chuyện về lịch sử và những hiệu ứng tích cực từ chiếc huy hiệu trong thời gian công tác sau này được ông chia sẻ cởi mở hơn.
Mặc dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn bước đi thoăn thoắt, hay đùa nhưng chính xác với lời hẹn từng phút. Với những câu nói hóm hỉnh cùng nụ cười có khả năng xóa đi ở người khác mọi khoảng cách. Ông vào đề câu chuyện với mấy câu thơ do chính ông sáng tác:
Rằng ta Quý Dậu tuổi gà
Năm nay Thân đáo hỏi đà mấy mươi
Xuân xanh quá tám chục rồi
Mái đầu bạc trắng, đồi mồi nước da
Dáng đi khật khưỡng ông già
Còn đâu cái tuổi mặn mà ngày xưa
Nhưng ai có hỏi xin thưa:
Nàng thơ liếc mắt, ta chưa có già
Hội thơ nhã ý mừng ta
Cho ta thơm má quý bà Nàng thơ.
Tiếp tục câu chuyện về huy hiệu Trường, ông say sưa kể. Năm 1953, ông được cử đi học ở Trung Quốc và đến năm 1957 trở về giảng dạy tại ĐHBK Hà Nội môn Hình họa Vẽ kỹ thuật thuộc Khoa Xây dựng.
Đến năm 1960, Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng là GS Tạ Quang Bửu) chủ trương, khóa 1 – “đứa con” kỹ sư đầu đàn của Trường ĐHBK Hà Nội tốt nghiệp phải có cái gì đó làm kỷ niệm. Do đó, mùa thu năm 1960, Ban Giám hiệu đã phát động toàn Trường cuộc thi vẽ huy hiệu của Trường. Khi đó, cuộc thi đã thu hút cả sinh viên ngành Kiến trúc và các thầy Bách Khoa tham gia với hơn 200 mẫu nộp.
Ngày ấy, còn Hội trường bát giác và phía ngoài hàng rào bể bơi bây giờ nhìn ra nhà 5 tầng có sân bóng chuyền (nay là sân tennis), bên cạnh có căng tin của cán bộ Trường, 200 mẫu vẽ huy hiệu được trưng bày ở đó để mọi người góp ý và bình chọn. Ông cho biết, lúc đó, ông chỉ là cán bộ giảng dạy trẻ, không phải họa sĩ, nhưng được sự động viên của các thầy trong bộ môn và thầy Nguyễn Xuân Lạc, bạn học ở Trung Quốc cùng về Trường Bách Khoa nên ông đã suy nghĩ thiết kế vẽ mẫu huy hiệu và mạnh dạn tham dự. Không ngờ, Ban Giám hiệu đã chọn mẫu của ông. Và phần thưởng cho tác phẩm huy hiệu là 20 đồng, giá trị bằng nửa tháng lương thời đó.
Khi được hỏi về ý nghĩa của hiệu huy (nay là logo) Trường, ông trầm ngâm nhớ lại: huy hiệu có dạng hình chữ nhật, gồm phần hình ở trên và phần chữ ở dưới, bố cục hài hòa. Phần hình là cuốn sách đang mở rộng, có tỷ lệ gần với tỷ lệ khổ giấy tiêu chuẩn; còn huy hiệu có tỷ lệ gần với tỷ lệ vàng kiến trúc.
Đầu tiên ông vẽ quyển sách với hai trang sách màu trắng thể hiện sự trong trắng của sinh viên, với hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho sự soi sáng, dẫn đường của Đảng, còn tên Trường được viết tắt là ĐHBK đặt phía dưới cuốn sách. Nhưng sau, Ban Giám hiệu có góp ý cần viết rõ tên Trường là Đại học Bách Khoa và trang bên trái cuốn sách có màu đỏ với ý nghĩa màu cờ Tổ quốc.
Trong khi tôi lật giở xem từng thứ thì ông tiếp tục tìm kiếm gì đó trong kho tư liệu của ông. Chờ tôi ngẩng lên, ông mới chia sẻ thêm về ý nghĩa của hình bánh răng và compa trên logo Trường. Ông nói, chính giữa logo nổi bật lên bánh răng và compa màu vàng, tượng trung cho lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật công nghiệp. Compa ở đây là compa kỹ thuật nói chung, gồm compa đo và compa vẽ, thể hiện sự chính xác trong thiết kế và sáng tạo. Câu chuyện về hình ảnh compa của ông làm tôi liên tưởng tới compa mà những người đi biển thường sử dụng để đo hải trình trên bản đồ. Ý tưởng lấy compa và bánh răng xuất phát từ chủ đề công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa tại Đại hội Đảng lần thứ III (năm 1960).
Ông lật đi lật lại chiếc huy hiệu cũ rồi hỏi tôi: “Cháu có biết vì sao ông đặt compa nghiêng không?”. Thấy tôi băn khoăn, ông tiếp luôn: Thời kỳ đó, Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên năm 1957. Liên tưởng tới hình ảnh kỳ vĩ này, ông đã cách điệu vẽ vành răng dáng mảnh giống hình tượng của trái đất. Và compa được vẽ thuôn nhọn với góc nghiêng 30 độ tạo dáng giống vệ tinh nhân tạo được bay lên từ trái đất. Ông còn nhấn mạnh: “Hình ảnh này làm ta liên tưởng đến khát vọng của con người từ trái đất vươn ra ngoài không gian bao la”.
Những ý tưởng thiết kế trên của ông đã tạo nên mẫu huy hiệu đẹp, một biểu tượng hoàn chỉnh tượng trưng cho Trường ĐHBK Hà Nội lúc bấy giờ và đã tồn tại cho đến bây giờ.
Kết thúc câu chuyện về logo Trường, ông đã tặng tôi bài thơ mang đậm “chất Bách Khoa” của ông:
Tâm chiếu – trái tim hồng
Tia chiếu – ánh mắt trong
Mặt phẳng chiếu – gương sáng
Hình chiếu – soi cõi lòng
Đường chân trời – tít tắp
Mặt tranh – rộng mênh mông
Điểm tụ – nơi sâu thẳm
Tầm nhìn – vợi núi sông.
Cẩm Lệ