Muốn học tốt hoặc đơn giản là hoàn thành môn học ở đại học, bạn phải biết làm việc nhóm, muốn ứng tuyển vào một công ty, bạn phải biết làm việc nhóm, muốn khởi nghiệp bạn phải biết làm việc nhóm, muốn phát triển bản thân trong một xã hội đầy năng động… bạn cũng phải biết làm việc nhóm. Vậy kỹ năng làm việc nhóm ở bậc đại học quan trọng như thế nào? Cùng Đặc san Bách khoa khám phá vấn đề này qua góc nhìn của sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội.
Dở khóc dở cười khi làm việc nhóm
Nguyễn Thanh An – sinh viên năm cuối đến từ Viện Kỹ thuật Hóa học không khỏi bật cười khi nhớ lại những “cú sốc tâm lý” mà mình gặp phải khi làm việc nhóm trong những ngày đầu mới bước chân vào giảng đường đại học.
Tự nhận mình là một con người theo chủ nghĩa cá nhân, thích “tự làm tự chịu” nên khi thầy yêu cầu làm việc theo nhóm, An đã bị “ngợp”, cảm thấy thật khó để kiếm cho mình một nhóm phù hợp. Cho đến lúc bạn bè xung quanh ai cũng có nhóm hết rồi An vẫn một mình bơ vơ. Sau cùng, khi bắt buộc phải gom các thành viên còn bơ vơ trong lớp lại thành một nhóm, An và các bạn lại chật vật để thích nghi với việc làm việc nhóm. “Hồi mới bắt đầu làm việc nhóm, nhóm em ai cũng nghĩ bản thân giỏi và ai cũng có một cái tôi to đùng nên không ai chịu nghe ý kiến của ai. Bạn này nói thì bạn kia phản bác ngay hoặc cùng im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ riêng vụ tranh luận ý tưởng đã hết hơn 2/3 thời gian thầy cho để hoàn thành bài tập. Đến khi bắt tay vào công việc thì vắt chân lên cổ vẫn không kịp, thậm chí lúc đang chạy “marathon” rồi mà vẫn có những ý kiến khác chen vào. Quả là những ngày tháng đầy hãi hùng”, Thanh An nhớ lại.
Không chỉ sinh viên năm nhất mới gặp phải những trục trặc khi làm việc nhóm. Lê Xuân Hà – Lớp Kỹ thuật Điện tử Truyền thông 10, K58 chia sẻ: “Từ năm 3 trở đi, mọi người trong nhóm của em đều có nhiều dự định và thời khóa biểu bị lệch nhau nên khó thống nhất buổi họp trực tiếp, dẫn đến làm việc qua mạng không thực sự hiệu quả. Chẳng hạn như khi cả nhóm đã thống nhất cách trình bày slide hay báo cáo nhưng khi làm, một số thành viên không đến hoặc không để ý khiến người tổng hợp mất thời gian chỉnh sửa. Hay một lần, do hai thành viên bất đồng về lý thuyết và khi tranh luận đã to tiếng với nhau. Kết quả, dù mọi người đã can ngăn nhưng các bạn đó thay vì tranh luận đã quay sang chỉ trích nhau làm không khí buổi họp trở nên căng thẳng, nặng nề và đó cũng là buổi họp trực tiếp cuối cùng của nhóm”.
Nhóm của Trần Văn Cường – Lớp Kỹ thuật Vật liệu, K60 lại gặp phải sai lầm khi cho rằng người giỏi nhất trong nhóm nên là người chịu trách nhiệm chỉnh sửa, hoàn thiện bài tập. Việc này đôi khi gây nên sự quá tải cho bản thân người nhận trách nhiệm còn những người khác thì “không còn gì để làm”. Theo Cường, thông thường một nhóm sẽ có hai kiểu người là: tự tin quá và tự ti quá. Người tự tin cực đoan luôn cho mình là trưởng nhóm, mọi sự phải thông qua mình và ý kiến của mình mang tính quyết định. Tính cách này một phần cũng do thái độ của những người trong nhóm tạo nên. Mọi người trong nhóm chỉ nghe ý kiến người này và cho rằng chỉ có cá nhân đó mới đủ năng lực ra quyết định mỗi khi cần sự thống nhất. Còn người tự ti quá thường có nhiều ý kiến, ý tưởng nhưng không đủ tự tin để bảo vệ nó. Một phần cũng do tâm lý đám đông như đã nói ở trên khiến cho cá nhân này bị ảnh hưởng và cho rằng ý kiến của mình không đủ tầm.
“Mặc dù có rất nhiều vấn đề xảy đến khi làm việc nhóm, nhưng cá nhân em vẫn thích cách làm việc này vì dù bạn có giỏi đến đầu cũng đều không phải “giáo sư biết tuốt”. Nhiều vấn đề phát sinh ngoài tầm hiểu biết khiến mình gặp khó khăn trong quá trình giải quyết. Nhiều cái đầu cùng giải quyết một vấn đề sẽ nhanh chóng, hiệu quả và tập hợp được nhiều ý tưởng sáng tạo hơn. Mặt khác, em cũng học hỏi được rất nhiều kiến thức và kỹ năng từ các bạn trong nhóm”, Cường cho biết.
Để làm việc nhóm thực sự hiệu quả
Sau khi trải qua khá nhiều nhóm của các môn học, đến khi trở thành sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường, Nguyễn Thanh An cho rằng: “Để có một nhóm làm việc thành công, mỗi cá nhân phải hiểu như thế nào là nhóm. Nhóm phải gắn kết trên mục tiêu, phối hợp với nhau dựa trên năng lực và yêu cầu công việc. Thứ hai, làm việc nhóm tức phải có phương pháp. Nhóm không thể hình thành đơn giản theo kiểu tổ hợp. Ngoài ra, một nhóm tốt là một nhóm biết trả giá đúng cho các bài học, học hỏi nghiêm túc từ các thất bại, không đổ lỗi cho nhau nhưng cũng không xuề xòa, không bỏ qua lỗi mà sẽ cùng nhau chỉ ra những điều khiến nhóm thất bại, chân thành giúp nhau nhận ra điểm sai và tìm cách khắc phục. Không phải cứ gặp thất bại là đổ lỗi cho nhau, không chỉ trong môi trường đại học, sau này, khi đi làm tại các doanh nghiệp, vấn đề làm việc nhóm là không thể tránh khỏi nên các bạn hãy sẵn sàng ngay từ khi đang là sinh viên”.
Còn Lê Xuân Hà cho biết: “Để công tác tổ chức nhóm thành công, với kinh nghiệm của em, một nhóm nên bao gồm trưởng nhóm, thư ký và các thành viên khác. Trưởng nhóm là người đại diện cho nhóm, có trách nhiệm tổ chức, điều phối nhóm hoạt động hiệu quả. Trưởng nhóm không phải người giữ quyền hành, đặc biệt trưởng nhóm không nên là người ra quyết định một mình. Thư ký là người đảm bảo toàn bộ quá trình làm việc nhóm được ghi chú lại và chia sẻ cho tất cả các thành viên còn lại trong nhóm. Các thành viên khác phải có trách nhiệm chia sẻ công việc đảm bảo hoàn thành tiến độ và cập nhật thông tin cho trưởng nhóm”.
Trước câu hỏi “Sinh viên nên làm việc cố định với một nhóm hay đổi nhóm thường xuyên?”, Trần Văn Cường cho biết: “Cái nào cũng có mặt tốt mặt xấu của nó nhưng đối với cá nhân em, đối với các môn học chuyên ngành, nên ổn định thành viên nhóm, còn đối với những năm học đầu tiên nên thường xuyên đổi nhóm nếu các bạn thực sự muốn học hỏi, trải nghiệm. Hoán đổi nhóm thường xuyên sẽ rèn cho sinh viên kỹ năng tương tác tốt với mọi người, cọ xát, học hỏi được nhiều hơn và sẽ không có thói quen khu trú mình trong một khu vực an toàn”.
Ở Bách khoa Hà Nội, kỹ năng làm việc nhóm là yêu cầu không thể thiếu và được rèn luyện ngay từ năm học đầu tiên thông qua việc giải quyết bài tập các môn học, đó là yêu cầu bắt buộc của một số môn học. Bước sang những năm học tiếp theo, để giải quyết các bài tập lớn, đồ án tốt nghiệp theo nhóm, tham gia nghiên cứu khoa học hay các hoạt động Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên.
Sáng Nguyễn
Ảnh: Minh hoạ