Sinh ra ở mảnh đất Quảng Bình giàu truyền thống cách mạng, khi vừa bước sang tuổi 18, theo gọi tiếng thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Trung Quốc mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Kể từ đó, cuộc đời binh nghiệp gắn bó với ông suốt cuộc đời. Trải qua nhiều vị trí công tác, phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” đã giúp ông hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao cả trong thời chiến lẫn thời bình. Người mà chúng tôi đang nhắc tới là Đại tá Mai Xuân Sở – Trưởng khoa Giáo dục Quốc phòng – An ninh (GDQP-AN), Trường ĐHBK Hà Nội.
Một chiều mùa đông tháng 12, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017) và 28 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2017), phóng viên Đặc san ĐHBK may mắn được gặp “người thầy mặc quân phục” của sinh viên Bách khoa và nghe ông trải lòng về cuộc đời người lính, “người thầy” mà ông đã gắn bó suốt gần 40 năm qua.
TRƯỞNG THÀNH TỪ QUÂN ĐỘI
Năm 1979, Đại tá Mai Xuân Sở vừa học hết cấp 3 cũng là lúc Lệnh tổng động viên chống quân Trung Quốc xâm lược của Chủ tịch nước được phát đi trên cả nước. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, như bao thanh niên yêu nước khác, ông lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhớ lại quá trình rèn luyện, Đại tá Mai Xuân Sở kể: “Khi vào bộ đội, tôi thuộc biên chế tại Trung đoàn bộ binh 853 Quân khu 4 để huấn luyện chiến đấu tham gia vào mặt trận phía Tây Nam. Một tháng sau, tôi chuyển sang huấn luyện tại Sư đoàn Không quân 370 ở căn cứ Không quân Đà Nẵng. Sau thời gian đó, tôi được điều động về Ban Tham mưu Trung đoàn căn cứ Đà Nẵng công tác”.
Tháng 8/1979, ông được cử đi đào tạo sĩ quan tại Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Không quân Nha Trang. Sau 3 năm nỗ lực học tập và rèn luyện với kết quả tốt nghiệp xuất sắc, ông được giữ lại Trường làm cán bộ quản lý học viên trên cương vị Phó Đại đội trưởng, sau đó 2 năm là Đại đội trưởng. Với những thành tích trong quá trình công tác, ông được cử đi đào tạo kỹ sư hàng không tại Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không – Không quân). Trải qua các vị trí công tác như Phó trưởng Xưởng bảo dưỡng kỹ thuật hàng không, rồi Phó phi Đội trưởng kỹ thuật Phi đội 1 ở Trung đoàn Không quân 920, đóng quân tại căn cứ Không quân Phù Cát. Dù ở vị trí công tác nào Đại tá Mai Xuân Sở cũng xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Một kỷ niệm và cũng là kinh nghiệm mà đến bây giờ ông vẫn không bao giờ quên là yêu cầu về tính thận trọng, tỉ mỉ, chuẩn xác của người lính. Đại tá Mai Xuân Sở kể: “Đó là vào mùa hè năm 1994, khi tôi đang cùng các tổ máy bay kiểm tra tình trạng kỹ thuật lần cuối trước khi bay huấn luyện thì nhận được lệnh của đồng chí Chủ nhiệm kỹ thuật phát đi từ Trạm điều hành kỹ thuật sân bay: “Phi đội 1, khẩn trương tiếp thu máy bay 5345 có dấu hiệu kẹt cần lái phải đình chỉ cất cánh đang từ đường băng lăn về”. Khi máy bay về đến sân đỗ, tôi ra hiệu cho phi công không tắt máy và ra lệnh cho tổ kỹ thuật đặt chèn bánh. Sau khi yêu cầu phi công ra khỏi buồng lái, tôi ngồi vào buồng lái lấy hết sức của cả hai tay kéo thật mạnh cần lái về phía sau và đột nhiên cần lái trở nên nhẹ nhàng như không có chuyện gì xảy ra. Tôi tắt máy và ra lệnh cho tổ kỹ thuật của máy bay tiến hành mở các nắp công tác kiểm tra và phát hiện một chiếc tô vít dính đầy mỡ bôi trơn nằm ngay trong khoang công tác”. Đây là một bài học đắt giá cho những ai làm kỹ thuật – nhất là ngành kỹ thuật hàng không. Bởi nếu tình trạng đó xảy ra khi máy bay đang bay thì vô cùng nguy hiểm, vì cần lái bị kẹt, phi công không thể điều khiển máy bay được và chỉ còn cách nhảy dù để bảo toàn tính mạng.
Đến tháng 5/1995, Đại tá được cử đi đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật cấp chiến thuật – chiến dịch, sau khi tốt nghiệp ông được điều động về làm giảng viên Khoa Kỹ thuật hàng không, (Học viện Phòng không – Không quân). Đến tháng 9/2014, ông được Bộ Quốc phòng điều động biệt phái sang công tác tại Khoa GDQP-AN, Trường ĐHBK Hà Nội. Ngày 18/11/2014, ông được Hiệu trưởng bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa GDQP-AN và giữ cương vị đó cho đến hôm nay.
Gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ, Đại tá Mai Xuân Sở đã trải qua bao gian nan, vất vả, có khi phải đối mặt với cả cái chết để hoàn thành nhiệm vụ. “Nhưng chính cuộc sống quân ngũ với kỷ luật thép đã tôi luyện tôi ngày càng trưởng thành hơn. Không những vậy, sự vất vả hy sinh đã mang đến cho những người lính chúng tôi tình đồn g chí, đồng đội nồng thắm. Tình cảm đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vừa là bản chất của quân đội cách mạng, vừa là một trong những cơ sở tạo nên sức mạnh của quân đội ta; giúp cho những người cùng chung lý tưởng, mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc – một nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng rất vinh quang và cao quý” – Đại tá Sở chia sẻ.
TÂM HUYẾT VỚI SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI
Trưởng thành trong quân đội, với phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ cùng những kinh nghiệm công tác, Đại tá Mai Xuân Sở còn là người truyền tình yêu quê hương đất nước cho biết bao thế hệ sinh viên qua môn học Giáo dục quốc phòng – An ninh. Là người quản lý và trực tiếp giảng dạy, Đại tá Mai Xuân Sở luôn trăn trở phải làm thế nào để cuốn hút sinh viên khi học môn học này. Mỗi bài giảng của Thầy luôn lồng ghép những ví dụ minh họa cụ thể, bài học thực tế sinh động về lòng yêu nước, căm thù giặc của các thế hệ cha anh. Sau mỗi ví dụ, Đại tá Mai Xuân Sở đều rút ra ý nghĩa gắn với việc học tập, đấu tranh chống quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của sinh viên cũng như cách thể hiện lòng yêu nước đúng đắn, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Nhớ lại tiết giảng của người Thầy giàu tâm huyết, Phạm Thái Sơn – sinh viên lớp An toàn thông tin K58 tâm sự: “Với phương pháp giảng của Đại tá Mai Xuân Sở, nội dung bài học giáo dục quốc phòng trở nên hấp dẫn, không còn tẻ nhạt, nhàm chán. Giáo dục lòng yêu nước thông qua những câu chuyện thực tiễn giúp chúng em hiểu hơn về truyền thống vẻ vang của dân tộc, thêm yêu lịch sử nước nhà”.
Học tập môn GDQP-AN ngoài việc trang bị cho sinh viên những nội dung cơ bản về đường lối quân sự, công tác quốc phòng an ninh, các kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết, giúp sinh viên nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sinh viên còn trực tiếp được rèn luyện tác phong quân đội. Đây là điều kiện quan trọng hình thành nhân cách, tính tổ chức, kỷ luật và góp phần đáng kể vào việc xây dựng “chất Bách khoa” cho nhiều thế hệ sinh viên.
Trên cương vị Trưởng khoa GDQP-AN, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Đại tá Mai Xuân Sở đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt tình hình đơn vị, cùng với đội ngũ cán bộ chủ chốt trong Khoa bàn bạc tìm ra các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi, kỷ luật nghiêm, đoàn kết nhất trí cao, tạo nên sức mạnh nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, xây dựng môi trường làm việc cũng được Đại tá quan tâm thực hiện, như việc xây dựng website riêng của Khoa GDQP-AN, không gian làm việc, hệ thống văn bản, hệ thống quản lý ISO 9001:2008…
Là người lãnh đạo một đơn vị đặc thù như Khoa GDQPAN với đội ngũ cán bộ liên tục thay đổi, biến động vì theo quy định của Nghị định 165 của Chính phủ, thời gian biệt phái của các sĩ quan là 5 năm nên việc xây dựng tinh thần đoàn kết trong đơn vị là vô cùng quan trọng. Vì vậy, vai trò của người chỉ huy phải tiên phong, gương mẫu trên mọi mặt công tác, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; chia ngọt sẻ bùi với đồng nghiệp, đồng chí và luôn quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người trong đơn vị.
Trung bình mỗi năm học, Khoa GDQP-AN giảng dạy cho trên 18.000 lượt sinh viên, với tổng số hơn 6.000 giờ giảng. Mặc dù số lượng sinh viên lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đại tá Mai Xuân Sở cùng sự cố gắng, đoàn kết của tập thể cán bộ, nhân viên, Khoa GDQPAN luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao Ba năm học liên tiếp (2014 – 2015, 2015 – 2016, 2016 – 2017), Khoa đơn vị đều đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.
Với những đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thành tích xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, Đại tá Mai Xuân Sở đã được nhận nhiều Huân chương, Bằng khen, Giấy khen của Đảng, Nhà nước và Trường ĐHBK Hà Nội như: Huân chương Chiến công hạng Nhất (2005); Huy chương Quân kỳ Quyết thắng (2011); Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba (1995), hạng Nhì (2000), hạng Nhất (2005); Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục (2006); Chiến sĩ thu đua các năm 1980, 1981, 2003, 2017… và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi