Mảnh hồn quê

0
118

Huyền Trang

Ảnh: sưu tầm

Làng tôi uốn quanh, men theo dòng sông Cầu hiền hòa, quanh năm vun đắp phù sa cho đôi bờ tươi tốt. Chẳng vì thế mà các vị cao nhân ngày xưa vẫn gọi mảnh đất ấy như một đám mây vờn quanh tấm lụa đào mềm mại, phong cảnh lại rất đỗi sơn thủy hữu tình. Đi xa lâu ngày mới về làng, điều tôi nhớ nhất chính là những kỉ niệm ấu thơ trong ngôi làng nhỏ bên dòng sông hiền hòa như chính con người nơi đây.

Hai bên bờ sông là bạt ngàn dâu xanh được phù sa bồi đắp, thân cây mập mạp, lá dâu to bản xòe ra như những cánh tay với mãi vào không trung. Sau những buổi chiều chăn trâu cắt cỏ trên đồng, bãi dâu là nơi lí tưởng cho một “trận địa” của lũ trẻ quê nhà. Đi dưới những tàng lá xum xuê, nhiều khi không biết là trời mưa hay nắng, cứ thế mà trốn tìm, lẩn khuất trong tiếng cười giòn giã của tuổi thơ. Đàn bò vàng mải mê gặm cỏ, đến chiều tối ngoan ngoãn theo nhau về. Bò mẹ thỉnh thoảng lạc mất bê con, nghếch cổ lên gọi ê a, vang cả xóm nghèo.

Con đường làng giờ đã đổ bê tông, ngày mưa không còn nỗi lo lội bùn tới lớp như ngày nào. Chỉ hàng cây hai bên đường dường như vẫn thế, những gốc phi lao già cỗi vẫn rì rầm kể chuyện mỗi khi gió len lỏi qua từng kẽ lá hình kim. Buổi trưa, chẳng đứa trẻ nào dám đứng một mình dưới gốc cây bởi những âm thanh rùng mình đó. Thế mà có một lần tôi đã can đảm đi tìm mẹ giữa buổi trưa vắng ngắt. Tôi thấy mẹ bị say nắng ngồi gục bên một gốc cây, hóa ra vì quá trưa mà không thấy tôi về nên mẹ mới đi tìm và bị say nắng, lần đó tôi cứ ân hận mãi. Sau này, khi mẹ đến một nơi xa, tôi vẫn thường một mình ra đứng dưới những tán phi lao, nghe những thanh âm rì rào lúc này đã trở nên quen thuộc.

Vào những đêm sáng trăng, gió từ dưới bãi thổi lên mát rười rượi. Từng cặp, từng cặp thanh niên yêu nhau dập dìu trên những triền đê thủ thỉ tâm tình. Lũ trẻ chúng tôi lại thích tụ tập nhau chơi trò đốt pháo hoa. Buổi trưa chang chang nắng rủ nhau đi lấy bùn từ những đầm lầy bạt ngàn hoa súng. Lấy bùn thì ít mà hái hoa súng thì nhiều, thứ hoa tím biếc mang tên một loại “vũ khí” nhưng lại có những chiếc cánh thật mỏng manh, khẽ rung lên mỗi khi có cơn gió lướt nhẹ. Bùn mang về nhào cho thật dẻo, than cây xoan sau khi đốt cháy mang giã mịn, trộn với ít muối trắng rồi lấy giấy bọc lại từng bọc nhỏ. Công đoạn tiếp theo là dùng bùn bọc lại giấy sao cho giấy giữ được than ở trong rồi mới đem phơi khô. Phải chờ đến đêm trăng mới mang ra đốt, trước khi ném chiếc pháo hoa lên trời cũng là lúc tất cả chúng tôi cùng cầu nguyện. Riêng tôi, tôi luôn cầu nguyện một điều duy nhất, cầu mong mẹ ở nơi xa ấy luôn được an lành. Những tia sáng lấp lánh thật vui mắt mà cũng kì bí không kém một phép nhiệm màu.

Chợ làng mỗi hôm họp một lần vào buổi sớm, ai muốn đi chợ phiên thì phải qua đò. Chợ làng nhỏ xinh nhưng cũng nhộn nhịp người mua bán, những gánh rau xanh các dì các mẹ đi hái từ sớm còn đọng hơi sương, mớ tép con cua cha đi bắt cả đêm bán lấy tiền nuôi con ăn học. Lá trầu quả cau ngoài vườn cũng trở thành món quà của các vị cao niên mua biếu cho nhau. Chợ quê còn là nơi để ta hồi tưởng lại niềm vui khi được bà hay mẹ cho lẽo đẽo theo sau ra chợ ăn quà…

Cổng làng rêu phong như đã vài trăm tuổi, là ranh giới phân biệt giữa các làng, cũng là nơi dừng chân nghỉ mát giữa buổi trưa hè của các bác nông dân quanh năm vất vả. Cổng làng là nơi đưa ta đi đến những chân trời mới và luôn dang rộng cánh cổng đón ta ngày trở về.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here