Bách khoa giờ thứ 9

“Ở Bách khoa, nhiều người yêu trường hơn cả người yêu!” – một nhà khoa học trong lần phỏng vấn báo chí đã dí dỏm nói vui về tình cảm của những con người gắn bó ngày đêm với Bách khoa, quên hết thời gian, ngày tháng để lụi cụi trong phòng thí nghiệm, văn phòng để làm việc!

0
522
Toà nhà Thư viện Tạ Quang Bửu với những ô cửa sáng đèn vào buổi tối.

Những người thích… việc

Các bác bảo vệ Thư viện Tạ Quang Bửu thuộc lòng từng nhân vật, phòng/ban có người hay về muộn. Như có một chị ở tầng 3 là nhân vật chuyên làm quá giờ! Tính chị vốn cầu toàn muốn việc phải thật hoàn hảo, nên cuối ngày chị dành thời gian để kiểm tra lại những công việc đã giao, kết nối với các học viên mình hướng dẫn để đôn đốc nhắc nhở… Tính ra, chị làm việc mười mấy tiếng đồng hồ/ngày ở trường. Mà lạ một cái là ngày nào cũng 6 – 7h mới rời công sở nhưng lúc nào ông chồng cũng tươi cười đợi chờ đưa đón.

Nghe kể có lần xótvợ, ông chồng còn đến nhà bà ngoại mách nhỏ, rằng “Mẹ bảo thế nào chứ vợ con làm việc hơnchục tiếng một ngày có chết không cơ chứ”! Bàngoại xót xa trách móc, chị lại cười tâm sự: “Tínhcon thích… việc, một ngày mà làm ít việc có khicon ốm mất”. Bà ngoại nghe thế cũng đành bó tay,lại thủ thỉ cùng con rể và các cháu, làm sao giúp đỡ việc nhà để chị yên tâm công tác, khuya sớmvới công việc.

Cũng ở Thư viện Tạ Quang Bửu, từ tầng 3, tầng 4, lên cả tầng 5, trong các phòng tự học và cả những chiếc bàn kê ngoài hành lang là những mái đầu cắm cúi học bài. Một số giảng đường, các thành viên CLB hỗ trợ sinh viên còn bỏ thời gian ôn tập kiến thức cho các em khóa dưới. Trong không gian yên tĩnh, tập trung ấy, thỉnh thoảng lại vang lên một tiếng reo vui vẻ khi ai đó làm được một bài một bài toán mới, hay tiếng thở dài não nề khi mãi mà không giải xong một đề thi khó nhằn.

Bảo vệ ở thư viện khá vất vả vì đến giờ đóng cửa, họ phải đi từng tầng, nhìn từng góc để “lùa” SV về đi ngủ, mai còn dậy sớm lên giảng đường. Có sinh viên ra trường rồi, nhớ tiếng của bác bảo vệ bắt về không cho học nữa mà tự dưng cay mắt. Lúc đó, các bác, các cô đúng như bố mẹ ở nhà chăm lo sức khỏe cho con ăn học vậy. Chuyện “thâm cung bí sử” ở các phòng thí nghiệm Bách khoa giờ thứ 9 còn có “tiếng thét” sợ… chuột!

Cùng thầy cô hướng dẫn, các SV được nhà trường cho phép thực hành ở phòng thí nghiệm đến 10 giờ tối. Đang say sưa làm việc, ngẩng đầu lên, chợt thấy một đôi mắt bé tí, đen nhánh thò từ hốc tường ra chăm chắm nhìn mình, cô sinh viên nữ nhảy dựng, thét “AAAAAAA” chói lói, các bạn nam làm cùng giật nảy cả người, rơi đồ loảng xoảng. Ngay sau đó là tiếng bước chân gấp gáp của bác bảo vệ. Mở cửa phòng, thấy một cô nàng mặt đỏ lựng và các nam sinh tay chân lấm lem dầu mỡ cười lăn cười bò, hỏi rõ nguồn cơn, bác bảo vệ mới thở phào nhẹ nhõm.

Không có quy định nào bắt buộc các cán bộ, giảng viên, sinh viên sau giờ làm việc phải ở nhiệm sở làm việc, học tập; công việc cơ quan giao với tư duy khoa học họ đều sắp xếp để hoàn thành trong hạn định cho phép. Nhưng chung một đam mê trau dồi và rèn luyện kiến thức, kỹ năng thực hành, thí nghiệm, làm chủ hệ thống thiết bị máy móc, lại được sự hỗ trợ nhiệt tình từ lãnh đạo nhà trường, các nhà khoa học và sinh viên tài năng đã quên cả thời gian, tự nguyện tập trung đầu tư cho mạch nghiên cứu, sáng tạo của mình. Nhà có người thích việc, kéo theo những người vợ/ chồng/con cái… đứng sau họ đều chia sẻ và có thêm tình yêu, niềm tin với Bách khoa!

Nhiều người ví những ô cửa sáng đèn như những đôi mắt tinh tường, sáng láng bảo vệ ngôi trường, nhìn về tương lai, nhưng cũng có ví von đó là những trái tim nhỏ ngầm bơm mạch máu của sáng tạo, của sức trẻ, của tình yêu khoa học. Để ngày hôm sau, không cần thời gian khởi động, Bách khoa lại đầy ắp sức sống, sẵn sàng đón một ngày mới.

Các nhóm sinh viên xếp vòng tròn ca hát….

Góc hồ nơi ta hẹn…
Nhắc đến hồ Tiền sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh hoa súng phủ kín mặt hồ trong tiết thu lãng mạn. Mùa “không hoa súng”, hồ Tiền giờ thứ 9 lại rộn ràng những “bông hoa tình yêu”. Nhiều đôi yêu nhau lấy hồ Tiền làm điểm hẹn, để rồi gặp người quen, cuộc hẹn “hai ta” thoáng chốc lại thành “bàn tròn tám chuyện” lúc nào không biết. Hồ Tiền còn lãng mạn bởi hình ảnh “trai Bách khoa” lãng tử gẩy đàn ghita, không để ý rằng cậu chàng đã làm cơ số trái tim thiếu nữ lạc nhịp!

Một vài sinh viên hết giờ tự học trong thư viện lại vác sách vở, ôn bài nhờ chút ánh điện hắt ra từ tòa nhà Love HUST. Có bác bảo vệ rất bức xúc, rằng đã bảo về nhà nghỉ ngơi rồi học tập sau nhưng cứ không nghe. Dường như chỉ ở Bách khoa, trong khung cảnh Bách khoa, giữa những con người Bách khoa… mới khơi gợi cảm hứng sáng tạo vậy! Một sức hấp dẫn bền bỉ như nụ cười nàng Mona Lisa bí ẩn, khó định nghĩa thành lời.

Sân trường rộn tiếng ca

Có những chiều, ông “Bách khoa” 63 tuổi (số năm trường từ ngày thành lập đến nay) bỗng hóa chàng thành niên sung sức trên “Sàn nhảy Bê tông” quảng trường C1. Sau giờ làm việc, ngôi trường nghiêm trang lại trở thành sân tập rèn luyện sức khỏe của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Các nữ giảng viên còn tự hào in áo đồng phục Câu lạc bộ Zumba với chữ “BK Zumba Club”, khẳng định thương hiệu người Bách khoa yêu khoa học nhưng rất hiện đại, cập nhật! Những điệu nhảy Zumba sôi động không chỉ tạo nên một tập thể gắn kết mà còn mang lại độ bền bỉ, sự dẻo dai để mỗi người Bách Khoa đủ sức khỏe cống hiến cho công việc, làm công tác xã hội, chăm lo cho gia đình.

Từ trái tim quảng trường C1, mạch máu tuổi trẻ lan khắp các sân C9, C4, D3, D7, nhiều nhóm sinh viên xếp vòng tròn ca hát, sinh hoạt CLB tiếng Anh, CLB nhảy Nhật Yosakoi… Tại những sân chơi này, không chỉ sinh viên Bách khoa mà rất đông bạn trẻ các trường tại Hà Nội đều háo hức đến tham gia để giao lưu, học hỏi. Bách khoa là thế, gần gũi và mới mẻ! Để đã hò hẹn với Bách khoa sẽ lại muốn tiến thêm bước tìm hiểu và… yêu dài lâu, yêu đậm sâu từ lúc nào không biết!

Gia Hân – Thục Anh. Ảnh: CCPR

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here